Làm sao để trở thành sếp TỐT tỏa sáng trong trái tim nhân viên?

13/05/2013 19:32 PM | Quản trị

Những người lãnh đạo đáng nhớ và đáng kính trọng thường sở hữu những tố chất không được liệt kê trên sách vở nhưng luôn “tỏa sáng” trong trái tìm và khối óc những nhân viên của họ.

Sau đây là 8 tố chất cần thiết để trở thành một người lãnh đạo thật sự đáng nhớ.

1. Tin những điều không thể tin

Hầu hết mọi người đều cố gắng vươn đến những thứ có-thể-vươn-đến. Đó là lý do vì sao hầu hết những mục tiêu và đích đến của chúng ta đều chỉ nho nhỏ, chứ không phải là những điều lớn lao viển vông.

Những ông chủ đáng nhớ sẽ kỳ vọng nhiều hơn thế từ chính mình và từ những người khác nữa. Họ sẽ chỉ cho bạn con đường đến với những mục tiêu. Và luôn bên bạn tại những “góc cua” không thể lường trước.

2. Nhìn thấy cơ hội ngay trong những bất ổn

Hầu hết các sếp đều “hạ buồm” trước những rắc rối bất ngờ xảy đến hay những rào cản đột ngột xuất hiện. Họ hy vọng cơn bão sẽ sớm tan để tiếp tục cuộc hành trình.

Chỉ một vài người có thể nhìn thấy cơ hội ngay trong khủng hoảng. Họ biết chính xác khi mà mọi thứ đang vận hành khá trơn tru thì việc tạo ra những đổi thay lớn lao hay thậm chí là cần thiết là điều cực kì khó khăn. Họ biết khi mất đi một khách hàng “sộp” thì việc thay thế toàn bộ đội ngũ sales sẽ dễ được chấp nhận hơn. Họ biết khi một đối thủ cạnh tranh lớn gia nhập thị trường thì sẽ dễ dàng hơn để tạo ra những kênh bán hàng mới mẻ. Và khi nguồn cung hàng hóa và nguyên phụ liệu gặp trục trặc thì cũng là thời điểm hợp lý để tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động sản xuất.

Họ tổ chức lại, định hình lại và vận hành lại để trấn an, khích lệ và truyền cảm hứng. Và rồi vực dậy cả tổ chức của mình.

3. Sống thật với cảm xúc

Những ông sếp tốt thường chuyên nghiệp.

Những ông sếp đáng nhớ cũng rất chuyên nghiệp nhưng còn vô cùng “con người” nữa. Họ thể hiện sự phấn chấn khi mọi việc tốt đẹp. Ngợi khen chân thành với những nỗ lực và thành tích làm việc tốt. Hay thất vọng thực sự - không phải về ai khác, mà về chính mình. Nhưng cũng sẽ có lúc ăn mừng, cũng cảm thông và lo lắng.

Tác phong chuyên nghiệp đã là rất đáng nể. Nhưng biết kết hợp hài hòa giữa sự chuyên nghiệp và tình người thì mới thực sự đáng ngưỡng mộ.

4. Bảo vệ những người khác

Một ông chủ tồi thường đẩy nhân viên của mình vào những tình huống khó khăn. Một ông chủ tốt không làm như vậy. Còn những ông chủ đáng nhớ sẽ luôn bảo vệ nhân viên của mình từ phía sau mà không bao giờ cần nhận lấy bất cứ công trạng nào.

5. Lao động như tất cả mọi người

Thước đo giá trị duy nhất là những cống hiến thực sự của một người. Cho dù quá khứ của họ có lẫy lừng đến nhường nào thì những vị lãnh đạo đáng nhớ sẽ không bao giờ ngại ngần xắn tay áo lên làm việc, ngại việc bẩn thỉu hay tầm thường.

Họ sẽ không bao giờ cảm thấy mình hay bất cứ ai có quyền gì, trừ quyền đối với thành quả lao động của chính mình.

6. Lãnh đạo người khác không phải vì họ có quyền như vậy

Mỗi vị sếp đều có một chức danh cho họ quyền được chỉ đạo người khác, ra quyết định, tổ chức, hướng dẫn hay kỷ luật. Tuy nhiên, những ông sếp đáng nhớ sẽ lãnh đạo mọi người bởi vì những nhân viên của ông muốn được như vậy. Chính con người của vị lãnh đạo đó khiến họ cảm thấy được thúc đẩy và truyền cảm hứng làm việc, không phải vì chức danh của ông khiến họ bắt buộc phải phục tùng.

7. Hướng tới mục đích cao cả hơn

Một vị lãnh đạo tốt sẽ làm việc vì những lợi ích của công ty. Nhưng còn hơn thế, một vị lãnh đạo đáng nhớ sẽ làm việc để phục vụ một lợi ích lớn hơn: thúc đẩy sự nghiệp của nhân viên, giúp đỡ những người lao động đang gặp khó khăn, hay để truyền cho họ cảm giác tự hào và nhận thức về giá trị bản thân tốt hơn.

Họ không chỉ được ghi nhận bởi những thành tích đáng ngưỡng mộ mà còn bởi những nghĩa cử cao đẹp của mình.

8. Dám chấp nhận rủi ro

Có những vị sếp cố gắng trở nên nổi bật qua cách ăn mặc, sở thích hay bằng cách phô trương rằng họ đang tài trợ cho một dự án nào đó nổi tiếng. Họ sẽ có thể nổi bật, nhưng là bởi những thứ sáo rỗng quanh họ.

Những nhà lãnh đạo đáng nhớ sẽ nổi bật bởi họ sẵn sàng nói những điều không ai dám nói, bước những bước không ai dám đi hay chấp nhận rủi ro khi dám thám hiểm những vùng biển nguy hiểm.

Họ dám liều mình, không phải vì tiếng tăm mà vì chính những phần thưởng mà họ nghĩ rằng có thể đạt được. Rồi từ kinh nghiệm của mình, họ thúc giục những người khác hãy dám chấp nhận rủi ro để đạt được những thứ có thể đạt được.

Bằng hành động, lời nói và hơn cả là kinh nghiệm của chính mình, những vị lãnh đạo đáng nhớ luôn truyền cảm hứng cho nhân viên của mình.

Phong Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM