Nói và làm: Bán gạo mua Iphone, nỗi niềm công nghệ cao

01/10/2012 09:00 AM | Quản trị

Không thể phủ nhận những thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp đã mang lại cho Việt Nam một vị thế đáng kể trong bản đồ kinh tế thế giới. Nhưng sẽ khó có đột phá và vươn lên nếu chúng ta vẫn cứ mãi loay hoay với bài toán phát triển công nghệ cao trong suốt mươi, mười lăm và hai mươi năm qua…

Những so sánh...

Trước hết, ở đây chúng ta dành sự tôn trọng tuyệt đối cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng như hàng triệu người lao động đang hàng ngày dãi dầm mưa nắng để sản xuất ra lúa gạo, nông sản vừa phục vụ cho như cầu của đất nước vừa xuất khẩu ra nước ngoài để chắt chiu từng đồng ngoại tệ cho đất nước.

Tuy nhiên, không thể không thừa nhận một thực tế rằng: chừng nào chúng ta vẫn tự hài lòng với "ngôi vương", "ngôi hậu" thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu thô hồ tiêu, gạo mà vắng bóng những sản phẩm công nghệ có thể cạnh tranh toàn cầu thì nền kinh tế vẫn khó có thể đạt mục tiêu công nghiệp và hiện đại.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang khó khăn, sức mua giảm sút thì hiện tượng Iphone 5 bị cháy hàng và chỉ sau 3 ngày đầu tiên xuất hiện mẫu smartphone này đã bán được hơn 5 triệu theo công bố của hãng Apple hôm 24/9 quả là chuyện khó tin.

Bởi nếu quy đổi từ giá bán 1 chiếc iphone 5 tại Việt Nam hiện nay khoảng xấp xỉ 25 triệu VND/chiếc (tương đương 1.100 USD) thì 5 triệu chiếc Iphone 5 có giá trị hơn 5 tỷ USD. Trong khi, theo số liệu của cơ quan thống kê, trong tháng 9/2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,789 tỷ USD.

Thử làm 1 phép so sánh, tuy không đồng nhất nhưng cũng đáng để suy nghĩ. Chỉ trong 3 ngày ra mắt, trị giá iphone 5 bán ra đã chiếm hơn 50% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong tháng 9/2012 (9,7 tỷ USD).

Đặc biệt, nếu so sánh với 18 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD trong 9 tháng năm 2012, thì trị giá này chỉ thua nhóm dệt may (11,25 tỷ USD); dầu thô (6,34 tỷ USD), tương đương với nhóm điện tử, (5,36 tỷ USD) và vượt xa thủy sản (4,14 tỷ USD), gỗ (3,39 tỷ USD).

So với gạo -mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới - thì 9 tháng chỉ xuất khẩu được có 2,87 tỷ USD, tức chỉ hơn 50% so với giá trị của số Iphone 5 bán ra trong 3 ngày!

Trong tài liệu trích từ báo cáo "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu" do Ủy ban kinh tế Quốc hội vừa công bố cho thấy, trong xu hướng chung của thế giới hiện nay, lợi thế cạnh tranh xây dựng từ sở hữu các nguồn lực tài nguyên thô và giá nhân công rẻ, từ các ngành thâm dụng lao động và có hàm lượng công nghệ thấp đang đối diện nguy cơ khó bền vững.
 
Thay vào đó, hàm lượng công nghệ, kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý mới là những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.

Giá trị của sáng tạo

Số liệu của UN Comtrade (Cơ sở Thống kê dữ liệu Thương mại tiêu dùng của Liên Hợp Quốc) cho thấy, sản xuất công nghiệp thế giới trong hơn 10 năm qua có những diễn biến mới. Giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng công nghiệp (MVA) của những ngành có hàm lượng công nghệ cao có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, cao hơn nhiều các nhóm ngành khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo này, bình quân một lao động ở Việt Nam tạo ra giá trị MVA quá thấp so với các nước trong khu vực và điều này hầu như không thay đổi sau 10 năm.

Cụ thể, năm 2000, MVA/lao động của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3,5 so với Trung Quốc, 1/3 so với Indonesia, 1/5 so với Thái Lan, và thậm chí chỉ bằng 1/20 so với Malaysia. Sau 10 năm, các tỉ lệ tương ứng vẫn ở mức rất thấp là 1/5; 1/3; 1/5,5 và 1/10. Tỉ trọng MVA/GDP của Việt Nam cũng thuộc vào loại thấp nhất trong khu vực, chỉ chiếm 20% GDP, trong khi ở Trung Quốc và Thái Lan là khoảng 34%.

Không những tạo ra ít giá trị gia tăng công nghiệp, hàm lượng công nghệ trong các ngành sản xuất cũng rất thấp so với các nước khác, và hầu như không thay đổi trong nhiều năm. Tỉ trọng ngành có hàm lượng công nghệ trung bình và cao chỉ chiếm tỉ trọng 25% giá trị công nghiệp trong giai đoạn 2005-2009, so với hơn 60% ở Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.

Xét về hàm lượng công nghệ trong hàng công nghiệp xuất khẩu Việt Nam, theo tiêu chuẩn của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu trong nhiều năm gần đây và hầu như không có xu hướng tăng, trong khi nhóm nông lâm thủy sản vẫn duy trì ở mức 20%.

Trong cơ cấu của các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu thì tỉ trọng của nhóm ngành máy vi tính, linh điện điện tử (thuộc ngành hàng có hàm lượng công nghệ trung bình) chỉ chiếm tỉ trọng 10% trong các năm, trong khi phần lớn đều thuộc nhóm ngành hàng có công nghệ thấp hoặc dựa vào tài nguyên thô (giày dép, may mặc, sản phẩm đồ gỗ...).

Theo cách phân loại của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), hàm lượng công nghệ các ngành xuất khẩu của Việt Nam hầu như không thay đổi sau 10 năm.

Tỉ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 12-13%, ngành sử dụng công nghệ trung bình khoảng 10%, trong khi ngành công nghệ thấp chiếm tỉ trọng trên 60%. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực đều có các ngành công nghệ trung - cao chiếm tỉ trọng phần lớn trong cơ cấu xuất khẩu.

Cho đến năm 2009, tỉ trọng ngành công nghệ cao của Trung Quốc đã chiếm tới 35,6%, Malaysia là 45,7% và Thái Lan là 27%. Tỉ trọng ngành sử dụng công nghệ thấp của các nước chỉ còn dưới 30% đối với Trung Quốc và thấp nhiều hơn nữa ở các nước còn lại.

Điều này cho thấy sự tụt hậu khá xa của Việt Nam so với các nước khác trong việc xác lập năng lực cạnh tranh công nghệ.

Rõ ràng với trình độ công nghệ này, không có gì khó hiểu khi Việt Nam vẫn buộc phải "trung thành" với chiến lược xuất khẩu nguyên liệu thô và tiếp tục nuôi giấc mơ công nghệ cao.

Nhưng làm sao có thể làm ra được những sản phẩm đỉnh cao như vậy để xuất khẩu thay cho nguyên liệu thô, có lẽ trước hết phải giải lại bài toán phát triển công nghệ cao mà chúng ta cứ loay hoạy suốt trong mươi, mười lăm và hai mươi năm qua...
 
Theo Tâm Thời
VEF

duchai

Cùng chuyên mục
XEM