Áp dụng “3 giảm 3 tăng”, nông dân lãi 19 triệu đồng/ha

27/09/2015 10:27 AM | Quản trị

Nhờ áp dụng “3 giảm 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI, nông dân đạt cả 3 tiêu chí: giảm công lao động, bớt vật tư đầu vào và cải thiện năng suất.

Nhằm thay đổi nhận thức trong việc canh tác lúa cho nông dân, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp TTKN 13 tỉnh khu vực ĐBSCL thực hiện chương trình “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” với quy mô 910 ha.

Mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI là áp dụng phương pháp gieo mạ và cấy đồng loạt với số lượng giống giảm trên 50% so với sản xuất thường. Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn hiện nay, nhờ vào chế độ quản lý nước theo phương pháp ướt - khô xen kẽ.

Ông Nguyễn Văn Hoanh (khóm Tân Chánh A, phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) nhận xét: Mô hình sản xuất lúa SRI ít bị sâu bệnh hơn, tiết kiệm được chi phí sản xuất, được bao tiêu giá cao, nên nông dân có lãi nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Kỳ (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An) cho biết, vụ lúa hè thu 2015, gia đình ông thực hiện 0,7 ha, xuống giống RVT theo phương thức sạ lan với lượng giống 70 kg, tương đương 100 kg/ha (giảm 70 kg/ha lúa giống so với trước).

Lượng phân bón sử dụng chỉ 100 kg lân Văn Điển, 110 kg urê…; so với vụ hè thu 2014, giảm được 20 kg urê. Số lần phun thuốc để trừ rầy nâu, phòng ngừa đạo ôn cổ bông… cũng giảm 2 lần phun so với vụ cùng kỳ. Sau 3 tháng xuống giống, lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, năng suất thu hoạch dự kiến đạt 4,55 tấn lúa, quy ra 6,5 tấn/ha.

Với giá bán lúa được doanh nghiệp bao tiêu thu mua ở mức 5.300 đồng/kg, gia đình ông dự kiến thu về 24,1 triệu đồng. Trừ chi phí, thu lãi 13,3 triệu đồng (tương đương 19 triệu đồng/ha).

Kết quả trên đã khiến nhiều nông dân ở các địa phương khác đến tham quan; ban đầu, họ e ngại về việc sạ thưa. Sau khi được tận mắt thấy kết quả, đến nay, hơn 90 hộ với diện tích khoảng 80 ha mong muốn tham gia chương trình.

Tại hội thảo về dự án này, nhiều đại biểu là lãnh đạo các Sở NN&PTNT, cũng như các chuyên gia đều thống nhất, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nhằm phổ biến kỹ thuật sản xuất, hiệu quả kinh tế từ dự án, dần dần loại bỏ tập quán canh tác cũ.

Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược, hoạch định lâu dài về kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho nông dân.

Theo Trần Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM