Cuộc chiến nhân tài giữa Phố Wall và Thung lũng Silicon

25/08/2014 14:49 PM | Quản trị

Phố Wall thời hậu khủng hoảng đã làm nhiều tài năng trẻ vỡ mộng, trong khi Thung lũng Silicon náo nhiệt dường như đang mở ra một chân trời mới, CNNMoney chỉ ra.

Những sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học kinh tế đầu bảng thời nay có vẻ được "đo ni đóng giày" cho Phố Wall. Velasquez - 22 tuổi từ Đại học Massachusetts - là một sinh viên như vậy, đam mê toán kinh tế, cậu nộp hồ sơ xin vào thực tập tại Ngân hàng Citi ngay sau khi ra trường.

Tuy nhiên theo tiết lộ của Velasquez, cậu chỉ vào làm tại Citi để khiến hồ sơ "vượt trội" khi sau này nộp đơn xin việc tại Google. 

Giống nhiều nhân tài trẻ tuổi khác, Velasquez đã vỡ mộng đối với Phố Wall thời hậu khủng hoảng.

Đối với cậu, lối sống và tương lai tại California có vẻ tương sáng hơn, cùng các cơ hội tiềm năng vô biên được các công ty Thung lũng Silicon chào mời.  “Tôi thích sự cải tiến của Google. Tôi thích làm việc tạo ra các sản phẩm có thể thực sự thay đổi thế giới. Tôi không nghĩ Phố Wall còn hấp dẫn”, Velasquez nhận xét.

Ngân hàng đồng loạt tăng lương

Hơn ai hết, các ngân hàng lớn ý thức được xu hướng tâm lý này trong lứa nhân tài trẻ, nên họ sẵn sàng tung thêm nhiều gói lợi ích để thu hút những người như Velasquez tới đầu quân, đó là lí do vì sao các gói trợ cấp nhân tài trẻ ngày càng gia tăng về chất lượng và cả số lượng.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng như Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Bank of America đang chuẩn bị tăng lương khởi điểm cho các nhân viên trong khoảng 20%. 

Trong khi giá trị các gói trợ cấp có thể biến thiên theo từng ngân hàng, thì mức lương khởi điểm thấp nhất trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư là vào khoảng 5.800USD/tháng, mức nâng lương 20% sẽ kéo mốc này lên xấp xỉ 7.000USD/tháng, một chuyên gia tại Goldman cho biết.

Ngân hàng Goldman nâng lương cho nhân viên trẻ nhằm mục đích theo kịp các nhà băng đối thủ, cũng như cạnh tranh với những gói trợ cấp hấp dẫn từ các doanh nghiệp phi ngân hàng, ví dụ như công ty công nghệ, một nguồn thạo tin trả lời CNNMoney.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng lớn cũng nới lỏng các quy tắc xử phạt đối với nhân viên mới, nhằm tạo ra một môi trường thân thiện hơn đối với lứa “nhân tài 8X - 9X”.

“Lý do đầu tiên khiến người trẻ rời phân khúc tài chính là vì nhịp sống: Phải làm việc liên tục 100 tiếng/tuần và phải nghe điện thoại mọi lúc mọi nơi là một gánh nặng khó có thể chống đỡ trong dài hạn”, ông Scott Rostan - cựu nhân viên ngân hàng tại Merrill Lynch, hiện đang điều hành công 
ty giáo dục về tài chính - cho biết. Thật vậy, Velasquez cho biết anh quay lưng lại với lĩnh vực tài chính vì thời gian làm việc kéo dài. 

Trong khi đó, cậu nhìn nhận Google như một “công ty thoải mái và ít áp lực hơn so với thời tôi làm việc tại Citi”. 

“Tại Citi, nhiệm vụ gì được giao cũng đính kèm theo hạn chót”, cậu kể. 

Tuy nhiên sự khác biệt văn hóa giữa Thung lũng Silicon và Phố Wall không chỉ dừng lại ở thời gian làm việc. Những người trẻ nói chung cảm thấy hào hứng với những ảnh hưởng mà các công ty công nghệ khao khát tạo ra. 

Google đang thiết kế xe tự lái, Twitter và Facebook đang mang tới sự cải cách tại Trung Đông, còn Amazon chuẩn bị tiến tới giao hàng bằng máy bay không người lái.  Giám đốc điều hành công ty Hanold Associates - Jason Hanold – sớm nhận ra sự dịch chuyển này từ đầu những năm 2000, khi ông giữ vai trò trưởng nhóm tuyển dụng tại công ty kiểm toán hàng đầu - McKinsey. 

Theo ông, Goldman và McKinsey từng là những nhà tuyển dụng được khao khát nhất, cho đến khi Google và Amazon vùng lên. “Tôi cảm giác như top 40 nhà tuyển dụng được ưa chuộng nhất đang dịch dần xuống phía dưới khi những công ty tại Thung lũng Silicon trở nên hấp dẫn. Lĩnh vực ngân hàng đầu tư chưa lấy lại được phong độ tính đến nay”, ông nói. 
Tham vọng của thế hệ trẻ

Những người trẻ không thích viễn cảnh mắc kẹt ở một vị trí trong vài năm trước khi họ có thể tạo ra sức ảnh hưởng nhất định tại Phố Wall. 
Các công ty công nghệ như eBay hay Facebook thì lại sản sinh ra những nền tảng mà trong đó những gì lớp trẻ làm có thể tạo chuyển biến ngay. 
“Họ tâm niệm rằng có ý tưởng tốt là có tất cả. Đây là một yếu tố hấp dẫn với lứa 8X – 9X, họ muốn đạt mục đích nhanh và thích các công ty trọng dụng nhân tài”, ông Hanold chỉ ra. 

Vị trí địa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến này. 

Google, Facebook và các công ty công nghệ lớn khác đang triển khai nguồn lực để mở rộng phạm vi hoạt động vượt khỏi California, vươn tới các khu vực khác như Chicago, Pittsburgh và New York.

“Họ không mở rộng để tiếp cận khách hàng dễ hơn hay để phân phối hàng nhanh hơn, họ mở rộng để tiếp cận nhân tài tại những khu vực sầm uất, nơi họ chiếm được trái tim và khối óc của thế hệ trẻ”, Hanold nói. 

Điều gì sẽ xảy ra?

Nói như vậy không có nghĩa là thế hệ trẻ tại Mỹ sẽ bỏ rơi Phố Wall hoàn toàn. Mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp công nghệ, công ty giáo dục về mảng tài chính của ông Rostan vẫn đón đợt sinh viên theo học tăng 20% trong mùa hè này. 

“Mặc dù các công ty công nghệ đang tăng trưởng nhanh chóng, Phố Wall vẫn sẽ trụ vững trong tương lai gần”, ông khẳng định. 

Nhưng rõ ràng là những nhân tố mới đầu quân vào ngành tài chính sẽ phải nỗ lực hơn để trở thành người giỏi nhất, tỏa sáng nhất, không chỉ vì lương tăng cao hơn. “Lĩnh vực không cải tiến liên tục thì tăng lương cũng là vô nghĩa”, ông Hanold khẳng định.


Theo Lề Phương

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM