Đưa hối lộ không làm cho việc kinh doanh tốt hơn

10/12/2012 08:32 AM | Quản trị

Hiện nay, vấn đề tham nhũng đang thu hút sự quan tâm của mọi người dân, việc phải đưa hối lộ để thực hiện những dịch vụ hành chính công đang là vấn đề bức xúc cho cả người dân và DN.

Theo báo cáo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật ngày 6.12 vừa qua tại cuộc “Đối thoại về công tác phòng, chống tham nhũng lần thứ 11 với các nhà tài trợ quốc tế” do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TƯ phối hợp với Đại sứ quán Vương Quốc Anh đã tổ chức với hơn 50 nước tài trợ cho Việt Nam cho thấy, tham nhũng là một trong 3 vấn đề bức xúc nhất ở Việt Nam. 

Cũng theo khảo sát của WB về 10 vấn đề quan tâm nhất của xã hội như: Thu nhập, giá cả sinh hoạt, TNGT, chất lượng giáo dục, tham nhũng, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, chất lượng y tế, việc làm, an toàn thực phẩm thì cán bộ công chức (CBCC) đã chọn vấn đề tham nhũng là vấn đề bức xúc nhất của quốc gia, cao hơn bất cứ vấn đề nào khác trong danh sách 10 vấn đề được nêu ra.
Đối với DN, tham nhũng được chọn là vấn đề thứ hai, chỉ sau giá cả sinh hoạt. Đối với người dân, khi chọn 3 vấn đề bức xúc nhất ở Việt Nam thì tham nhũng đứng thứ 3 chỉ sau giá cả sinh hoạt và TNGT. 

Khi được phỏng vấn 3 nhóm đối tượng gồm người dân, DN, CBCC thì có tới 75% số đối tượng của cả 3 nhóm đều cho rằng 4 ngành, lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.
Trước câu hỏi: Vì sao DN đưa hối lộ và đưa cho ai? có tới 63% số DN được hỏi trả lời rằng do công chức cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, 58% nói công chức không hướng dẫn cụ thể thủ tục nhưng cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết và 285 cho rằng công chức bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí DN. 

Trước tình huống này, có tới 59% DN đã lựa chọn phương án đưa quà biếu hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết công việc vì họ cho rằng đây là phương án nhanh nhất để thực hiện công việc. 
Ngoài việc chi trả tiền/ quà biếu ngoài quy định khi sử dụng những dịch vụ, theo ý kiến của các DN thì tham nhũng còn diễn ra dưới nhiều hình thức khác như  những chuyến viếng thăm không cần thiết, tặng tiền, quà biếu vào những dịp lễ, tết; trả tiền cho những bữa tiệc hoặc vui chơi giải trí.
Có tới hơn 10% các DN phàn nàn về việc thường xuyên phải tiếp đón các chuyến viếng thăm không chính thức từ các cơ quan và đối tượng liên quan. Cơ quan KHĐT và thanh tra, kiểm tra là hai cơ quan đứng đầu trong số những cơ quan tiến hành quá nhiều các cuộc viếng thăm không chính thức trong 12 tháng qua. 

Tuy nhiên cuộc khảo sát cũng cho thấy hầu hết các DN khi được hỏi việc đưa hối lộ có kinh doanh tốt hơn các DN không làm điều này hay không? thì câu trả lời đều là “không”. Thậm chí nhiều DN thường xuyên áp dụng chiến thuật này đều khẳng định xét trung bình kết quả kinh doanh không những không tốt lên mà thậm chí còn tồi đi...

Để giải quyết vấn đề này, hầu hết ý kiến nêu ra tại cuộc “Đối thoại về công tác phòng, chống tham nhũng lần thứ 11” đều cho rằng Việt Nam cần sớm ban hành luật tiếp cận thông tin để người dân, DN có điều kiện tiếp cận thông tin thực sự, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong các chính sách. Các khuyến cáo tiếp theo được nêu ra là cần phải điều chỉnh hệ thống quản lý đất đai để giảm tham nhũng; xây dựng thể chế để giải quyết xung đột về lợi ích; sửa đổi hệ thống kê khai, công khai tài sản, thu nhập; đơn giản hóa thủ tục hành chính và trao quyền cho các  cơ quan truyền thông. 

Cũng theo quan điểm của các nhà tài trợ thì việc sửa đổi luật PCTN của Việt Nam sắp tới đây cần quy định cụ thể việc tặng và nhận quà biếu đối với CBCC như: Cái gì được tặng và nhận, cái gì không được tặng và nhận. Khuyến nghị cũng cho rằng cần thay đổi luật pháp để cho phép các cơ quan truyền thông thu thập bằng chứng nhanh hơn, và hiệu quả hơn để điều tra phát hiện những trường hợp tham nhũng. 
Đồng thời cần phải nhận thức và quy định những sai sót trong viết báo chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không phải chịu các chế tài hình sự. Như vậy sẽ tăng cường quyền lực cho báo chí viết mạnh dạn hơn về vấn đề tham nhũng ở mọi cấp.

Theo Chí Tùng
Lao đồn

duchai

Cùng chuyên mục
XEM