“Kiểu gì cũng phải sống thì hãy sống cho ra hồn”

25/02/2013 09:27 AM | Quản trị

“Kiểu gì cũng phải sống thì hãy sống cho ra hồn. Bé cũng được. Nhưng phải sống để vượt qua giai đoạn này, vài năm sau nữa có thể các doanh nghiệp sẽ bùng nổ nhanh”.

Đó là lời khuyên của tiến sĩ Phan Tất Thứ, chuyên gia tư vấn chiến lược, Giám đốc Công ty KNV tại một hội thảo do Millionaire House, câu lạc bộ quy tụ nhiều thành viên đang là chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức. Những chia sẻ thẳng thắn từ ông khiến nhiều nhà lãnh đạo trẻ cần suy ngẫm về cách làm doanh nghiệp của mình trong tình hình kinh tế còn nhiều biến động.

Cafebiz xin trích đăng một số chia sẻ của chuyên gia này.

Chỉ tư vấn những vấn đề có tính chất vi mô

Năm 2013, kinh tế được dự đoán vẫn diễn biến phức tạp. Bản thân tôi không khuyên ai suy nghĩ quá dài, bởi khi mình nghĩ về cái gì quá dài sẽ gặp phải vấn đề nguy hiểm. Hôm trước có dịp gặp tỷ  phú George Soros, ông ấy nói rằng rất nhiều người gặp phải vấn đề nhưng tìm cách nói rằng mình vấn đề đó không phải của mình, tức là họ đeo mặt nạ, tìm cách giải thích về điều ngược lại. Anh không thú nhận mình rất kém. Và anh tiếp tục thúc đẩy xã hội bằng một chiều hướng xấu, điều này vô cùng nguy hiểm.
 
Từ thực tế đó, tôi chỉ tư vấn những vấn đề có tính chất vi mô là chúng ta luôn phải sống trong tình trạng có thể ngày mai động đất. Ngày mai có thể có sóng thần, ngày mai có thể có rất nhiều điều nguy hiểm xảy ra. Vậy chúng ta có sống được không? Nếu chết có vui lòng chết không? Khi chúng ta sẵn sàng cho việc chết và sống, tức ta đã chuẩn bị điều tốt nhất cho mình. Bởi nếu chúng ta đưa ra giả định sai trong vòng 6 tháng, có thể ta làm một cuộc đầu tư nguy hiểm và trả một giá rất đắt.
 
Có những người bạn của tôi đã từng dựa trên những tư vấn của các chuyên gia, rồi thực hiện những đầu tư sai lầm và không gỡ ra được. Nhưng anh ta lại tìm cách giải thích rằng về dài hạn là tốt, nhưng thực ra anh ta hiện đang chết dở. Vì đã trót nhầm mất rồi nên anh ta tìm cách lừa đảo người khác. Bây giờ suy giảm lòng tin trở nên kinh khủng.

Kỷ luật thép
 


Khi tốc độ ra quyết định nhanh cộng với kỷ luật thép, bạn sẽ thấy sức mạnh. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng Viettel lại phát triển ngoạn mục. Một trong những điều tạo nên kỳ diệu của Viettel chính là tính kỷ luật. Người Việt Nam làm việc trong một nhóm nhỏ có thể tôn trọng nhau nhưng để làm được việc trong một nhóm lớn đòi hỏi kỷ luật vô cùng quan trọng. Bạn phải duy trì một kỷ luật chặt chẽ, tốc độ ra quyết định nhanh. Là người ra quyết định, nhưng khi quyết định được chuyển đến người thực thi bạn phải đo lường được thời gian. Chỉ cần chậm một chút bạn sẽ chết ngay. 

Có một giải pháp doanh nghiệp nước ngoài áp dụng rất nhiều nhưng rất tiếc doanh nghiệp Việt Nam lại ít sử dụng, đó là ““trí tuệ cạnh tranh”. Một doanh nghiệp chỉ cần 5 người thôi mà ứng dụng giải pháp đó có thể tăng tốc độ gấp ba lần là ít. Nếu liên tục trong vòng một năm có thể gấp 10 lần. Khi chúng tôi đưa giải pháp này vào ngân hàng kể cả khối quân đội họ nhận thấy rất rõ. Khi tốc độ ra quyết định nhanh cộng với kỷ luật thép, bạn sẽ thấy sức mạnh. 

Thực sự nhiều doanh nghiệp nản chí lắm. Nhưng chúng ta biết rằng không thể thay đổi được gì khác bởi chúng ta là những doanh nghiệp phải sống. Tôi có một tiêu chí đơn giản: kiểu gì cũng phải sống và phải sống cho ra hồn. Bé cũng được. Nhưng phải sống để vượt qua giai đoạn này, vài năm sau nữa có thể các doanh nghiệp sẽ bùng nổ nhanh. 

Lời khuyên của tôi là thay đổi cái cốt lõi, thay đổi kỷ luật, cách thức quản lý và xây dựng lòng tin trong doanh nghiệp. Ví dụ, đề cập đến văn hóa doanh nghiệp, nhiều người nói đến những thứ to tát nhưng sự thực nó là sự giao tiếp lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau từ sếp đến nhân viên. Hay là trong giao dịch, khách hàng phải tin cậy, đối tác phải tin cậy chứ cứ tìm cách lừa dối nhau một cái nhỏ thôi nhưng dần dần đã sụp đổ cả nền kinh tế. 

“Làm việc với nhau không có lòng tin là chết”

Về bản chất, khủng hoảng tài chính tiền tệ là khủng hoảng niềm tin. Mà niềm tin được xây dựng bởi lòng tin. Lòng tin được xây dựng bởi thông tin. Thông tin rối loạn thì dần dần không thể có lòng tin với nhau được. Không có lòng tin, còn lâu mới có đức tin. Và như vậy nó sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
 
Bản thân ngân hàng, muốn phát triển được phải tin tưởng. Chứ bây giờ cứ đưa một ít tiền lại sợ khách hàng không trả thì không bao giờ cho vay được. Ngược lại, nhiều người có tiền nhưng sợ ông này bị bắt nên cũng không dám gửi tiền. Làm việc với nhau không có lòng tin là chết. 

Nói tóm lại, chúng ta phải có lòng tin, phải xây dựng lòng tin dựa trên những thông tin minh bạch và rõ ràng chứ không thể tin một cách mù quáng.

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM