Nhân viên Amazon bị bóc lột như dưới địa ngục

05/12/2013 10:30 AM | Quản trị

Mỗi ca 10 tiếng rưỡi, lương tính bằng xu, nghỉ ba ngày là bị đuổi... Thế mới làm nên dịch vụ chuyển hàng "nhanh, chuẩn, phục vụ tận cửa" của gã khổng lồ.

Nội dung nổi bật:

Phóng viên tờ báo nước Anh The Guardian đã vào vai một nhân viên làm việc tại kho hàng của Amazon trong dịp Giáng sinh và kể lại những trải nghiệm kinh khủng sau một tuần làm việc:

- 15.000 nhân viên kho hàng, mỗi ca 10 tiếng rưỡi, lương vài xu một giờ, lao động chân tay, giải lao 15 phút và nghỉ quá ba ngày là bị đuổi.

- Amazon là "thiên đường cuối cùng" cho những kẻ thất nghiệp lâu ngày và không thể xin được việc ở bất cứ đâu.

- Hết mùa Giáng sinh, hàng nghìn người bị sa thải đột ngột. Những người ở lại cũng chẳng khá khẩm hơn. Có những người làm việc lâu năm mà chưa được vào ngạch "nhân viên cố định".

- Amazon, "gã to xác" chuyên trốn thuế và bắt nạt những doanh nghiệp khác.


Swansea là một trong tám kho hàng của Amazon tại Anh, đạt diện tích tiêu chuẩn 74.000 mét vuông, tương đương với 11 sân bóng đá, bên trong là hơn 100 triệu sản phẩm mà khách hàng có thể trông thấy trên website: "Amazon bán mọi thứ bạn có thể tưởng tượng ra. Cái gì bạn không tưởng tượng ra, Amazon vẫn bán".

Những "yêu tinh" thế kỷ 21 của Amazon

Tại Swansea có bốn ca làm việc, một ca kéo dài 10 tiếng rưỡi, công việc chính là lấy hàng khỏi giá, đóng gói bằng tay. Tôi được làm việc ở khu vực có những mặt hàng như nhà cho chó, thức ăn cho chó, TV 52 inch, những lô nước khoáng đóng chai từ đảo quốc Fiji và thậm chỉ cả sextoy ngoại cỡ. 

Chỉ sau ngày đầu tiên, chúng tôi đã bốc và đóng gói được tổng cộng 155.000 sản phẩm. Vào ngày mua sắm bận rộn, con số này có thể lên tới 450.000. Năm ngoái có lần Amazon nhận 3,5 triệu đơn hàng chỉ trong một ngày. Giáng sinh được coi là ác mộng kinh hoàng của nhân viên ở đây, đến những tay quản lý kỳ cựu nhất cũng phải khóc thét. Hai tuần trước, Amazon đã tuyển thêm 15.000 nhân viên mùa vụ ở Anh.


Nhân viên ở đây được gọi là "những yêu tinh ở Amazon" trong "hang động của Ông Già Tuyết thế kỷ 21". Nếu Ông Già Tuyết mà có bảng tính lương cho các yêu tinh mùa vụ với mức giá bèo bọt, cường độ làm việc chạm vạch quy định tại châu Âu và sa thải thẳng tay nếu họ lỡ nghỉ mất ba ngày trong suốt thời gian ba tháng, lại còn trốn thuế và chèn ép đồng nghiệp thì phép so sánh này cũng khá chuẩn.

Khách nhận được đúng hàng mình cần vào ngay ngày hôm sau, công nhận Amazon làm việc gì cũng mát tay! Brad Stone, tác giả cuốn sách "The Everything Store: Jeff Bezos and the Age of Amazon" ("Cửa hàng vạn món: Jezz Bezos và kỷ nguyên Amazon") nhận xét: "Ở Amazon, hàng chục triệu sản phẩm được phân loại, sắp xếp trơn tru và đưa đến tay khách hàng chính xác, đúng giờ.

Đúng vậy, chúng tôi không chỉ phải nhặt 155.000 món đồ mà còn phải bọc gói đúng, gửi đến đúng người mua. Nhà kho này chỉ là một bánh răng nhỏ trong cả cỗ máy phân phối toàn cầu. Đó là một quá trình được hệ thống hóa, công nghiệp hóa trên quy mô khổng lồ và tân tiến, tất cả đều chính xác từng li.

Tôi được tập huấn cùng hai đồng nghiệp trước đó đã thất nghiệp lâu năm. Hôm sau, một người phải nghỉ vì sưng mắt cá chân, cô đã gọi điện báo nhưng vẫn sẽ bị nhận một "điểm". Đủ ba điểm, cô sẽ bị đuổi việc.

Thiên đường cuối cùng của kẻ thất nghiệp

Người tập huấn của tôi đã làm việc ở đây hơn một năm và có khả năng đi lại trong kho vèo vèo như "lăng ba vi bộ". Ông năm nay "đầu 6", kể lại cho tôi nghe chuyện bị sụt 12 cân trong hai tháng đầu tiên chỉ vì đi lại như thế nào. Lúc xin việc, chúng tôi cũng được nhắc trước là sẽ đi bộ 24 km trong một ca làm việc

Ông từng làm quản lý cấp cao 32 năm trước khi đến đây nhưng vẫn chưa được làm nhân viên chính thức. Được hỏi tại sao, ông chỉ lắc đầu nhưng tôi nghe thấy đâu đó có ai lẩm bẩm: "Ở đây người quen của quản lý mới được nhận vào, bên nhân sự thì chọn tên ngẫu nhiên và sa thải bất ngờ không báo trước, một thứ ma thuật đen huyền bí".

Chất vấn Amazon, công ty trả lời: "Một nhóm nhỏ nhân viên thời vụ được tiếp tục làm việc với chúng tôi. Công ty giữ lại để tuyển họ vào làm cố định khi có thể. Năm 2013, chúng tôi có thể tạo ra 2.300 việc làm cố định toàn thời gian cho các nhân viên thời vụ trong dịp Giáng sinh nhưng rất tiếc, công ty không thể nào tuyển hết cả 15.000 người đó vào được."

Mức lương nhân viên kho hàng chỉ bằng mức tối thiểu là 6,5 Bảng Anh cộng thêm 19 xu, ca làm dài mười tiếng rưỡi, giải lao có 15 phút và toàn công việc chân tay. Điều kiện làm việc như dưới địa ngục nhưng nhân viên vẫn tâm sự Amazon là thiên đường cuối cùng, nơi dừng chân sau khi không thể xin việc ở bất cứ đâu nữa. 

Có người từng làm xây dựng, quản lý bệnh viện, kỹ sư IT, thợ mộc, thợ điện, marketing... Họ đều có kỹ năng, có chuyên môn nhưng thất nghiệp và bây giờ phải làm cho Amazon với mức lương bèo bọt vậy mà vẫn rất phấn khởi.

Gã to xác "dã man", thích trốn thuế và bắt nạt

Đối với khách hàng, Amazon là nơi rẻ nhất, không một nhà phân phối nào có thể cạnh tranh về giá. Nhưng Amazon chưa thỏa mãn, Brad Stone nhận định: "Tham vọng của họ là bán mọi thứ trên đời. Họ đã có dịch vụ điện tử, dịch vụ doanh nghiệp, nay lại vừa bán cả tác phẩm nghệ thuật. Thời trang còn non tay nhưng đang được mở rộng và sắp tới sẽ bán cả hàng tạp hóa. Họ tăng trưởng nhanh vì cắt giảm được mọi chi phí". 

Ở Anh các hãng như Tesco, Asda, Waitrose... đều đã bán hàng tạp hóa nhưng đều trở thành những kẻ "dã man" khi chỉ tuyển có 47 người cho doanh số 10 triệu USD. Amazon còn "kinh khủng" hơn, chỉ tuyển 14 người cho mỗi 10 triệu USD lợi nhuận. Năm 2012 tại Anh, Amazon đạt lợi nhuận là 4,2 tỷ Bảng Anh và sa thải 23.000 người. 

Những ai còn trụ lại cũng chẳng khá khẩm hơn, việc nặng, lương thấp, bấp bênh. Mới đây Amazon vừa sắm một hệ thống phân loại tự động tên là Kiva với giá 755 triệu USD, liệu trong vòng 10 năm tới còn bao nhiêu nhân lực được ở lại?

Tại Anh, doanh thu của công ty năm 2012 là 4,2 tỷ Bảng mà thuế thu nhập doanh nghiệp được nộp có 3,2 triệu Bảng. Brad Stone nói trốn thuế đã ngấm vào máu công ty: "Phải lợi dụng lỗ hổng thuế hoặc nếu không có thì tự chọc ra."

Markt Constantine, đồng sáng lập hãng mỹ phẩm Lush, đã từ chối bán hàng qua Amazon nhưng không thể cản hãng sử dụng tên Lush của mình để kéo người mua tới website để rồi đề nghị sử dụng một sản phẩm thay thế. Constantine cho biết: "Đó là một cách ép doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Tôi đã kiện lên tòa án tối cao việc họ vi phạm nhãn hiệu hàng hóa và mất những nửa triệu bảng Anh để bảo vệ việc làm ăn".

Thứ bảy, chúng tôi không phải đi nhặt đồ trong kho nữa. Nhưng tuần sau, ca làm việc sẽ tăng thêm một tiếng, và thêm một ngày ngoài giờ bắt buộc. Đúng là ở vị trí khách hàng, chúng ta luôn muốn ngồi tại nhà mua sắm, hàng phải rẻ, phải được chuyển tới tận cửa. Nhưng đằng sau tất cả sự tiện lợi ấy là cái giá rất đắt, chẳng qua ta chưa biết mà thôi.

>> Nhiều nhà cung cấp tẩy chay Amazon

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM