Làn sóng doanh nghiệp trở về chính quốc

24/01/2013 11:33 AM | Quản trị

Sau nhiều thập kỷ chuyển ra nước ngoài gia công, các ngành sản xuất tại các nước phát triển đã quay về chính quốc, nhất là Mỹ.

Ngành sản xuất và gia công sau khi phát triển mạnh mẽ tại các nước phát triển đang có xu hướng quay về chính quốc, nhất là về Mỹ.

Làn sóng yêu nước và cứu nền sản xuất nội địa bằng việc tiêu thụ hàng Mỹ đang trở thành xu hướng mới được cổ vũ nồng nhiệt. Bởi lẽ, trong khủng hoảng kinh tế, người Mỹ gặp nhiều khó khăn khi tìm việc và doanh nghiệp Mỹ được thúc đẩy tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nữa cho người trong nước.

Đầu năm nay, theo khảo sát của tờ New York Times, 52% người tham gia trả lời cho biết, việc hàng hóa được sản xuất tại Mỹ đối với họ là “rất quan trọng” khi đưa ra quyết định mua hàng. Một nghiên cứu khác của hãng tư vấn Boston đã khẳng định điều này khi công bố, 80% người được hỏi cho biết sẵn sàng trả giá cao hơn nếu sản phẩm là chính quốc chứ không phải “Made in China”.

Doanh nghiệp vào cuộc

Các công ty Mỹ, trong đó có Starbucks cũng tích cực tham gia và quảng bá mạnh mẽ cho chiến dịch đưa công ăn việc làm về lại với nước Mỹ. Starbucks đã chọn Amercican Mug and Stein, nhà sản xuất gốm cuối cùng của nước Mỹ, để thuê sản xuất các sản phẩm cốc chén sử dụng trong chuỗi cửa hàng của mình và quyên tặng một phần doanh số bán hàng vào quỹ vận động tạo công ăn việc làm cho công dân Mỹ.

Rút ra được bài học lớn từ sau cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp và doanh nhân Mỹ đã bắt đầu hướng tới sự phát triển bền vững hơn, bắt đầu từ các sản phẩm thân thiện với môi trường và có công năng sử dụng cao hơn. Theo công ty tư vấn PwC, ngành sản xuất ở Mỹ có thể sẽ bắt đầu một “thời kỳ phục hưng” với rất nhiều yếu tố tích cực như chi phí lao động hợp lý hơn, tài chính vững vàng hơn.

Trong trường hợp chọn sản xuất tại Mỹ thay vì các nhà máy vệ tinh đặt tại Mexicô hay châu Á, các công ty đã đạt lợi ích đáng kể từ việc kết nối thuận tiện trong hệ thống và cho ra đời những sản phẩm tốt hơn, trong đó bao gồm cả kiểm soát hàng tồn kho và hệ thống điều tiết sản xuất.

Một ví dụ, sản xuất một chiếc áo thun tại nước ngoài có thể mất tới 12 tuần để hoàn thiện sản phẩm và tung ra thị trường, nhưng nếu sản xuất nội địa, chỉ trong 4 tuần đã có thể cho ra sản phẩm. Thời gian sản xuất nhanh giúp quay vòng sản phẩm nhanh hơn và tạo ra nhiều lợi ích đáng kể cho sản xuất và kinh doanh, nhất là với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như may mặc hay có độ đào thải nhanh như sản phẩm công nghệ.

Không chỉ vì ái quốc

Tại Mỹ, làn sóng mua hàng sản xuất trong nước đang được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ, nhất là ở nhóm người trên 35 tuổi. Theo New York Times, người tiêu dùng muốn mua hàng Mỹ để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ chọn sản phẩm được sản xuất nội địa không chỉ vì yêu nước mà còn vì những sản phẩm này an toàn và chất lượng.

Các sản phẩm “Made in the USA” được lựa chọn hàng đầu thường là thuốc men, thực phẩm, đồ chơi trẻ em, các sản phẩm chăm sóc cơ thể... Đây là những sản phẩm mà chất lượng và độ an toàn là yếu tố then chốt. Được lựa chọn ít hơn, nhưng không kém phần quan trọng là thiết bị điện tử, văn phòng phẩm và điện gia dụng.

Một trong những nhà máy sản xuất hàng gia dụng mang bản sắc Mỹ tiêu biểu đã có thâm niên hơn 100 năm tuổi là Whirlpool. Hằng năm, hãng này đã bỏ ra tới 7,4 tỉ USD để vận hành các nhà máy tại Iowa, Ohio, Oklahoma và Tennessee. Theo hãng truyền thông Kantar Media, năm 2011, Whirlpool đã chi 57,4 triệu USD cho việc quảng cáo với những thông điệp rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Số lượng nhân công tại các nhà máy cũng được đưa vào quảng cáo để người tiêu dùng có thể thấy sự đóng góp của Whirlpool trong việc tận dụng nhân lực Mỹ.

hãng này đã khẳng định được vị trí của mình trong làng điện gia dụng Mỹ, nhưng vẫn cho biết nguồn gốc “Made in the USA” không phải là yếu tố then chốt, mà thành công của họ chính là nhờ chất lượng và sự đổi mới không ngừng. 

Theo Nhịp cầu Đầu tư

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM