Đấu đầu Vinasun, chiến lược nào để taxi Mai Linh giữ lại ngôi vương?

18/02/2012 09:13 AM |

Mai Linh lỗ 3 năm tiếp từ 2007-2009 và mới có lãi trở lại từ 2010. Còn Vinasun thì tăng trưởng mạnh qua các năm, tích lũy vốn CSH lớn. Tập đoàn Mai Linh phải thay đổi nếu vẫn muốn giữ vị thế dẫn đầu.

Ngành kinh doanh dịch vụ taxi hiện nay có đông đảo các doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, hai công ty dẫn đầu ngành là CTCP Tập đoàn Mai Linh và CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Theo báo cáo thường niên năm 2010, Tập đoàn Mai Linh đã mở rộng hoạt động tại 53 tỉnh thành trong cả nước với khoảng 100 công ty thành viên, có khoảng 9.200 phương tiện, thu hút được trên 26.000 nhân viên làm việc tại bốn khu vực cả trong nước và nước ngoài. Hiện nay, Tập đoàn Mai Linh là công ty dẫn đầu về thị phần trong ngành kinh doanh dịch vụ taxi.

Vinasun đứng thứ hai về thị phần trong ngành kinh doanh dịch vụ taxi với địa bàn hoạt động chủ yếu tại các đô thị lớn ở phía Nam, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù là 2 ông lớn đầu ngành nhưng kết quả kinh doanh của Mai Linh và Vinasun rất khác nhau. Mai Linh đã lỗ 3 năm tiếp từ 2007-2009 và bắt đầu có lãi trở lại từ 2010. Còn Vinasun thì tăng trưởng mạnh qua các năm, tích lũy được vốn chủ sở hữu lớn.
 

Sự khác biệt về chiến lược và phân bổ nguồn lực

Hai đại gia trong ngành kinh doanh dịch vụ taxi có sự khác biệt đáng kể về chiến lược và phân bổ nguồn lực thực hiện chiến lược.

Bảng: Sự khác biệt về chiến lược của hai công ty

Chiến lược

Công ty Mai Linh

Vinasun

Chiến lược đầu tư

Bao phủ toàn quốc, thậm chí mở rộng ra những tỉnh thành có nhu cầu đi lại thấp nhằm đón đầu xu hướng gia tăng đi lại bằng taxi

Tập trung vào khai thác tối đa thị trường những đô thị lớn phía Nam có nhu cầu đi lại taxi lớn.

Chiến lược tài trợ

Tài trợ bằng vốn vay nhằm kỳ vọng gia tăng lợi nhuận bằng đòn bẩy tài chính

Tài trợ bằng vốn chủ sở hữu là chủ đạo thông qua việc giữ lại lợi nhuận tái đầu tư, kết hợp với huy động một lượng nợ vay cân đối

Chiến lược của Mai Linh rất phù hợp với một công ty đầu ngành có thương hiệu tốt, trong khi đó, chiến lược tập trung hóa rất phù hợp với một đối thủ nhỏ hơn như Vinasun. Tuy nhiên, tại sao hai chiến lược đúng đắn lại đưa hai công ty đến hai kết quả hoàn toàn khác nhau?

Vinasun thành công với chiến lược tập trung hoá và đang từng bước mở rộng địa bàn cạnh tranh với Mai Linh
 
Chiến lược tập trung hoá đã giúp Vinasun giữ vững vị thế dẫn đầu về dịch vụ taxi tại các thị trường đô thị lớn ở phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Với hiệu quả hoạt động cao hơn và đang tăng trưởng nhanh, mở rộng thị trường một cách thận trọng và khôn khéo, Vinasun đang dần thu hẹp khoảng cách với Mai Linh.
 
Mặc dù chỉ hoạt động trên bốn tỉnh địa bàn truyền thống tại phía Nam (Cuối năm 2010, Vinasun đã lập công ty con khai thác thị trường Đà Nẵng), trong đó chủ yếu là TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn có thể tăng trưởng nhanh cho thấy Mai Linh đã đánh giá thấp dung lượng của thị trường trọng điểm này và để Vinasun khai thác thành công.

Mai Linh đánh mất vị thế dẫn đầu tại nhiều thị trường trọng điểm

Mai Linh đã đầu tư bao phủ địa bàn rộng lớn (tại 53 tỉnh thành) với kỳ vọng nhu cầu đi lại bằng taxi sẽ bùng nổ ở hầu khắp các tỉnh thành.
 
Tuy nhiên, các khoản đầu tư tại những tỉnh thành có nhu cầu đi lại thấp phần lớn đều thua lỗ đã lấy đi phần lãi của những khoản đầu tư tốt ở các đô thị lớn làm kết quả kinh doanh chung đạt thấp. Do không được đầu tư đúng mức tại các đô thị lớn, Mai Linh đã mất vị thế dẫn đầu tại những đô thị lớn.

- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Vị thế dẫn đầu thuộc về Công ty cổ phần Ánh Dương với thương hiệu taxi VINASUN.

- Tại thủ đô Hà Nội: Sau thương vụ hợp nhất của ba hãng taxi: Taxi CP, Taxi 3A và Taxi Hà Nội thành TAXIGROUP, mặc dù không có số liệu chính thức, tuy nhiên, có thể Taxigroup đã vượt qua taxi Mai Linh để vươn lên vị thế số một về thị phần tại Thành phố Hà Nội.

Mai Linh không thành công vì ba hạn chế trong thực hiện chiến lược

Chiến lược của Mai Linh là đúng đắn và có tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, chiến lược này không thành công là do cách thức thực hiện chiến lược, đặc biệt là vấn đề phân bổ nguồn lực. Ba hạn chế của Mai Linh đó là:

- Thứ nhất, vòng quay tổng tài sản đạt thấp cho thấy hiệu suất thấp của taxi Mai Linh. Điều này là do hiệu suất cao của những chiếc xe taxi ở các thành phố lớn đã bị bù trừ bởi hiệu suất rất thấp của những chiếc xe taxi hoạt động ở các tỉnh có nhu cầu đi lại taxi thấp.
 
Điều này phản ánh hai hạn chế cơ bản của Mai Linh. Thứ nhất, Mai Linh đã đánh giá quá thấp và không tập trung đúng mức cho những thị trường lớn, có nhu cầu đi lại taxi cao, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (Biểu hiện rõ nhất là Vinasun trong khi chỉ tập trung hoạt động ở TP Hồ Chí Minh đã có thể tăng trưởng doanh thu rất cao).
 
Trong khi đó, lại tập trung đầu tư số đầu xe quá mức cần thiết cho các công ty thành viên tại các địa bàn nhỏ. Điều này dẫn đến sự phân bổ nguồn lực không tối ưu trên phạm vi toàn quốc.
 
- Thứ hai, cấu trúc tổ chức của Mai Linh không thực sự phù hợp. Chúng ta thấy rằng, cơ cấu tổ chức của Mai Linh gồm công ty mẹ, công ty con theo từng khu vực và các công ty cháu tại từng tỉnh, thành phố.
 
Mai Linh thành lập ở mỗi tỉnh thường là một hoặc nhiều công ty con, thậm chí tại TP Hồ Chí Minh, Mai Linh thành lập tới 20 công ty con.
 
Điều này dẫn đến bộ máy hành chính cồng kềnh do bộ phận lao động gián tiếp (back office) phình to khi so với số lượng bộ phận front office là các lái xe taxi dẫn đến chi phí quản lý hành chính rất cao vì công ty thành viên nào cũng cần một phòng nhân sự, một phòng kế toán và nhiều vị chí hành chính khác không trực tiếp tạo ra giá trị cho tổ chức. Trong khi đó, Ánh Dương chủ yếu thành lập ở các tỉnh dưới hình thức chi nhánh, giúp tinh giản bộ máy hành chính và tiết kiệm chi phí.
 
Cơ cấu tổ chức của Tập đoàn Mai Linh

Trong năm 2010, doanh thu của Vinasun là 1.644 tỷ đồng thì chỉ phải chi phí quản lý doanh nghiệp vỏn vẹn là 46 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ chi phí quản lý trên doanh thu thuần 2,8%. Trong khi đó, Công ty Mai Linh, để duy trì doanh thu năm 2010 là 2.798 tỷ đồng phải chi phí quản lý doanh nghiệp là 289 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ chi phí quản lý trên doanh thu thuần là 10,3%!

- Thứ ba, cấu trúc vốn hiện tại đang ảnh hưởng bất lợi cho khả năng cạnh tranh của Mai Linh. Để thực hiện chiến lược tham vọng trên, Mai Linh nên thực hiện một cấu trúc vốn cân đối bằng việc đều đặn huy động thêm nguồn vốn chủ sở hữu mới.
 
Tuy nhiên, do không chú trọng đến vấn đề này và với cấu trúc vốn hiện nay đã có hệ số nợ quá cao, nếu vốn chủ sở hữu của Mai Linh không được bổ sung thì rất khó có thể huy động thêm vốn để tài trợ cho sự tăng trưởng.
 
Điều này sẽ dẫn đến tình trạng nhu cầu đi lại bằng taxi trong tương lai bùng nổ tại nhiều địa bàn, nhưng do không thể tiếp cận nguồn vốn mới, Mai Linh sẽ không đầu tư đủ số lượng xe cần thiết dẫn đến tạo khoảng trống thị trường cho Ánh Dương khai thác và từ đó có thể lấy mất vị thế dẫn đầu của Mai Linh tại thị trường đó.
 

Những giải pháp tái cấu trúc mà Mai Linh cần thực hiện để giữ vững vị thế dẫn đầu

Kinh doanh thua lỗ và tỷ suất lợi nhuận thấp cho thấy Tập đoàn Mai Linh cần phải có những thay đổi quan trọng về cách thức thực hiện chiến lược. Về cơ bản, Công ty Mai Linh vẫn còn khả năng tái cấu trúc để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi sở hữu số lượng đầu xe lớn và thương hiệu mạnh. Những giải pháp quan trọng mà Mai Linh sẽ cần phải thực hiện đó là:

-         Thứ nhất, việc ra quyết định đầu tư cần được dựa trên quan điểm chiến lược của tập đoàn nhằm phân bổ nguồn lực tối ưu trên phạm vi toàn quốc, tránh tình trạng thị trường lớn thì không đủ đầu xe để khai thác trong khi đó thị trường nhỏ thì quá thừa đầu xe. Cần tái phân bổ lại nguồn lực theo hướng tập trung hoá nguồn lực như: số lượng đầu xe, nguồn lực tài chính, con người vào những thị trường đô thị lớn để dành lại vị thế dẫn đầu. Việc đầu tư mở rộng các địa bàn cần thận trọng và lựa chọn thời điểm phù hợp.

-         Thứ hai, thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính thông qua việc sáp nhập công ty cháu ở từng tỉnh vào công ty con khu vực, theo hướng chỉ giữ hình thức công ty đối với công ty con theo khu vực và ở một số tỉnh có dung lượng đi lại bằng taxi lớn. Các công ty cháu còn lại tại từng tỉnh sẽ chuyển sang hoạt động dưới hình thức chi nhánh để tiết kiệm chi phí.

-         Thứ ba, hiện nay Tập đoàn Mai Linh đã sử dụng tới ngưỡng tới hạn công suất vay nợ của mình và hệ số nợ đang ở mức rất cao. Do đó, việc tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu là cần thiết nhằm tái cấu trúc tài chính và bổ sung nguồn vốn mới cho tăng trưởng.
 
ThS. Nguyễn Tuấn Dương
Học viện Tài chính

duchai

Cùng chuyên mục
XEM