Bài học xương máu dành cho các ông chủ từ bê bối của siêu máy bay Boeing

21/01/2013 11:09 AM | Quản trị


Gặp sự cố ở hệ thống phanh, rò rỉ nhiên liệu, kính chắn gió bị vỡ, cháy điện và một chuyến hạ cánh khẩn cấp ở Nhật Bản đã khiến cơ quan hàng không Mỹ mở một cuộc điều tra về an toàn của các máy bay Boeing 787. Bên cạnh những sự cố an toàn, người ta đang chú ý vào nguyên nhân gây ra những sự cố trên. Và theo các nhà phân tích kinh tế, nó bắt nguồn từ căn bệnh ưa gia công tại nước ngoài, một căn bệnh đang tràn lan trong nền kinh tế Mỹ. Qua các sự cố liên tiếp của hãng máy bay Boeing, các CEO có lẽ cũng rút được ra bài học cho mình trong vấn đề này.

1. Sử dụng các tiêu chuẩn đo lường đúng để đánh giá việc gia công ở nước ngoài

Trong phân tích đánh giá gia công tại nước ngoài, trước hết các doanh nghiệp phải tính toán các chi phí cơ bản ban đầu, tập trung vào những lợi ích ngắn hạn, ví dụ như chi phí nhân công hay chi phí nhà máy cũ và kết hợp chặt chẽ tổng chi và rủi ro của các chuỗi cung cấp quốc tế mở rộng. Điều này dễ dàng làm được với sự trợ giúp của Reshoring Initiative, với các trang web bao gồm những công cụ phân tích giúp các công ty tính toán toàn bộ rủi ro và chi phí sử dụng nguồn lực từ nước khác. Nó được gọi là tổng chi phí ước tính sở hữu. Việc này không đòi hỏi phải thuê chuyên gia tư vấn giá cao vì nó hoàn toàn miễn phí.

Theo lý thuyết, có 25 câu hỏi cần đặt ra và tính toán khi ước tính tổng chi phí nhưng hầu hết các công ty có xu hướng quyết định nguồn lực của họ dựa vào tỉ giá lương hoặc giá công việc cũ hoặc chi phí đất đai và loại bỏ 20 trong tổng số 25 câu hỏi đó.

Thường thì các doanh nghiệp nhận thấy chi phí gia công nước ngoài có lẽ rẻ hơn 30% so với giá cả ở Mỹ nhưng những chi phí còn lại khi cộng vào cũng lên tới hơn 30%. Nếu họ quyết tâm nhận ra tất cả thì họ sẽ thấy lợi nhuận tại Mỹ mà quay trở về gia công trong nước. Ví dụ, trung bình, giá ở Mỹ cao hơn 69% so với giá sản xuất ở Trung Quốc nhưng tổng chi phí ước tính sở hữu ở Mỹ thấp hơn 4%. Điều này cho thấy một phần đáng kể của gia công nước ngoài sẽ quay trở lại nếu chúng ta sử dụng cách tính toán đúng đắn

2. Đánh giá xem liệu những quyết định gia công nước ngoài có ý nghĩa hay không?

Những sự cố của Boeing đã được nhìn ra một thời gian. Tháng 8/2011, có một bài viết đã chú ý tới diễn biến gia công tại nước ngoài đầy nguy hiểm mà Boeing đang tham gia vào.

Tháng 12/2012, theo bài viết của Jonathan Salem Baskin, công ty đã bị thuyết phục bởi một hay vài doanh nghiệp cố vấn quản lý để gia công tại nước ngoài và sản xuất các phần hợp thành của Boeing 787. Đây thực sự là một ý kiến vô nghĩa bởi đây không phải là những sản phẩm đơn giản mà là những chiếc máy phức tạp nhất có nguy cơ rủi ro tiềm tàng rất cao.
 
Boeing đã nghĩ gì khi họ chọn việc toàn bộ sản xuất là gia công tại nước ngoài? Sai lầm của công ty nằm trong việc sử dụng các biện pháp sai lệch về tác động của gia công tại nước ngoài vào thu nhập. Nhiều công ty muốn sản xuất tại nước ngoài đã không thực sự làm các bước tính toán đầy đủ. Có đến 60% các quyết định gia công tại nước ngoài chỉ tính toán chi phí thô sơ, có thể chỉ cần giá cả hoặc chi phí lao động chứ không phải là chi phí tổng thể.

Đối với nhiều công ty, có lẽ họ nên xem xét lại phương pháp sản xuất này và cân nhắc thêm.

3. Không giao các thành phần quan trọng cho nước ngoài

Boeing đã nhận ra và thừa nhận vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ họ thuê gia công nước ngoài không chỉ trong khâu sản xuất mà còn ở khâu thiết kế kỹ thuật. Có quá nhiều công ty tham gia vào thiết kế vì vậy mà nó đã không hề khớp với nhau. Nếu Boeing chịu hoàn toàn trách nhiệm cho vấn đề kỹ thuật thì các rắc rối của họ đã bớt trầm trọng hơn rất nhiều. 

Ví dụ như một chiếc iPhone không hề phức tạp để sản xuất, nên những rủi ro là không cao. Apple đã thành công với việc gia công tại nước ngoài hầu như hoàn toàn tại Foxconn, chủ yếu bởi vì sản phẩm sản xuất đầu tiên được làm tại Mỹ. Họ chắc chắn nguyên mẫu của mình chuẩn xác trong khi Foxconn làm việc song song với họ. Apple hoàn thành xong sản phẩm và nói với Foxconn hãy làm y hệt như thế. Việc đó của Apple đã đạt hiệu quả cao vì họ có khả năng làm ra vật mẫu hoàn hảo tại Mỹ rồi mới đưa đi gia công các sản phẩm tại Foxconn. Hầu hết các công ty thì không làm như vậy.

Vì Boeing không hoàn thành sản phẩm trọn vẹn nên rủi ro lớn là mọi thứ sẽ không khớp với nhau. Xu hướng này xảy ra với các công ty cố gắng thiết kế một nơi và sản xuất một nẻo.

4. Mang việc sản xuất quay lại

Khi tổng chi phí được tính đầy đủ, có khoảng 25% việc sản xuất hiện giờ đang được gia công ở nước ngoài có thể được mang quay lại Mỹ để tạo ra lợi nhuận nếu các ý kiến chuyên môn sản xuất còn tồn tại. 

Giá dầu đang tăng gấp ba lần so với năm 2000. Khí ga tự nhiên ở Mỹ bằng ¼ ở châu Á. Lương ở Trung Quốc cao gấp năm lần so với năm 2000 và vẫn còn tiếp tục tăng. 

Vì thế mà việc quay lại sản xuất trong nước đang dần dần xuất hiện. Apple tuyên bố sẽ vẫn sản xuất các dòng máy tính Mac ở Mỹ vào năm tới. GE đang chi hơn 800 triệu USD để tái thiết việc sản xuất các cơ sở khổng lồ. Whirlpool đang đưa việc sản xuất từ Trung Quốc về Ohio. Otis cũng mang sản xuất thang máy từ Mê-xi-cô tới South Carolina. Theo ước tính, có khoảng 50.000 việc sản xuất đã được đưa về trở lại sản xuất ở Mỹ trong ba năm qua. 

5. Đánh giá đầy đủ những rủi ro của việc gia công tại nước ngoài

Trong trường hơp của Boeing, kế hoạch thuê ngoài cho phép các công ty bán máy bay tự đưa ra mẫu thiết kế thay vì sử dụng mẫu của Boeing đã không mang lại được hiệu quả gì. Kết quả tương tự ngay cả khi Boeing phân phối các bộ phận máy kèm theo hướng dẫn sử  dụng bằng tiếng Trung, Ý, và các ngôn ngữ khác, cũng như quyết định sử dụng các nguyên liệu và công nghệ khác lạ thay vì nhựa thông thường để lắp ráp máy bay. 

Rõ ràng là các công ty sản xuất còn đánh giá thấp rủi ro của việc mở rộng các chuỗi cung ứng quốc tế. Công cụ ước tinh chi phí sở hữu (TCO Estimator) khuyến khích các công ty sản xuất cố gắng tính toán mỗi rủi ro, như vậy, họ có thể tiết kiệm được một khoản lớn khi thuê gia công tại nước ngoài. Có khá nhiều rủi ro khi tham gia sản xuất một chiếc máy bay, và Estimator cho phép các nhà sản xuất linh động với từng sản phẩm, từng thị trường, và tự đưa ra những quyết định mang tầm bao quát, tổng thể.

Các nhà máy sản xuất máy bay có thể tìm kiếm thông tin phân phối chi phí trung bình và các nguồn lực về giao thông và trang thiết bị trên trang Resourcing Initiative.

6. Đánh giá toàn diện vai trò của việc cách tân, đổi mới

Trong khi những bộ phận, chi tiết được thuê làm ngoài thường được coi là có ít giá trị và không mang lại nhiều lợi nhuận, đây lại là việc có thể mang lại những bài học rất quý báu giúp các nhà sản xuất nâng cao năng suất.

Các nhà sản xuất thường không để tâm mấy tới khoảng thời gian tái thiết kế sản phẩm của mình. Việc đổi mới thiết kế sản phẩm thật sự quan trọng và các công ty sản xuất có thể dựa vào những nguồn lực do Resourcing Initiative cung cấp để đưa ra các quyết định phù hợp.
Thiếu sự cách tân, đổi mới trong sản phẩm có thể khiến các nhà sản xuất phải chịu cái giá rất đắt. Charles Fishman cho hay, từ lâu các công ty Mỹ chỉ coi việc sản xuất là việc nhỏ, chỉ là một phần không mấy giá trị và có thể thay thế được trong công việc kinh doanh của họ. Và điều khôn ngoan mà nhiều công ty Mỹ đang dần nhận ra là khi một công ty thuê gia công tại nước ngoài để sản xuất, nó đang đánh mất cả sự nghiệp kinh doanh của mình, trích lời ông Lou Lenzi, trưởng bộ phận thiết kế GE.

7. Tiếp cận tận gốc vấn đề: tăng tối đa giá trị cổ đông

Nguyên nhân sâu xa của hầu hết những thất bại và thua lỗ là do các công ty tập trung quá mức vào việc tăng tối đa giá trị cổ đông ngắn hạn mà phá vỡ những giá trị to lớn của cổ đông dài hạn, thông qua những việc như gia công tại nước ngoài, cắt giảm chi phí thay vì đổi mới sản phẩm, hay theo đuổi các “lợi nhuận xấu” mà đánh mất thương hiệu sản phẩm. Hậu quả tất yếu dễ thấy là sự sụt giảm thảm hại của tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản và tỷ lệ hoàn vốn đầu tư mà nhiều công ty lớn tại Mỹ phải hứng chịu trong 4 thập kỷ qua, theo số liệu của Shift Index.

Sai lầm của việc gia công tại nước ngoài không đơn thuần là chỉ do một yếu tố riêng lẻ gây ra, mà nó là hậu quả của triết lý tăng giá trị cổ đông, thay vì mục đích thật sự của mọi công ty là tạo ra giá trị cho khách hàng. Do đó để phục hồi lại khả năng sản xuất của Mỹ, không chỉ đơn giản là các công ty Mỹ trực tiếp tham gia trở lại vào quá trình sản xuất, mà còn cần sự linh hoạt để đưa ra những cách tân nhanh chóng và liên tục dựa trên nhu cầu khách hàng. Thay đổi địa điểm sản xuất là chưa đủ, mà còn cần phải thay đổi cả hệ thống với một mô hình quản lý kiểu mới.

Phong Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM