Nữ CEO xinh đẹp ManulifeAM Vietnam chia sẻ về kế hoạch kinh doanh 2013

04/03/2013 09:59 AM | Quản trị

Chi phí vận hành cho quỹ mở có thể lên tới khoảng 0.5% trên giá trị tài sản ròng của quỹ một năm, so với mức trên dưới 0.3% đối với chi phí vận hành quỹ đóng.

Năm 2012, Thị trường chứng khoán chứng kiến khá nhiều biến động. Nhiều công ty quản lý quỹ, do đó, cũng đã gặp không ít khó khăn và nhiều quỹ đã rục rịch chuyển đổi xu hướng. Chúng tôi có phỏng vấn chị  Nguyễn Vũ Ngọc Trinh - Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Manulife Việt Nam (ManulifeAM Vietnam) về hoạt động của quỹ cũng như định hướng sắp tới.

Chào chị, năm 2012, TTCK nhiều xáo trộn với những cơ hội đóng lại 6 tháng đầu năm, mở ra trong 6 tháng cuối năm. Qũy đã phản ứng thế nào, phân bổ tỷ trọng đầu tư ra sao, bao nhiêu %cổ phiếu, bao nhiêu % trái phiếu, bao nhiêu tiền? 

Năm 2012 là năm thị trường có mức biến động cao với tốc độ tăng của VN Index đầu năm rất cao, suy giảm kể từ sau tháng 5 và phục hồi 1 phần vào tháng 12, kết thúc năm ở mức tăng 17.69%. Quỹ Đầu Tư Tăng Trưởng Manulife (MAFPF1) là một quỹ đầu tư cổ phiếu với mục tiêu tạo ra giá trị tăng trưởng dài hạn. Trong năm 2012, Quỹ chú trọng vào 2 chiến lược đầu tư chính: 

(1) Lựa chọn cổ phiếu có các yếu tố cơ bản tốt, dòng tiền dồi dào là yếu tố hàng đầu nhằm tạo giá trị cho Quỹ và giảm rủi ro trong điều kiện thị trường nhiều biến động.

(2) Linh động điều chỉnh tỉ trọng tiền mặt của Quỹ ở mức độ vừa phải theo diễn biến của thị trường. 

Vào đầu năm 2012, Quỹ có gần 10% tiền mặt và đã linh hoạt giải ngân giảm tỉ trọng tiền mặt ngay những tuần đầu tháng 1, để bắt kịp đà tăng của thị trường. Sau sự kiện ngày 21/8/2012, Quỹ đã nâng tỉ trọng tiền mặt lên trên 10% và đến thời điểm cuối tháng 11 là trên 14%. Trong tháng 12 năm 2012, Quỹ đã nâng tỉ trọng cổ phiếu, giảm tỉ trọng tiền mặt, giải ngân vào những cổ phiếu tốt có định giá hấp dẫn.
 

Nhờ vào 2 chiến lược đầu tư trên, Quỹ MAFPF1 năm 2012 đã đạt mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng là 25% sau khi trừ mọi chi phí của Quỹ, vượt trội so với mức tăng 17.7% của VN Index. Giá Chứng Chỉ Quỹ MAFPF1 trong năm qua cũng tăng xấp xỉ 49%.

Ngành nào sẽ là ngành mục tiêu quỹ hướng tới năm 2013?

Trong năm 2013, chúng tôi dự đoán thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động. Những chiến lược đầu tư được áp dụng trong năm 2012 sẽ tiếp tục phát huy được hiệu quả tối ưu. 

Những ngành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, dòng tiền hoạt động ổn định, ít rủi ro vẫn được chúng tôi chú trọng như ngành Hàng Tiêu Dùng, Viễn Thông và Dược Phẩm.

Chị nhận định như thế nào về Kinh tế vĩ mô nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng trong năm 2013? Áp lực của thị trường ra sao nếu thời hạn đóng quỹ của nhiều quỹ đóng và quỹ mở chưa kịp phát huy vai trò?

Chúng tôi nhận định kinh tế vĩ mô nói chung đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong năm 2012 như lạm phát tương đối thấp, xuất siêu, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối tăng cao so với 2011 và tỉ giá VND/USD ổn định

Chúng ta bắt đầu năm 2013 trên một nền tảng tích cực hơn so với năm 2012Chúng ta sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong vấn đề giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng để khơi thông dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế, trong vấn đề kích thích thị trường bất động sản cũng như kích cầu tiêu dùng trong nước. 

Do đó, việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có các đối sách thích hợp cũng như hiệu quả của các đối sách này sẽ là yếu tố quyết định xu hướng chung của TTCK Việt Nam trong năm 2013. Diễn biến của TTCK từ tháng 12 năm 2012 cho đến nay đã thể hiện kỳ vọng của giới đầu tư về sự quyết liệt và hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô. TTCK Việt Nam trong năm 2013 vẫn sẽ có nhiều biến động do tâm lý của giới đầu tư vẫn chưa hoàn toàn ổn định.

Thời hạn đóng Quỹ của vài Quỹ đóng sẽ rơi vào Quý 3/2013 và Quý 2, quý 3/2014. Đối với các Quỹ đóng niêm yết hiện tại, chúng tôi nhìn nhận rằng nếu với khung thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng để thanh lý một Quỹ thì áp lực đối với thị trường không hẳn là quá lớn

Thanh khoản VN Index trung bình trong năm 2012 là trên 800 tỉ đồng giao dịch một ngày. Tổng giá trị tài sản của 5 Quỹ đóng niêm yết (trừ một Quỹ chưa giải ngân vào cổ phiếu) là trên dưới 150 triệu USD hay 3.000 tỉ đồng. Đồng thời thời hạn đóng Quỹ của các Quỹ hiện tại không rơi vào cùng một thời điểm mà cách nhau tầm 6 tháng. Tài sản của các Quỹ đóng cũng đa phần là cổ phiếu có thanh khoản cao, vốn hóa thị trường tương đối lớn. 

Trong báo cáo thường niên năm ngoái, ManulifeAM cũng có nhắc đến khả năng chuyển đổi MAFPF1 thành quỹ mở. Đến nay, nhiều quỹ đã rục rịch chuyển mình, kế hoạch chuyển đổi MAFPF1 ra sao?

Ngay sau khi Đại hội nhà đầu tư thường niên năm 2011 thông qua chủ trương chuyển đổi quỹ MAFPF1 từ hình thức quỹ đóng sang quỹ mở trong năm 2013, Công ty Quản Lý Quỹ Manulife Việt Nam đã phối hợp cùng với Ban Đại diện Quỹ tiến hành các bước cần thiết bao gồm nghiên cứu điều kiện pháp lý, tiếp xúc với các nhà cung cấp dịch vụ cho hoạt động của Quỹ mở, bao gồm Đại lý phân phối, Đại lý chuyển nhượng...để hoàn thiện Quy trình và các hồ sơ pháp lý cần thiết cho việc chuyển đổi quỹ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Các thành viên Ban đại diện Quỹ thông qua các buổi họp định kỳ để trao đổi, thảo luận, cập nhật kế hoạch chuyển đổi quỹ. Trong kỳ họp đại hội cổ đông thường niên Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife (MAFPF1) sắp tới vào ngày 28/03/2012, Phương án chuyển đổi Quỹ từ Quỹ đóng sang Quỹ mở sẽ được trình để Đại hội Nhà đầu tư biểu quyết thông qua.

Việc Quỹ có thực hiện chuyển đổi hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của Nhà đầu tư. Theo qui định của Thông tư 183, phương án chuyển đổi sẽ được thông qua khi có nghị quyết của nhà đầu tư đại diện cho ít nhất 75% tổng số chứng chỉ quỹ đang lưu hành thông qua và việc Hủy niêm yết sẽ được thông qua nếu Đại hội cổ đông có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn chấp thuận. 

Đối với một Quỹ công chúng có số lượng Nhà đầu tư trên 1.600 Nhà đầu tư thì chi phí thực hiện chuyển đổi dự kiến sẽ tương đối cao so với một Quỹ có số lượng nhà đầu tư hạn chế. Đối với một số Nhà đầu tư đã đi với Quỹ từ ngày đầu, cũng có một số quan điểm cho rằng việc chuyển đổi trước ngày Quỹ đóng khoảng 12 tháng (MAFPF1 sẽ đóng vào tháng 9 năm 2014 nếu không chuyển đổi) không phải là nhu cầu cấp thiết.

Nếu năm nay, MAFPF1 chuyển đổi thành quỹ mở thì chị đánh giá thuận lợi, bất lợi cho MAFPF1như thế nào?

Chúng tôi nhận định rằng, nếu việc chuyển đổi quỹ MAFPF1 sang quỹ mở thành công sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư của Quỹ mong muốn bán lại chứng chỉ quỹ sẽ có thể giao dịch tại mức giá tương ứng giá trị tài sản ròng (NAV) trên một chứng chỉ quỹ thay vì giao dịch tại mức giá thị trường hiện đang được giao dịch ở mức chiết khấu so với giá NAV tại thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi quỹ nếu thành công cũng sẽ tạo điều kiện cho Quỹ huy động thêm vốn đối với những nhà đầu tư có quan tâm và tin tưởng với Quỹ MAFPF1 của chúng tôi.

Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán năm 2013 dự báo có nhiều biến động và còn phụ thuộc nhiều vào những chính sách vĩ mô của Chính phủ, rủi ro về điểm rơi của việc thực hiện chuyển đổi Quỹ là có.

Giữa quỹ đóng và quỹ mở thì quy trình vận hành, chi phí vận hành khác nhau thế nào?

Theo tính toán của chúng tôi, chi phí vận hành cho quỹ mở có thể lên tới khoảng 0.5% trên giá trị tài sản ròng của quỹ một năm, so với mức trên dưới 0.3% đối với chi phí vận hành quỹ đóng. Phần chi phí tăng thêm chủ yếu là cho các dịch vụ liên quan đến việc thực hiện giao dịch mua bán thường xuyên cho nhà đầu tư. Chi phí vận hành quỹ mở có thể thay đổi tùy thuộc vào số lượng Nhà đầu tư của Quỹ.

Về quy trình vận hành, có thể thấy rõ nhất điểm khác biệt giữa hai hình thức là đối với quỹ mở, giá giao dịch chính là giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ tại thời điểm định giá trừ đi phí phát hành hoặc phí mua lại chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư có thể linh động mua hay bán chứng chỉ quỹ bất cứ lúc nào, theo tần suất và tỷ lệ giao dịch do điều lệ quỹ quy định. Trong khi đó đối với hình thức quỹ đóng, giá giao dịch chứng chỉ quỹ do thị trường quyết định, có thể cao hơn, thấp hơn hay bằng giá trị NAV/chứng chỉ quỹ và trong trường hợp thanh khoản thị trường không cao, nhà đầu tư không thể mua hay bán chứng chỉ quỹ theo ý muốn.

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM