DN nhỏ: Tái cấu trúc hay là chết

27/09/2012 17:32 PM | Quản trị

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đòi hỏi tái cấu trúc hệ thống hơn bao giờ hết.

Tại hội thảo “Quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển”, ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã có 30.000 doanh nghiệp tuyên bố phá sản trong 7 tháng đầu năm 2012 và đây mới chỉ là bề nổi, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.

“Những dự báo của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia cho thấy tình hình kinh tế trong những tháng cuối năm nay là rất bi quan”, ông Tiến cho biết.

GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng khẳng định, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng thấp. Theo số liệu chính thức, mức tăng trưởng cả năm 2012 vào khoảng 5%, mức thấp kỷ lục như các năm 1999 hay 2009.

Ông Thái cho biết, dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp để cứu doanh nghiệp nhưng nhìn chung tình hình vẫn xấu. Hiện tại doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ muốn tồn tại phải tái cấu trúc để tự cứu lấy mình.

Bà Nguyễn Thị Nam Phương, Tư vấn trưởng Công ty phát triển năng lực tổ chức OCD cho biết, để tái cấu trúc doanh nghiệp, hay thực hiện các đổi mới doanh nghiệp, yếu tố quan trọng của doanh nghiệp là phải có chiến lược kinh doanh khác biệt, độc đáo để thu hút các nhà đầu tư.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ở giai đoạn phát triển cần có chiến lược định hướng lâu dài, đối với các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh không có trọng tâm và tốn quá nhiều nguồn nhân lực sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu, hiệu quả kinh doanh thấp.

“Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chỉ có những tập đoàn lớn mới cần chiến lược, quan niệm rằng chiến lược là quá vĩ mô, quá “xa xỉ”, hay có suy nghĩ quản trị chiến lược là việc riêng của các chủ doanh nghiệp, và chiến lược cần phải giữ bí mật tuyệt đối, điều này là hết sức sai lầm,” bà Phương cho biết.

Đối với hệ thống bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Lan, Tổng thư ký hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, giải pháp hiện nay là đa dạng hóa các kênh phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Càng trong thời điểm suy thoái, doanh nghiệp càng cần tái cấu trúc, tập trung vào doanh số và chi phí đầu tư, từ đó tổ chức ra những kênh phân phối ngắn và bỏ bớt những dịch vụ không cân thiết để giảm giá thành”, bà Lan cho biết.


Bước tiếp theo của quá trình quản trị sự thay đổi sẽ là quy tụ đội ngũ để lãnh đạo sự thay đổi. Điều cần nhất là phải chọn đúng người và đội ngũ này phải có quyền lực thật sự để dẫn dắt quá trình thay đổi của cả công ty.

“Để đổi mới doanh nghiệp thì người đứng đầu có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc thay đổi tư duy của các lãnh đạo không hề đơn giản. Do đó, việc thiết lập một đội ngũ các chuyên gia tư vấn, trợ lý giỏi để hỗ trợ nhà quản trị, kịp thời điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp là rất cần thiết,” Ông Đinh Văn Hiến, Tổng Giám đốc công ty TNHH Cơ điện đo lường Tự động hóa DKNEC nhận định.

Quốc Dũng

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM