Làm diễn giả: Đừng cố biến thành danh hài, nhưng kể chuyện thì phải giỏi

03/04/2014 15:19 PM | Quản trị

Ngoài ra phải biết ăn mặc, biết minh họa, khéo "chốt" giờ.

Nội dung nổi bật:

5 "bí kíp" tác giả Nick Morgan dành tặng người làm nghề diễn giả:

(i) Không cần thiết phải cố "tỏ ra" hài hước.

(ii) Không nên chỉ "nói chay", minh họa càng thật càng tốt.

(iii) Ăn mặc nổi bật so với khán giả.

(iv) 15 phút cuối giờ là lúc then chốt.

(v) Thế nào là kể chuyện?


Nick Morgan là một trong những chuyên gia hàng đầu Hoa Kỳ về ngôn ngữ, giao tiếp với vô số bài viết hữu ích cho giới diễn giả trong và ngoài nước. Đối với một diễn giả, có vô số mẹo và kinh nghiệm cần nhớ và đúc kết. Mới gần đây nhất, Nick Morgan lại tặng độc giả - những người đam mê thuyết trình - năm "bí kíp" sau.

1. Được như danh hài thì hãy làm, còn không đừng cố "hài hước"

Thời nay danh hài có ở khắp mọi nơi và cỡ cũng phải như Jon Stewart trở xuống hay trở lên (tùy sở thích từng người). Vì vậy mà diễn giả nào cũng muốn mình thật hợp thời, xuất hiện trên sân khấu với cả một "cây đen", cùng với chiếc micro, anh ta "ép" khán giả phải cười bằng được mới thôi.

Gượm đã! Làm vậy không ổn! Để có được vài phút tỏa sáng trên sân khấu, các danh hài đã phải trau dồi suốt hàng tháng trời để chuẩn bị khung chương trình, các pha gây cười và cả "bài" chữa cháy cấp kỳ nếu chẳng may... không ai cười nữa. Để kiểm soát được khán giả, họ luôn cố gắng bứt phá giới hạn, đem lại bất ngờ và tạo ra tiếng cười cho khán giả.

Diễn giả cũng nên làm điều gì đó tương tự, tỉ như đưa khán giả vào một cuộc hành trình. Một bài nói hấp dẫn luôn đặt trọng tâm là khán giả chứ không phải diễn giả. Thuyết trình để giải trí, thuyết trình để hướng dẫn đều được, nhưng tốt nhất vẫn phải như "dạy học", có nghĩa là truyền đạt được điều gì đó.

Chính vì thế, hãy để tính hài hước bật ra từ chính ý tưởng, bài nói và đam mê của mình, chứ không phải là những màn gây cười được chuẩn bị trước. Cố biến mình thành danh hài mà lại không giống cũng là một cách đẩy ta tới thất bại.

Hài hước giúp lãnh đạo thành công và hạnh phúc hơn

2. Dùng minh họa thật, mang cuộc sống vào hội trường

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa ảo. Có quá nhiều người vẫn phải tự nhốt mình hàng ngày trong những căn phòng khô cằn cảm xúc chốn công sở: những vách tường ngăn một màu, tiếng huyên náo của con người xen lẫn tiếng ồn ào của đồ vật, và trước mặt thì lúc nào cũng chỉ là cái máy tính vô hồn.

Vậy, nếu họ đang là khán giả của bạn, hãy đem vào hội trường một cuộc sống thật sự. Một thứ gì đó có thật, thứ gì đó bất ngờ, thứ gì đó thú vị, thứ gì đó xúc động hay một chút rùng rợn cũng chẳng hề gì, miễn sao đó đúng là "cuộc sống".

3. Mặc thế nào cho nổi bật so với khán giả

Hình ảnh là điều vô cùng quan trọng và hình ảnh quan trọng nhất chính là cá nhân người diễn thuyết. Hãy ăn mặc đẹp hơn khác giả, khác biệt so với khán giả, tóm lại là hãy ăn mặc như một ngôi sao ấy!

Hãy nhớ, nên làm cho mình nổi bật một chút so với khán giả. Đừng ăn mặc thiếu trang trọng. Nếu bộ cánh của bạn chỉ gồm áo phông và quần cộc thì bạn sẽ phải nỗ lực hơn 167% thì mới được tạm gọi là "ổn" đấy!


4. Cuối giờ thì làm gì?

Hãy thử đặt mình vào địa vị khán giả khi "gã" diễn giả sau khi thao thao bất tuyệt hàng giờ với slide trên Power Point (thậm chí còn "tua" lại) rồi dùng 15 phút cuối cùng cho nói ngẫu hứng hay tiếp chuyện những khán giả cằn nhằn làm cản trở bài diễn thuyết?

Bạn phải kiểm soát đoạn cuối cùng. Có người từng nói "điều cuối cùng sẽ là điều sống cùng" tâm trí khán giả. Do đó, đừng biến những giây phút cuối thành khoảng thời gian vô ích hay lại phải tóm tắt từ đầu cho một khán giả lơ đãng không chịu lắng nghe những đoạn then chốt.

5. Lấy ví dụ ngắn, hay là kể chuyện?

Kể chuyện là một kỹ thuật phổ biến và hiệu quả trong thuyết trình. Nhưng diễn giả thường hay mắc hai lỗi sau:

Thứ nhất, phần lớn diễn giả cho rằng khán giả sẽ thích sự ly kỳ, hấp dẫn trong câu chuyện thật của mình. 

Tuy nhiên, người nghe rất muốn biết diễn giả đã từng thất bại thế nào (nếu có liên quan tới chủ đề) để học hỏi một điều gì đó. Họ rất muốn biết tại sao bạn lại thú vị đến thế để rồi có thể đứng đây nói chuyện được với họ. 

Đúng, việc tự quảng cáo bản thân đối với diễn giả nghe có vẻ là điều khá thô thiển. Vậy thì hãy nói gián tiếp và đừng lộ liễu quá, đừng kể rằng bạn đã kiếm ra một triệu đô đầu tiên như thế nào và cũng đừng nhồi nhét quá nhiều chi tiết. Khán giả không thích điều đó cho lắm!

Thứ hai, người nói hay chỉ lấy ví dụ tương đối vụn, chứ không kể một câu chuyện thực thụ.

Một câu chuyện phải nhân vật người hùng (hẳn bạn phải biết cách tự biến mình thành "người hùng" như thế nào rồi chứ?), có xung đột, có đấu tranh, gặp khó khăn, gặp thất bại, có thăng, có trầm, và có giải quyết.

Thật ra nếu có liên quan trực tiếp đến cuộc sống khán giả thì những ví dụ ngắn cũng sẽ trở nên thú vị, tỉ như: "Ví dụ, bạn vừa trúng xổ số một triệu đô" chẳng hạn.

Nhưng nếu là câu chuyện, thì nó sẽ diễn ra như sau: 

"Bạn đang định làm một bộ phim nói về một kế hoạch bí mật của chính phủ. Bạn đi kiếm tài trợ nhưng khi tiền sắp rơi vào túi thì một người đàn ông bí ẩn vận đồ đen lại xuất hiện, ngăn cản mạnh thường quân cho bạn tiền. Có thể hắn sẽ lấy mạng vị mạnh thường quân đó chẳng hạn. 

Bạn bắt đầu khánh kiệt, phải gán nhà, bán đồ, bị bỏ rơi và lâm vào đường cùng. Sau đó, với đồng đô la cuối cùng, bạn mua một tấm vé số và thắng một triệu đô la. Bạn tiếp tục dự án làm phim của mình và người đàn ông áo đen nọ lại xuất hiện. 

Ngay trước khi bộ phim được bắt đầu, ông ta tiến tới ngay trước mặt bạn kèm theo một cái nhìn đầy đe dọa và nói rằng..."

Bạn muốn biết người đàn ông áo đen nói gì đúng không? Kể chuyện là như vậy đấy!

>> 18 bí mật để có bài thuyết trình hoàn hảo như Steve Jobs

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM