7 ngộ nhận của những người chưa bao giờ 'làm sếp' (P.1)

27/11/2014 09:30 AM | Quản trị

Nếu bạn muốn là một nhà lãnh đạo thành công, hãy học cách lãnh đạo trước khi bạn có một chức vị lãnh đạo.

Bất kỳ một tổ chức hay đơn vị nào, vị trí lãnh đạo chỉ có duy nhất nhưng luôn có rất đông những người thuộc tầm giữa cũng muốn được đóng góp, tham gia lãnh đạo cho tổ chức. Họ là không phải là những nhân viên xuất sắc nhất nhưng cũng không phải là người đứng đầu. Điểm mấu chốt họ là những người không có hoặc ít khả năng ảnh hưởng đến người khác, từ đó khiến họ mắc kẹt trong vị trí giữa của tổ chức. Theo bậc thầy ngành quản trị John C.Maxwell, họ là những người lãnh đạo cấp trung. Trong cuốn sách “The 360o Leader” (tạm dịch: Nhà lãnh đạo 360o ),  ông chỉ ra 7 ngộ nhận phổ biến của những người đang nằm ở vị trí này gồm:

1. Ngộ nhận về chức vị

“Tôi không thể lãnh đạo nếu tôi không đứng đầu.”

Theo John C.Maxwell, đây là ngộ nhận hàng đầu của hầu hết lãnh đạo cấp trung. Họ cho rằng vị trí đứng đầu tự động biến họ thành những nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, chức vị chỉ là cấp độ thấp nhất trong 5 cấp độ lãnh đạo trong một tổ chức gồm: Chức vị, sự chấp nhận, kết quả, phát triển con người và vĩ nhân. Ở cấp độ chức vị, mọi người đi theo bạn vì họ phải theo. Tầm ảnh hưởng của bạn sẽ không vượt quá giới hạn trong công việc.  Nếu bạn ở cấp độ này càng lâu, tỷ lệ xin nghỉ việc càng cao và tinh thần làm việc càng xuống thấp.

Những người ngộ nhận về chức vị không hiểu được năng lực lãnh đạo hiệu quả phát triển như thế nào. Vấn đề nằm ở sự bố trí chứ không phải vị trí, khả năng gây ảnh hưởng tới người khác là vấn đề nằm ngoài chức vị.  Khi hiểu được điều này, các nhà lãnh đạo cấp trung sẽ có thể tìm ra phương hướng cho chính mình nhằm tạo ra ảnh hưởng lớn lao tới tổ chức từ bất kỳ vị trí nào.

2. Ngộ nhận về mục tiêu

“Khi nào trở thành lãnh đạo, tôi sẽ học cách lãnh đạo.”

Trong bất kỳ môn thể thao nào, ví dụ như marathon, sẽ không ai có thể dành chiến thẳng nếu đến ngày thi đấu mới lần đầu tiên đứng trước vạch xuất phát. Tất cả những vận động viên đều trải qua quá trình khổ luyện bền bỉ để cho một giải đấu chính thức. Vai trò lãnh đạo cũng giống như vậy. Nếu bạn muốn thành công, bạn cần học nghệ thuật lãnh đạo càng nhiều càng tốt trước khi có chức vị lãnh đạo.

Người ta học được nghệ thuật lãnh đạo ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Bạn hãy lãnh đạo thật tốt dù ở bất kỳ vị trí nào vì đây chính là sự chuẩn bị cho việc nhận trách nhiệm nhiều hơn và nặng nề hơn. Nếu bạn không thử nghiệm các kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng ra quyết định của mình ngay khi chưa gặp nhiều khó khăn, thì bạn sẽ rất dễ gặp khó khăn khi cở vị trí cao hơn. Khi đó cái giá phải trả cho sai lầm rất đắt, hậu quả lớn hơn, và số người biết đến thất bại của bạn cũng rất lớn. Bạn có thể dễ dàng khắc phục những sai lầm ở quy mô nhỏ nhưng khi ở vị trí đứng đầu thì sai lầm của bạn sẽ gây tổn thất nặng nề cho tổ chức và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của mình.

Do đó nếu bạn muốn là một nhà lãnh đạo thành công, hãy học cách lãnh đạo trước khi bạn có một chức vị lãnh đạo.

3. Ngộ nhận về tầm ảnh hưởng

“Nếu tôi đứng đầu, mọi người sẽ đi theo tôi.”

Nhiều người trong chúng ta đặc biệt là những người không có kinh nghiệm lãnh đạo có khuynh hướng đánh giá cao tầm quan trọng của chức danh lãnh đạo. Từ đó ngộ nhận về tầm ảnh hưởng của họ đến người khác sẽ gia tăng khi được giữ một vị trí lớn. Họ thường nhầm tưởng rằng khi được trao một chức vị lớn họ sẽ thành người có tầm ảnh hưởng, nhưng thực chất lại là điều ngược lại: Những vị trí này cần một người có tầm ảnh hưởng.

Bạn có thể ban cho ai đó một chức vụ, nhưng bạn không thể ban cho người đó vai trò lãnh đạo thật sự.  Tầm ảnh hưởng phải được gây dựng, hãy nhớ rằng chức vụ không tạo ra lãnh đạo nhưng lãnh đạo tạo ra chức vụ.

>> Đừng chỉ ngưỡng mộ, hãy học 5 điều sau từ Bill Gates

Thảo Nguyên

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM