Bẫy thu nhập trung bình: Có phải là "bẫy"?

06/03/2013 16:21 PM | Quản trị

Khái niệm "bẫy thu nhập trung bình" do Indermit Gill ở Ngân hàng Thế giới và Homi Kharas ở Viện Nghiên cứu Brookings đặt tên, đã gây ưu tư cho những nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển, từ Malaysia đến Mexico.

Nhưng liệu "bẫy thu nhập trung bình" có đúng với tên gọi của nó không? Có điều gì đặc biệt bất trắc trong những cấp độ phát triển mà TQ đang đạt tới hay không?

Tuy thuật ngữ này rất phổ biến nhưng lý thuyết và bằng chứng hậu thuẫn cho nó lại mỏng manh đến độ đáng ngạc nhiên. Về lý thuyết, các nước giàu tự hào về công nghệ tốt nhất; các nước nghèo "tự hào" về lương thấp nhất. Các nước thu nhập trung bình thì thiếu cả hai.

Trực giác cho biết họ phải gắng sức cạnh tranh với các nước bên trên và bên dưới họ. Nhưng trực giác cũng có thể lầm lạc. Cả lương bổng và năng suất đều tồn tại theo một thể liên tục.

Các nước có thể có sức "cạnh tranh" cao ở mọi mức độ lương bổng và năng suất, miễn là họ tương đồng với các nước khác. Bước tiến từ mô hình tăng trưởng này sang mô hình tăng trưởng khác cũng liên tục.

Các nhà máy không chờ đợi cho đến khi người lao động cuối cùng rời khỏi nông thôn mới bắt đầu cải tiến năng suất của những công nhân đã tới trước đó. Hơn nữa, khi quy mô của lực lượng lao động ở thành thị tăng lên thì dòng di dân đều đặn từ nông thôn ra cũng gây tác động tương ứng nhỏ hơn.

Trung Quốc (TQ) là thí dụ rất rõ. Nhiều người còn e rằng hiện TQ đã dùng cạn thặng dư lao động và sẽ tăng trưởng chậm lại rõ rệt. 

Về lý thuyết là thế, còn bằng chứng thì sao? "Bẫy thu nhập trung bình" hiếm khi được định nghĩa rõ ràng đủ để kiểm nghiệm.

Một số người ủng hộ khái niệm này lập luận rằng, các nước thu nhập trung bình thường tăng trưởng chậm hơn các nước giàu hoặc nghèo hơn họ. Đó là một phát biểu linh tinh.

Hai bài viết của Barry Eichengreen và các đồng tác giả của ông khảo sát các nước phát triển nhanh (đạt tăng trưởng thu nhập đầu người ít nhất là 3,5% trong bảy năm) vốn sau đó gặp cảnh giảm tốc rõ rệt (tăng trưởng của họ trong bảy năm kế bị giảm ít nhất 2 điểm phần trăm).

Trong bài viết gần đây nhất, họ cho rằng những giai đoạn giảm tốc như thế có vẻ tập trung ở những nước có mức thu nhập 15.000 - 16.000USD và 10.000 - 11.000USD (tính theo PPP), không xa lắm so với mức thu nhập hiện nay của TQ.

Hai bài viết này đều là công trình nghiên cứu sâu về những trục trặc trong tăng trưởng. Nhưng họ không đưa ra bằng chứng thuyết phục nào về "bẫy thu nhập trung bình".

Định nghĩa của họ về giảm tốc là tương hợp với sự hội tụ đơn giản: tăng trưởng chậm lại từ 9% xuống còn 7% có thể được coi là một giai đoạn giảm tốc, nhưng nó không hề đẻ ra một cái bẫy. Theo định nghĩa của họ thì ngay cả Singapore, một trong những điển hình xuất sắc nhất của sự tăng trưởng bắt kịp nước khác mà ta từng thấy, cũng từng chịu những giai đoạn giảm tốc nghiêm trọng.

Các tác giả trên phân tích tại sao các nước thu nhập trung bình tăng trưởng chậm lại khi họ phát triển. Nhưng họ chẳng làm sáng tỏ gì nhiều về việc liệu các nước ấy có thường gặp giảm tốc hơn các nước khác hay không. Bài viết gần đây nhất của họ không xét tới bất kỳ quốc gia nào có thu nhập đầu người thấp hơn 10.000USD.

Vì những nước giàu hiếm khi duy trì được mức tăng trưởng hơn 3,5% và các tác giả cố ý không khảo sát các nước nghèo, nên chẳng ngạc nhiên gì khi những giai đoạn giảm tốc họ ghi nhận được đều tập trung tại các nước thu nhập trung bình.

Trong một bài viết gần đây, Kharas và đồng tác giả đã ví "bẫy thu nhập trung bình" như những hố cát nằm chờ làm chướng ngại cho những tay chơi golf. Không hẳn tay chơi nào cũng bị rơi bóng vào những hố cát ấy, nhưng mọi đấu thủ chơi golf đều phải quan tâm đến chúng.

Theo PHẠM VIÊM PHƯƠNG

Doanh nhân Sài Gòn/The Economist

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM