Giám đốc Nhân sự Vietceramics: Đừng “bóp chết” tài năng bằng cảm giác

11/11/2012 21:34 PM | Quản trị

“Chẳng ai muốn cho người khác đi xe hoặc lái xe chở mình khi họ đang say. Chẳng ai muốn đi theo nhà lãnh đạo mà không biết sẽ đi về đâu”, bà Duệ cho biết.

Trên cương vị Giám đốc Nhân sự Công ty Vietceramics International JSC, bà Đinh Thị Phước Duệ nghiệm ra rằng: mọi lý thuyết về lãnh đạo đều đúng, đều hay nhưng đa số đều chỉ đọc cho biết, còn thực tế các doanh chủ đều xử lý theo kiểu cảm tính hoặc ngẫu hứng.

Bạn đang “bóp chết” tài năng bằng cảm giác?

Ở nhiều doanh nghiệp, nhân viên trước khi gặp sếp bàn bạc công việc thường hỏi nhau, đại loại như: “Hôm nay mát giời chứ?” Với những người cảm nhận được cấp trên không ưa mình, mỗi lần gõ cửa phòng sếp thường "tim đập, chân run". Kết quả sau đó thường là tiếng quát tháo và sự rút lui với gương mặt tràn trề nỗi thất vọng.

Hẳn chuyện này diễn ra “như cơm bữa” ở nhiều doanh nghiệp. Thực tế, ở doanh nghiệp bạn tôi, cô ấy may mắn gặp một nhà lãnh đạo rất linh hoạt trong đối nhân xử thế. Vị sếp nữ này rất ý nhị quan tâm đến đời sống và suy nghĩ của nhân viên. Nhiều lần, cảm hứng làm việc của mọi người đi xuống, chị lần lượt gọi từng người vào phòng, lần thì đi ăn trưa cùng, chị nhẹ nhàng hỏi: “Bạn mong chờ gì từ công việc hiện tại? Điều gì gây cản trở bạn và tôi có phải là một trong những nguyên nhân đó?” Khi đó, mọi người đã thành thật đóng góp ý kiến và nói lên những mong muốn bản thân. 

Theo lý giải của bà Duệ trong cuốn Kỷ yếu ngày nhân sự Việt Nam 2012, những nhà quản lý thành công đều rất “rảnh rỗi” và sẵn sàng cho các cuộc đối thoại xây dựng lòng tin, sự trung thành và tình bạn. Làm được như thế, nhân viên sẽ không còn cảm giác là kẻ làm thuê, mà trở thành người làm chủ trong chính công việc của mình. Họ trở nên có trách nhiệm, kiểm soát được tình hình hiện tại và bám sát các mục tiêu đã cam kết.

Theo bà Duệ, sự tương tác giữa các nhân viên trong đội nhóm, giữa các bộ phận trong công ty và giữa nhân viên với nhà quản lý luôn phải đặt lên hàng đầu. Nhân viên có thể làm việc tại nhà khi cần, nhưng họ không thể thường xuyên được đặc cách như vậy. Việc có mặt ở công ty để gặp gỡ, trao đổi giúp tiến độ công việc diễn ra nhanh hơn chỉ tương tác qua email, skype,…

Mỗi nhà lãnh đạo cần ý thức được những việc mình làm, bởi điều đó sẽ khiến nhân viên sẵn sàng làm việc cho công ty hay không. Nếu áp đặt hoặc quá cảm tính với một nhân viên nào đó, bạn có thể khiến họ làm việc thụ động, không sáng tạo, hoặc ít hiệu quả khi tranh thủ tình cảm của cấp trên. Lãnh đạo cũng không thể lúc nào cũng tin vào suy nghĩ của mình, bởi như thế dễ gắn mác cho nhân viên không theo năng lực thực sự của họ, đồng thời bóp chết những tài năng đáng ra sẽ giúp công ty có những cải tiến vượt bậc.

Làm thế nào quản lý cảm xúc bản thân và dẫn dắt cảm xúc của nhân viên?

“Mỗi người đều có cơ thể, tâm trí và tinh thần. Điều quan trọng chúng ta cần lựa chọn loại cảm xúc nào ở nơi làm việc, trên cương vị lãnh đạo”, bà Duệ khẳng định. Bạn không thể bày tỏ sự tức giận của mình bằng những hành vi không nên có của nhà lãnh đạo thành công. 

“Khi lựa chọn cách giải quyết cảm xúc cũng chính là lựa chọn loại tiếp cận với cảm giác của nhân viên”, bà Duệ chia sẻ. Thay vì nói: “Không hiểu đầu óc bạn nghĩ gì”, “tại sao lại thiếu suy nghĩ như vậy”,… nhà lãnh đạo có thể nói: “Tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên về cách làm của bạn. Bạn có thể lý giải cho tôi cách nghĩ của mình?” Hoặc “theo bạn, chúng ta có lựa chọn khác không?… 

Về vấn đề quản lý dựa trên sự hiểu biết của cảm xúc của chính mình và của nhân viên để đưa đến những cuộc đối thoại tích cực thông thường là điểm mạnh đối với các CEO nữ bởi sự nhạy cảm và khéo léo được thiên phú. Tuy nhiên, các CEO nam cũng có thể trau dồi để tăng trưởng bản thân và phát triển nhân viên tốt nhất. 

Truyền đam mê, cảm hứng cho cấp dưới sẽ giúp nhà lãnh đạo có một đội quân thiện chiến, tình nguyện và quên mình. 

Thật sai lầm nếu nhà quản lý nào đó tìm cách loại bỏ những nhân viên dám lên tiếng về chính sách công ty và cách quản lý của cấp trên và cho rằng họ “cứng đầu”, “khó bảo”. Không có gì là không có nguyên do của nó. Hãy để nhân viên tự nhiên thể hiện cảm xúc của mình bằng mọi cách có thể, bằng email, góp ý trực tiếp. Khi cấp dưới cởi mở chia sẻ, chắc chắn doanh nghiệp đang dần trở thành nơi họ tâm huyết, đáng để làm việc và nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt. 

“Chẳng ai muốn cho người khác đi xe hoặc lái xe chở mình khi họ đang say. Chẳng ai muốn đi theo nhà lãnh đạo mà không biết sẽ đi về đâu”, bà Duệ cho biết. Kinh doanh không chỉ làm giàu cho công ty ở thời điểm hiện tại, mà để trường tồn doanh nghiệp cần sở hữu một đội quân hùng hậu và dẻo dai.

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM