Chuyện chuyển giá: Xem báo cáo tài chính, có thể xử lý ngay

20/12/2012 11:25 AM | Quản trị

Với những DN chỉ cần nhìn báo cáo tài chính là thấy ngay hiện tượng chuyển giá thì cơ quan thuế có thể lập tức vào cuộc và có thể ấn định, điều chỉnh ngay mức thu thuế.


Trước thông tin liên tục gần đây về việc các DN, đặc biệt là DN nước ngoài như Coca-cola, Pepsi, Adidas có dấu hiệu chuyển giá, CafeBiz đã có một cuộc phỏng vấn nhanh với ông Bùi Ngọc Tuấn, Giám đốc tư vấn thuế cao cấp của Deloitte Việt Nam.

Gần đây báo chí liên tục đưa tin về việc một số công ty nước ngoài như Coca-cola, Adidas có dấu hiệu chuyển giá. Ông đánh giá thế nào về vấn đề chuyển giá dưới góc độ một công ty tư vấn?

Thực ra hoạt động chuyển giá đã diễn ra trên thế giới nhiều năm qua. Với các tập đoàn, đặc biệt là tập đoàn quốc tế, thì cơ chế chuyển giá luôn tồn tại. Nhưng chuyển giá ở mức độ hợp lý, mức chấp nhận được thì lại là một câu chuyện khác, bởi thông thường nó liên quan đến lợi ích phát sinh trong từng khâu của chuỗi cung ứng (supply chain) của doanh nghiệp.Theo đó, việc phân bổ lợi nhuận cho từng khâu của cả chuỗi cung ứng sẽ phải có, và nếu ở mức độ hơp lý thì sẽ không có vấn đề gì cả.

Tuy nhiên, cũng có những DN lợi dụng các quy định chưa rõ ràng, đầy đủ về chuyển giá, để chuyển lợi nhuận bất hợp lý từ một nước có thuế suất cao sang một nước có thuế suất thấp hơn, hoặc trong một số trường hợp, hai nước có thuế suất ngang bằng nhau nhưng DN vẫn tiến hành chuyển giá để thu hồi nguồn tiền.

Nhiều DN sản xuất xuất khẩu cho công ty mẹ ở nước ngoài có thể mua nguyên liệu rất đắt để chuyển tiền ra nước ngoài. Trong khi đó giá bán sản phẩm lại rất thấp, thấp hơn cả giá mua. Vấn đề này tùy thời điểm để phục vụ mục tiêu của công ty mẹ ở nước ngoài. 

Theo ông cần có biện pháp gì để xử lý những doanh nghiệp chuyển giá?

Đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất độc quyền, quá đặc thù với giá nguyên liệu đầu vào cao, các cơ quan thuế sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc so sánh giá. Tuy nhiên, hiện tại do thông tin, cơ sở dữ liệu của họ chưa đầy đủ, hoặc kênh thông tin kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực,quốc gia có hoạt động chuyển giá với DN ở Việt Nam, còn gặp khó khăn, nên chưa có đủ thông tin để kiểm tra các DN mà cơ quan Thuế nghĩ rằng có hiện tượng chuyển giá. Trong dài hạn, cơ quan thuế chắc chắn sẽ tìm ra biện pháp thích hợp để kiểm tra, so sánh và chứng minh việc DN thực hiện chuyển giá bất hợp lý (nếu có).

Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính nhiều năm qua đã và đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đối với chuyển giá, đặc biệt là tỉ suất lợi nhuận, phân theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, để sau này khi tiến hành kiểm tra, thanh tra liên quan đến chuyển giá thì có cơ sở so sánh phù hợp hơn.

Về biện pháp xử lý, trên thực tế, với nhiều DN thực hiện chuyển giá, chỉ cần nhìn báo cáo tài chính là thấy ngay có vấn đề , ví dụ giá mua vào rất cao, giá bán ra rất thấp, thì cơ quan thuế có thể lập tức vào cuộc và có thể ấn định, điều chỉnh ngay mức thu thuế.

Những công ty kiểm toán đứng đằng sau hỗ trợ DN chuyển giá có trách nhiệm gì không?

Công việc của các công ty kiểm toán/tư vấn thực ra không phải là trợ giúp DN để trốn thuế hay lách luật chuyển giá. Nếu chúng ta nhìn nhận ở khía cạnh tích cực thì việc tư vấn thực ra là trợ giúp tối ưu hóa thu nhập phát sinh hợp lýtrong từng mắt xích trong chuỗi cung ứng của DN. Với những DN có hoạt động kinh doanh với đối tác nước ngoài thì các công ty tư vấn, các công ty kiểm toán sẽ hỗ trợ DN xem xét tỷ lệ lãi trong từng khâu, trong từng nước, từng hoạt đông sản xuất kinh doanh ở mức độ phù hợp, chấp nhận được, và trong phạm vi cho phép.

Chẳng hạn như với các công ty FDI hoạt động ở Việt Nam, các công ty tư vấn và kiểm toán sẽ hỗ trợ để lập hồ sơ, đánh giá, phân tích các số liệu thị trường, đánh giá các khía cạnh rủi ro để xem hoạt động sản xuất của DN có phù hợp không, giá giao dịch với các đối tác nước ngoài có phù hợpvới giá thị trường không. Sau đó các công ty tư vấn sẽ đưa ra kết quả cuối cùng là tỉ suất lợi nhuận của DN đưa ra có nằm trong khung phù hợp và so sánh được với các công ty tương đương trong cùng ngành nghề, địa bàn v.v.

Hiện tại các công ty tư vấn hỗ trợ DN lập hồ sơ xác định giá thị trường thườngsử dụng cơ sở dữ liệu được cung cấp bởi các công ty danh tiếng trong khu vực.Các cơ quan thuế cũng đang tạm thời chấp nhận những phân tích trong hồ sơ sử dụng dữ liệu này.

Luật Quản lý Thuế áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường (APA) liệu có nhiều tác dụng trong việc chống chuyển giá không?

Nội dung về APA mới được giới thiệu trong Luật Quản lý Thuế sửa đổi, sẽ được áp dụng cho cả Thuế nội địa (Thuế TNDN, Chuyển giá) và Thuế xuất nhập khẩu. Hiện tại, việc áp dụng APA kể cả ở các nước tiên tiến cũng không hề dễ dàng, bởi nó kéo theo rất nhiều hệ thống luật và quy định quản lý có liên quan về thương mại, về kỹ thuật ngành dọc. Hơn nữa, hiện nay cũng chưa có cơ chế phối hợp giữa hải quan và thuế đối với giá trị hàng nhập khẩu (VD: Hải quan muốn kê khai giá cao để thu thuế NK; trong khi Thúe nội địa muốn giá thấp để tăng thu nhập chịu thuế TNDN) .Do vậy, việc xác định APA phù hợp cũng sẽ rất khó.

Nhìn chung việc đưa ra các quy định, chế tài liên quan đến APA là tốt, nhưng việc thực thi thì ở cả phía DN lẫn hệ thống chính sách trong nước sẽ cần thêm một khoảng thời gian dài nữa để hoàn thiện thêm,đặc biệt là tính đồng bộ trong quy định pháp luật liên quan.

Trang Lam

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM