Làm gì nếu nhân viên ăn mặc 'mát mẻ', xỏ khuyên mũi hay xăm hình đến công sở?

10/07/2014 08:30 AM | Quản trị

Cách thức thông thường để giải quyết các tình huống khó xử nơi công sở là gọi riêng nhân viên đó vào văn phòng và bày tỏ mối lo ngại của bạn theo cách thích hợp.

 CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series mới "Những tình huống nhân sự nan giải". 

Series là những tình huống nhân sự thường gặp và kinh nghiệm giải quyết dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp, do chuyên gia nhân sự Paul Falcone tổng kết sau nhiều năm làm việc tại các tổ chức uy tín (Time Warner Cable, Paramount Pictures). 

Series "Những tình huống nhân sự nan giải" sẽ đăng tải vào thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.



Trong tình huống oái oăm kiểu như, giả sử một nhân viên nữ mặc một chiếc áo quá hở hang đi làm, hay nhân viên nam mặc quần cạp trễ, nếu bạn là nhà quản lý thì nên nói gì với họ? Tương tự như vậy, nếu nhân viên của bạn tóc tai bù xù, đeo khuyên mũi/tai, có hình xăm ở nơi dễ nhận thấy, trong khi công việc của họ liên quan đến hình ảnh của công ty (quan hệ khách hàng chẳng hạn), bạn nên làm gì trong tình huống đó?

Cách thức thông thường để giải quyết các tình huống khó xử nơi công sở là gọi riêng nhân viên đó vào văn phòng và bày tỏ mối lo ngại của bạn theo cách thích hợp. 

Tuy nhiên, trong trường hợp nhân viên nữ ăn mặc quá mát mẻ, nhà quản lý nam nên mời một quản lý nữ tham gia trao đổi để tránh bị đánh giá là phân biệt đối xử với nữ giới, hay nghiêm trọng hơn là bị cáo buộc quấy rối tình dục. 

Các tình huống tương tự liên quan đến trang phục/hình thức của nhân viên nơi công sở đều có thể xử lý tương tự tình huống dưới đây. Bạn có thể mở đầu một cuộc nói chuyện như sau:

"Chị Thu, tôi muốn trao đổi với chị về cách ăn mặc nơi công sở. Tôi cũng mời Chi tham dự cuộc nói chuyện. Tôi không muốn làm chị khó chịu và cũng hơi ngại khi nói về vấn đề này bởi nó liên quan đến bộ trang phục nhạy cảm mà chị mặc hôm nay. Tôi e rằng trang phục của chị có thể khiến vài khách hàng và đồng nghiệp cảm thấy không thoải mái. Chị có thể giúp tôi giải quyết vấn đề này không?"

Nhân viên này có thể phản ứng tích cực khi nói: "Xin lỗi, nhưng tôi không nghĩ là bộ quần áo này lại quá hở hang. Anh thực sự cho rằng bộ quần áo này không phù hợp à?". 

Sau đó, bạn có thể trả lời: 

"Bình thường thì bộ quần áo này rất đẹp, nhưng khi chị cúi xuống thì nó lại khá hở. Tôi không muốn làm chị bối rối, và cũng không muốn khách hàng hay các nhân viên khác cảm thấy khó chịu. Vì thế, chúng ta cần tìm ra phương án tốt nhất cho vấn đề này".

Cách tốt nhất là dẫn con ngựa tới chỗ uống nước thay vì ép buộc nó uống nước. Nếu nhân viên nhận thấy điều bạn nói là hợp lý và nghe theo gợi ý của bạn, cô ấy sẽ nhận trách nhiệm và sửa lại trang phục của mình. Nhưng nếu vẫn chống đối hay thách thức, bạn có quyền đưa ra kỳ vọng và quy định, hướng dẫn của công ty.

Kết cục hợp lý nhất có thể là, "Tôi xin lỗi nếu bộ đồ này khiến mọi người cảm thấy không thoải mái. Vì không có bộ quần áo nào khác ở công ty nên tôi sẽ về nhà và thay bộ khác. Tôi sẽ trở lại công ty trong khoảng 45 phút". 

Theo đó, cô ấy đã tiếp thu góp ý và sẽ cân nhắc lại về cách ăn mặc mỗi ngày. Một kết thúc tốt đẹp!

Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu nhân viên đó phản hồi lời góp ý nhẹ nhàng của bạn thành: "Tôi thấy bộ trang phục này là hoàn toàn phù hợp và không hề làm ai khó chịu cả. Tôi rất tiếc nếu anh không thích nó, nhưng tôi thấy công ty không có quy định về trang phục". 

Khi đó, bạn hãy cẩn thận vì nhân viên đó có thể có động cơ thầm kín hay chỉ đơn giản là muốn thách thức bạn. Trong cả hai trường hợp, bạn đều cần giúp đỡ, đặc biệt nếu bạn là người giám sát nam.

Hãy để nhân viên biết bạn đang lắng nghe điều cô ấy nói nhưng bạn cần trao đổi thêm với phòng nhân sự (hoặc bộ phận liên quan khác như bộ phận pháp lý hay hành chính). Nhân viên đó vẫn có thể làm công việc giấy tờ (nhưng tránh tiếp xúc với khách hàng) trong khi bạn tìm hiểu kỹ vấn đề này.

Sau khi phòng nhân sự tán thành giải pháp của bạn, trường hợp xấu nhất, bạn có quyền cho nhân viên đó tạm nghỉ làm để cân nhắc quyết định.

Trong trường hợp này, bạn không bắt buộc phải trả lương cho nhân viên làm việc theo giờ. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy đề nghị nghỉ có trả lương là một bước đi khôn ngoan. Nó cho thấy bạn là một nhà quản lý khéo léo, kiên nhẫn, biết cảm thông. Điều này khiến nhân viên của bạn cảm thấy có lỗi (thay vì tức giận).

Ngược lại nếu quyết định cho nhân viên đó nghỉ làm không lương, bạn chỉ cần tính lương đến thời điểm người đó rời khỏi công ty. Đối với lao động trả lương theo ngày, bạn nên trả lương cho toàn bộ ngày làm việc đó, nếu không họ có thể kiện công ty về vấn đề lương bổng và giở làm việc, điều đó có thể đặt công ty vào rắc rối pháp lý không đáng có.


Kỳ Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM