Đạo đức của những đôi chân

19/07/2013 19:10 PM | Quản trị

Nike gần đây đã kỷ niệm 25 năm lịch sử của khẩu hiệu "Just Do It" nổi tiếng, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp may mặc nhận thức về hoạt động bền vững hơn trong sản xuất.

Trong rất nhiều hoạt động, hãng trang phục thể thao khổng lồ này đã phát hành một ứng dụng di động mới (hiện đã có cho các thiết bị iOS của Apple) có tên Making với mục tiêu giúp các nhà thiết kế nói riêng và các ngành công nghiệp thời trang nói chung (cũng như người tiêu dùng) lựa chọn sử dụng những nguyên liệu thân thiện với môi trường nhất; sử dụng thông tin từ Trung tâm Thời trang bền vững London cũng như Chỉ số Vật liệu bền vững, ứng dụng sẽ xếp các vật liệu được sử dụng trong sản xuất may mặc về việc sử dụng nước, các loại hóa chất, năng lượng và mức độ chất thải cần thiết trong quá trình sản xuất.

"Đổi mới là DNA của Nike và tính bền vững là một phần của quá trình thiết kế của Nike. Chúng tôi đã tạo ra các ứng dụng Making để giúp các nhà thiết kế trên thế giới lựa chọn được những vật liệu tốt để tạo ra sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng và tốt hơn cho hành tinh này", Lee Holman, thiết kế của Nike VP, cho biết.

Từ khóa thông dụng nhất của đạo đức kinh doanh ngày nay thường được nhắc tới là "bền vững". Tỷ lệ các nhà quản lý cho rằng "bền vững" là chìa khóa giúp cạnh tranh thành công tăng từ 55% năm 2010 lên 67% năm 2011. Đây là kết quả theo cuộc khảo sát hằng năm với 4.000 nhà quản lý tại 113 quốc gia của MIT Sloan Management Review và Boston Consulting Group.

Các công ty nở rộ các vị trí "Giám đốc tăng trưởng bền vững", thành lập ồ ạt các "Phòng phát triển bền vững" và thuê các cơ quan tư vấn phát triển bền vững, như SustainAbility giúp đưa ra các phương án phù hợp với nguồn tài nguyên hữu hạn. Theo xu hướng này, một hãng với doanh số hơn 4 tỷ USD hằng năm như Nike càng có ý thức phát triển bền vững hơn.

Trước đó, hãng Nike đã tung ra mẫu giày Flyknit có quy trình chế tạo theo định hướng kinh doanh bền vững do tạo ra ít vật liệu thừa hơn. Trong quá trình sản xuất, số vật liệu thừa từ mỗi đôi giày chỉ nặng bằng trọng lượng 1 tờ giấy, hay tương đương khoảng 1/100 pound.

Nike cho biết Flyknit tạo ra phế liệu ít hơn 66% so với Air Pegasus +28. Nike, trong nhận thức rất rõ rằng mỗi sản phẩm đều tác động tới môi trường, đã thiết kế những sản phẩm trang phục bằng chất liệu polyester tái chế từ vỏ chai.

Hannah Jones, phó chủ tịch của Nike nói về kinh doanh bền vững và đổi mới: "Ngành sản xuất giày thực sự chẳng thay đổi gì qua hàng thế kỷ, chẳng có gì khác ngoài việc cắt và dán. Nhưng giờ đây, công đoạn thâm dụng nhiều lao động nhất trong ngành chế tác giày thể thao sẽ biến mất hoàn toàn khỏi bức tranh sản xuất hiện đại".

Nike cũng khuyến khích khách hàng "hoàn thiện chuỗi vòng đời sản phẩm" bằng cách trả lại hãng những đôi giày đã qua sử dụng để tái chế và gọi đó là "đạo đức của những đôi chân".

Theo Hà Cúc

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM