'Đóa hồng' quyền lực nhất Facebook dạy con gái làm nữ tướng như thế nào?

12/03/2014 13:30 PM | Quản trị

Phụ nữ mới chỉ chiếm 5% trong danh sách CEO Fortune 500 và không đến 5% lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Việt Nam - nơi lãnh đạo nữ chiếm 5,5%.

Tháng 3/2013, trong cuốn sách Lean In của mình, COO Facebook Sheryl Sandberg đã khuấy động những cuộc đối thoại tầm cỡ quốc tế về phụ nữ và vai trò lãnh đạo công ty của họ. Vị nữ giám đốc công nghệ này cũng đã thành lập Tổ chức phi lợi nhuận Lean In, với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ tăng cường sự tự tin và kỹ năng làm việc của họ. 

Tháng 3 năm nay, tròn 1 năm sau, Lean In hợp tác với nhóm Girl Scouts để khởi động một chiến dịch mang tên 'Ban Bossy' (Cấm từ 'Bossy'). Chiến dịch khuyến khích mọi người hãy suy nghĩ lại khi dùng từ 'Bossy' (tạm dịch: "lên mặt dạy đời", "hống hách") với phụ nữ khi muốn họ phải an phận. 

Các sáng kiến mới của Sandberg nhằm thúc đẩy các em gái và phụ nữ vươn lên như những nhà lãnh đạo thực sự và cho thấy lí do cô ấy muốn cấm dùng từ "bossy" (hống hách, ưa ra lệnh). 

Sau đây là cuộc phỏng vấn của COO Facebook với Yahoo:

- Bắt đầu với từ "Bossy". Tại sao các bé gái sẽ bị gọi là "đồ hống hách" còn các cậu bé lại không?

- Hàng thập kỷ nay khoa học đã chứng minh rằng con người không thích những điều trái lẽ thường. Chúng ta thích những điều bấy lâu nay tồn tại trên thế giới và đi theo khuôn mẫu đó. Khi điều gì đó đi ngược lại suy nghĩ và định kiến của mình, chúng ta sẽ phản ứng lại một cách tiêu cực.

Nam giới, được dập khuôn với hình ảnh mạnh mẽ, quyết đoán trong vai trò nhà lãnh đạo, hay người quyết định. Còn mặc định về nữ giới là bảo sao làm vậy, an phận thủ thường.

Khi nam giới làm người đứng đầu, người ta bảo đó là sứ mệnh của họ. Còn khi nữ giới làm lãnh đạo, người ta phản ứng vì nó trái với lẽ thường. Người ta thường phản ứng gay gắt bằng cách gọi các cô gái là "kẻ hống hách". Các cô gái bị gọi là "kẻ hống hách" nhiều gấp 4 lần các chàng trai. Mọi người không thích việc nữ giới làm lãnh đạo. 

- Tôi có một con trai và một con gái. Tôi lo là bọn trẻ sẽ vô tình nhận được những thông điệp như thế.

- Tôi cũng thế. Cậu con trai tôi đã từng gọi em gái nó là 'đồ hống hách', và tôi đã vô cùng tức giận. Nó nói "Mẹ à, từ đó thậm chí còn không phải là từ xấu trong danh sách những từ ngữ xấu ở trường". Tôi đáp rằng, "Phải rồi, nhưng trong nhà mình, đó là từ ngữ xấu nhất". Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều đó và vẫn đang chuyển tải thông điệp 'không thích' một cách quyết liệt. Từ lớp 7 trở đi, phụ huynh thường kỳ vọng cao vào cậu con trai hơn là con gái của họ.

- Các nghiên cứu chỉ ra rằng các cô gái trở nên kém tự tin và thoải mái trong vai trò lãnh đạo từ 11 tuổi trở đi. Có phải tất cả đều sớm như vậy không?

- Chúng tôi biết các bé gái trở nên mất tự tin ở quanh lứa tuổi đó. Mặc dù khi lên 5 tuổi, chúng hoàn toàn tự tin, nhưng sau đó lại mức độ lại giảm đi nhiều so với các bé trai. Chúng tôi biết các bậc phụ huynh thường đề cao con trai của họ và đánh giá thấp các cô con gái. Đó quả là sự thật tồi tệ nhưng đúng là như vậy. 

Còn với hiệu suất làm việc, mọi người đều nghĩ rằng nam giới có hiệu suất cao hơn, còn khả năng của nữ giới thấp hơn. Nhưng bất cứ khi nào bỏ giới tính ra khỏi sự so sánh, mọi nghiên cứu đều cho thấy phụ nữ có thể hoàn thành mọi thứ tốt hơn. 

- Vẫn có quá ít phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, nhưng con số đã tốt hơn nhiều trước đây.

- Có tốt hơn một chút nhưng chưa đủ để gọi là tốt hơn. Phụ nữ mới chỉ chiếm 5% trong danh sách CEO Fortune 500 và không đến 5% lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Việt Nam - nơi lãnh đạo nữ chiếm 5,5%. 

Về cơ bản thì tại các công ty niêm yết hàng đầu thế giới, ở tất cả các ngành công nghiệp, nữ lãnh đạo chỉ chiếm dưới 5%. Trong trường học chẳng hạn: Càng lên cấp bậc cao hơn, nữ giới càng ít đi. Người ta nghĩ điều đó chỉ có ở lĩnh vực tài chính, báo chí hay công nghệ, nhưng nó xảy ra ở tất cả các ngành. 

Và đó là lý do quan trọng khi chúng tôi triển khai chiến dịch này, bởi định kiến rằng 'không nên để phụ nữ làm lãnh đạo' tức là đẩy phụ nữ quay lưng với tất cả các ngành công nghiệp.

Làm sao để khuyến khích các cô gái trở thành nhà lãnh đạo?

Rachel Thomas, chủ tịch của Lean In, đã đưa ra danh sách 4 "việc nhỏ bé nhưng mạnh mẽ mà chúng ta có thể làm để khuyến khích các cô gái làm lãnh đạo".

1) Nói chuyện về những tham vọng

Từ cấp trung học, các bậc phụ huynh thường đề cao các cậu con trai hơn các bé gái trong vai trò lãnh đạo. Bởi vậy, chỉ cần nói chuyện với con gái của bạn về những mơ ước và tham vọng của chúng, điều đó có thể thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận về việc làm lãnh đạo ở các cô gái.

2) Dạy những hành động nhỏ cho thấy sự quyết đoán

Chúng ta biết rằng phụ nữ ít khi thích chấp nhận rủi ro và điều đó ngăn cản chúng ta. Nhưng chúng ta có thể dạy dỗ những cô gái học cách chấp nhận rủi ro trong những môi trường an toàn. Ví như ở nhà, ở nhà hàng khi đi cùng chúng ta và bọn trẻ cảm thấy được hỗ trợ. 

Khi tôi thực hiện việc đó với con gái mình, nó mới lên 6 và rất hay xấu hổ. Tôi đã được con gái tôi gọi đồ ăn ở nhà hàng, mục tiêu hiện tại của con bé là giơ tay lên bảng mỗi tuần một lần và một khi làm được thì mục tiêu kế tiếp là giơ cao tay hàng ngày.

3) Các bà mẹ cần phải làm gương về cách hành xử quyết đoán

Bạn không thể trở thành những gì bạn không nhìn thấy. Các cô con gái tìm đến mẹ để học cách cư xử từ họ. Vì thế khi chúng ta dám nói ra suy nghĩ của mình và dám hỏi những điều chúng ta cần, các cô con gái sẽ học mẹ chúng cách tự mình lên tiếng.

4) Phần thưởng cũng phải công bằng ngay từ ở nhà

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc chế độ phần thưởng đã khác biệt từ chính ngôi nhà. Các cô gái thường làm việc nhà nhiều hơn, nhưng họ lại được thưởng ít hơn. Còn các cậu bé thì được thưởng nhiều hơn khi hoàn thành công việc. 

Khi tôi biết việc đó, tôi thực sự đã nghĩ về những gì các con mình đang làm. Con gái tôi lau dọn bàn ăn, còn cậu con trai đi đổ rác. Hiện giờ chúng đều tự ý thức được chúng làm các công việc khác nhau. 

Nếu bạn cắt cỏ, bạn phải được trả công đủ cho việc cắt cỏ. Chúng ta cần suy nghĩ không chỉ về công việc bọn trẻ đang làm, mà còn về phần thưởng xứng đáng và công bằng.

Kiều Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM