Các CEO trẻ nên làm gì?

22/05/2015 11:45 AM | Quản trị

Cho dù bạn thiếu kinh nghiệm sống, nhưng lại tràn đầy năng lượng và ý tưởng táo bạo nên đây là 3 điều bạn nên làm để đủ khả năng trở thành một CEO.

Ngày nay, con đường trở thành CEO có thể trông rất khác, đặc biệt là với các startup công nghệ và internet, nhưng những kĩ năng cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả vẫn giống như xưa. Những kĩ năng này thường phải mất cả một đời kinh nghiệm mới có được. Tuy nhiên, có những cách để vượt qua thử thách thời gian đó.

Cho dù bạn thiếu kinh nghiệm sống, nhưng lại tràn đầy năng lượng và ý tưởng táo bạo nên đây là 3 điều bạn nên làm để đủ khả năng trở thành một CEO:

1. Xây dựng một đội ngũ để bù đắp những thiếu sót của mình

Ngay cả một quản lý có kinh nghiệm cũng cần một đội ngũ thảo luận có thể đưa ra những hướng dẫn, đặc biệt là với các lĩnh vực ngoài chuyên môn. Với những lãnh đạo trẻ, điều này rất cần thiết để tránh những sai lầm nghiêm trọng.

Thiếu kinh nghiệm có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng: thuê nhầm người, chi tiêu quá nhiều, “kẹt cứng” trong các điều khoản hợp đồng, hay gặp rắc rối với pháp luật .v.v.

Hãy lấy Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg ở Facebook làm ví dụ: anh ấy lo về sản phẩm trong khi cô ấy là người thiên về kinh doanh hơn. Họ bổ sung cho nhau và làm việc cùng với nhau để đạt mục tiêu chung là xây dựng được một công ty thành công.

Hai đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin (cả hai chỉ mới 25 tuổi khi thành lập Google) đã mang về một Eric Schmidt có nhiều kinh nghiệm để họ có thể đạt được chiều sâu trong quản lý trước khi tự họ đảm nhận vị trí.

Khi xây dựng đội ngũ lãnh đạo của bạn, đừng kiếm những người giống y chang như bạn. Hãy tìm những người mà có thể hoàn thiện bạn và thử thách cho bạn “lớn lên”.

2. Hãy sử dụng sức mạnh của suy nghĩ tích cực lẫn... tiêu cực

Nếu bạn sắp tung ra một doanh nghiệp khi bạn vẫn còn ở độ tuổi đôi mươi – chưa bị “vết sẹo” nào từ những thử thách trước đó – thì bạn sẽ có một số thuận lợi và nhiều bất lợi.

Bất lợi lớn nhất là thiếu bảng lưu thành tích hay thất bại trong quá khứ, một điều mà nhà đầu tư tiềm năng có thể muốn dùng để đánh giá khả năng thành công của bạn.

Điều này có thể được khắc phục chỉ bằng cách dùng nhiều giờ “bán” ý tưởng của bạn cho càng nhiều người sẵn lòng nghe bạn càng tốt.

Trong thế giới đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư Bay Area vốn có truyền thống là những người sẵn lòng đặt cược vào một đội ngũ ít kinh nghiệm nhất. Một chiến dịch có khả năng giúp ích khác là thuê một người có nhiều kinh nghiệm hơn để đương đầu với việc huy động vốn, nhưng hãy cẩn thận đừng để mất kiểm soát chuyện kinh doanh đang diễn ra.

Một thuận lợi thú vị mà bạn có thể có được khi là nhà lãnh đạo trẻ là có thể bạn không biết được chuyện gì là không thể, do vậy bạn sẽ nỗ lực làm nó bằng bất kì cách nào. Điều này có thể dẫn đến một đột phá mà những người có kinh nghiệm hơn có thể bỏ lỡ vì họ nghĩ rằng điều đó là không thể.

Và nếu được thế thì sẽ rất tuyệt vời, nhưng những đột phá thật sự thì tương đối hiếm. Hầu hết những tiến bộ là từ từ, và để đạt được thành công từ từ thì việc tận dụng kinh nghiệm của những thành công và thất bại trước đó có thể rất hữu ích.

3. Hãy tập khiêm tốn

Các nhà lãnh đạo cần phải minh bạch và khiêm tốn khi cần thiết (mà chuyện này là rất thường). Thật vậy, khiêm tốn một cách khôn ngoan – là khả năng biết lùi lại và chấp nhận những ý tưởng tốt hơn của người khác – đối với Google là một tiêu chí tuyển dụng quan trọng hơn cả thư giới thiệu.

Rủi thay, khiêm tốn thường bị xem như là yếu đuối, trong khi thật ra nó là một trong những sức mạnh mà một lãnh đạo có thể sở hữu.

Những người khiêm tốn lắng nghe và học hỏi từ những người khác. Họ chấp nhận đứng sau khi có ai đó đủ khả năng hơn họ giải quyết vấn đề. Họ đặt lòng tin đúng chỗ. Họ ít ngạo mạn hơn khi mọi chuyện diễn ra thật sự tốt đẹp. Họ liên tục nghi ngờ về quan điểm và động lực của chính họ để bảo đảm rằng chúng thật sự phù hợp với kết quả kinh doanh mà họ mong muốn.

Tất cả những giá trị trên là rất cần thiết để xây dựng một tổ chức có năng suất làm việc cao. Nhưng dĩ nhiên kinh doanh là phải thắng thua.

Khiêm tốn là tốt nhưng một nhà lãnh đạo phải sẵn lòng chiến thắng. Vì thế, hãy tập khiêm tốn nhưng đừng quên chiến thắng!

>> Apple: Lương CEO chỉ bằng 1/9 lương giám đốc bán lẻ

Lê Thanh Hải

CTV-Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM