Có nên nghỉ việc nếu bị sếp ghét?

15/12/2014 16:02 PM | Quản trị

Khi bị sếp ghét, nhiều người cảm thấy chán nản, thất vọng, thậm chí muốn bỏ việc. Liệu ra đi có phải việc làm hiệu quả nhất trong trường hợp này hay không?

Đối với bất kỳ nhân viên nào, được sếp yêu quý và tin tưởng luôn là điều mà họ mong muốn. Thế nhưng, thực tế lại không đơn giản như vậy. Một số người thường xuyên phàn nàn rằng mặc dù mình luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao nhưng sếp vẫn luôn 'ghẻ lạnh', thậm chí tỏ thái độ khó chịu với họ.

Khi rơi vào trong tình huống này, không phải ai cũng biết cách ứng xử với sếp cho phù hợp. Nhiều người cảm thấy chán nản, thất vọng và nghĩ đến việc ra đi. Nhưng liệu bỏ việc có phải là giải pháp hữu hiệu nhất hay không?

Hãy tìm hiểu lý do tại sao bạn bị ghét?

Nếu ngay khi cảm thấy sếp không 'ưa' mình, bạn đã nhanh chóng viết đơn từ chức thì đó là hành động vội vàng và ngu ngốc.

Điều đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu lý do vì sao bạn lại không được sếp yêu quý. Năng lực của bạn yếu kém, bạn quá kiêu ngạo hay vì bạn chưa biết cách giao tiếp với sếp và đồng nghiệp.

Nếu lỗi thuộc về bạn, hãy tìm cách cải thiện hình ảnh trong mắt cấp trên. Đi làm đúng giờ, tích cực tham gia các hoạt động của công ty, khen ngợi sếp và đồng nghiệp khi thấy phù hợp...

Trong một số trường hợp khác, chỉ là bạn đang quá 'nhạy cảm' mà thôi. Bạn thấy sếp thường xuyên cáu gắt, chỉ trích mình nhưng có thể vì công ty đang gặp khó khăn và cấp trên của bạn đang chịu rất nhiều áp lực. Cũng có thể ông ấy là người ít nói, hiếm khi cười đùa và khen ngợi nhân viên trước mặt họ nên bạn cảm thấy khó gần.

Một tình huống khác nghe có vẻ 'oái ăm' nhưng không phải là không thể xảy ra. Đó là khi sếp đang ghen tỵ với năng lực cũng như thành tích của bạn. Ở hoàn cảnh này, hãy thể hiện cho cấp trên của mình thấy bạn luôn tôn trọng ông ấy và hoàn toàn không tự mãn với những gì đã làm được.

Nếu sau một thời gian tìm hiểu mà bạn vẫn không xác định được nguyên nhân của việc sếp không thích mình, hãy trò chuyện thẳng thắn với vị sếp đó. Hãy nói rằng bạn cần sự định hướng, hỗ trợ cũng như phản hồi từ ông ấy. Hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp ông ấy đạt được những mục tiêu của mình.

Bạn cũng có thể xin lời khuyên từ những nhà lãnh đạo hoặc những người có kinh nghiệm khác để có cách ứng xử sao cho phù hợp nhất.

Khi nào nên bỏ việc?

Cố gắng 'cảm hóa' sếp là điều bạn nên làm nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cứ phải âm thầm chịu đựng một vị sếp 'không coi mình ra gì'. Hãy nỗ lực hết mình, từ công việc cho đến cách ứng xử với mọi người trong công ty.

Tuy nhiên, khi bạn đã cố gắng hết sức mình mà vẫn không tìm được tiếng nói chung với cấp trên, bạn có thể nghĩ đến việc tìm một cơ hội mới.

Khi vượt qua giới hạn chịu đựng, hãy nghĩ đến việc thay đổi

Trung thành với một người không bao giờ công nhận những thành tích mà bạn đạt được, luôn chèn ép và gây khó khăn cho bạn không phải là một hành động khôn ngoan.

Mọi thứ đều có giới hạn của nó và nếu vượt quá sức chịu đựng của mình, hãy thay đổi. Nhưng nhớ rằng, trước khi quyết định bất kỳ điều gì hãy suy xét thật kỹ và đừng thực hiện trong khi nóng giận.

>> CEO Việt Nam: Khi tôi phải đóng hai vai

Theo Lam Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM