FPT sẽ lột xác lần nữa, ai là người thay thế TGĐ Bùi Quang Ngọc?

26/09/2013 09:07 AM | Quản trị


Nội dung nổi bật:

- Theo một số người am hiểu FPT: Việc trao quyền điều hành cho ông Bùi Quang Ngọc được coi là giải pháp tình thế, giúp chia lửa cho Chủ tịch Trương Gia Bình, ông Ngọc là một bước đệm và FPT sẽ phải lột xác một lần nữa trong thời gian không xa.

- Để thay được “cái bóng” của Chủ tịch Trương Gia Bình, có ý kiến cho rằng: Người ngồi ở vị trí TGĐ FPT phải là một người mới. Nhưng người mới khó trụ được ở FPT. Bởi văn hóa FPT tương đối bảo thủ, tầng lớp thượng lưu luôn được coi là công thần. 

- Theo dự đoán, 1 – 2 năm tới, FPT sẽ phải lột xác lần nữa và người tiếp theo kế nhiệm vị trí “ghế nóng” của Bùi Quang Ngọc có thể là một thành viên của FPT, thế hệ 6X.



Sau những đồn đoán về việc bổ nhiệm tân CEO FPT, ngày 31/7 vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần FPT (FPT) chính thức thông qua nghị quyết bổ nhiệm ông Bùi Quang Ngọc, Tiến sĩ về cơ sở dữ liệu, làm Tổng giám đốc FPT, thay thế ông Trương Gia Bình.

Trước đó, FPT cũng đã 2 lần chuyển giao lãnh đạo, tuy nhiên đều thất bại. Việc thay đổi vị trí tổng giám đốc liên tục chỉ trong vòng 3 năm, bắt đầu từ việc bãi bỏ chức vụ tổng giám đốc của ông Nguyễn Thành Nam năm 2011, việc từ nhiệm của ông Trương Đình Anh vào tháng 9 năm 2012 và tiếp tục là ông Trương Gia Bình tháng 7/2013, FPT đang cho thấy sự bất ổn trong thượng tầng lãnh đạo của tập đoàn này.

Trong lần chuyển giao từ Nguyễn Thành Nam sang Trương Đình Anh, nhiều người FPT đã rất kỳ vọng, bởi Trương Đình Anh được coi là người có đủ tố chất để có thể “làm nên chuyện” tại FPT. Tuy nhiên, cũng giống như cuộc đua chạy tiếp sức, người trước muốn chuyển cây gậy sang người sau thì cần phải chạy chậm một chút, còn nếu chạy nhanh, cây gậy sẽ bị hụt mất.

Trong khi đó, FPT lại vừa muốn chuyển giao, vừa muốn chạy nhanh, kết quả là Trương Đình Anh sau đó phải rút lui với lý do “vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành với HĐQT”.

Với việc chuyển giao vị trí CEO FPT lần này cho Bùi Quang Ngọc , theo ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia là không có sự đột biến. TS.Toán học Lê Thống Nhất, người khá am hiểu về FPT cho rằng: “Dù Ngọc có làm Tổng giám đốc hay không thì vẫn chi phối FPT không có gì thay đổi, chẳng qua là chia lửa cho Trương Gia Bình “đỡ khổ” mà thôi chứ không giải quyết được việc gì lớn”.

FPT sẽ lột xác lần nữa, ai là người thay thế TGĐ Bùi Quang Ngọc?

Còn anh Trần Nam Dũng, giảng viên khoa Toán – Tin trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, người đã từng 12 năm làm tại FPT cũng nhận định: Bùi Quang Ngọc chỉ là một bước đệm và FPT sẽ phải lột xác một lần nữa trong thời gian không xa.

2 lý do mà anh Dũng đưa ra như sau: Thứ nhất, Bùi Quang Ngọc và Trương Gia Bình, 2 người đều cùng một thế hệ, thế hệ 1.0, thế hệ của những người đầu tiên sáng lập Tập đoàn. Là thế hệ 1.0, Bùi Quang Ngọc sẽ không mang lại làn gió mới cho FPT vì Bùi Quang Ngọc là người quá cũ trong khi FPT cần phải có một con người mới với luồng gió mới.

Thứ 2, FPT muốn phát triển thần tốc, bung ra, lớn mạnh thì phải cần một ông tướng đi đánh trận, đi chiếm đất, đi chinh phục nước ngoài, đi mở mang bờ cõi và chắc chắn người đó không phải là Bùi Quang Ngọc.

Bùi Quang Ngọc vốn là dân CIO (Công nghệ thông tin), ông có công lớn khi là lãnh đạo đầu tiên của bộ phận Tin học ứng dụng của FPT, tiền thân của các công ty thành viên quan trọng như FPT IS, FPT Software, FPT Telecom, FPT Trading.

Ông cũng được xem là một nhà quản trị xuất sắc của FPT, luôn tiên phong trong việc hiện đại hóa hệ thống quản trị FPT và có nhiều kinh nghiệm quản trị các dự án lớn, phức tạp, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau của tập đoàn FPT.

“Không phải anh Ngọc không chiếm được đất đai bờ cõi. Anh cũng đã đi nhiều, sang Singapore và một số nước khác, đem về cho FPT nhiều công trạng lớn, tuy nhiên, Bùi Quang Ngọc đã già rồi!” – một chuyên gia am hiểu về FPT nhận xét.

Để thay được “cái bóng” của Chủ tịch Trương Gia Bình, có ý kiến cho rằng: Người ngồi ở vị trí TGĐ FPT phải là một người mới. Tuy nhiên, lịch sử ở FPT đã chứng minh, người mới rất khó có đất sống ở FPT, họ có thể là số 3, số 4 chứ chắc chắn không thể nắm vị trí số 1. Bởi văn hóa FPT tương đối bảo thủ, tầng lớp thượng lưu luôn được coi là công thần. Do đó, khả năng người mới thay thế khó có thể xảy ra.

FPT sẽ lột xác lần nữa, ai là người thay thế TGĐ Bùi Quang Ngọc?

Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPT Software, một trong những lãnh đạo trẻ năng động của FPT.

Chủ tịch Trương Gia Bình cũng đã từng nghĩ tới chuyện trao “cây gậy” cho một người nước ngoài hoặc thuê một CEO mới ở bên ngoài, và bằng chứng là FPT cũng đã từng mời lãnh đạo Tây nhưng lại không hợp văn hóa FPT. Bởi người nước ngoài thường nguyên tắc theo kiểu “không làm được việc thì mời anh nghỉ ngay” nhưng ở FPT, dân FPT chủ yếu là dân VN nên gắn bó với nhau bởi cái tình, cư xử ứng xử theo lối sống cổ truyền của người VN.

Hơn nữa, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books, người cũng đã có 12 năm làm việc ở FPT, Trương Gia Bình cũng có “cái khó” riêng của mình. Ông đẻ ra FPT, vì vậy luôn rất tâm huyết, kể cả nhượng quyền cho người khác, ông cũng rất sợ mất đi định hướng của ông ở đó.

“Trương Gia Bình muốn chừng nào ông còn sống thì FPT đúng theo tinh thần của ông ấy. Vị Chủ tịch này dồn hết tâm huyết vào đó, không muốn người lạ vào làm méo mó FPT, dù cổ phần của ông Bình ở FPT rất ít chỉ có khoảng 7- 8%” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Hiện tại, có thể thấy, cái khó nhất của ông Trương Gia Bình là tìm người kế cận nhưng bất lực, vì Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956, cùng thế hệ với ông. Ông Bình rất muốn tìm thế hệ 6X để truyền, tuy nhiên 6X không có ai cả.

Việc trao quyền cho Bùi Quang Ngọc được coi là giải pháp tình thế, nhằm “chia lửa” cho Trương Gia Bình trong lúc khó khăn, là một bước đệm để chuyển giao cho thế hệ trẻ hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cũng đã lộ diện một nhân vật có thể kế thừa chiếc ghế nóng TGĐ của FFT. Người đó là ai?

(Còn nữa)

LTS: Theo Quý độc giả, nhân vật này là ai? FPT có nên thuê CEO nước ngoài? FPT cần làm gì để có bước phát triển đột phá? Xin gửi ý kiến vào ô Viết bình luận cuối bài báo. Trân trọng!

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM