7 bài học kinh doanh từ bộ phim Ma cà rồng 'True Blood'

31/10/2011 14:24 PM | Quản trị

Nếu bạn điều hành DN giống như các nhà sản xuất True Blood - bộ phim hư cấu về ma cà rồng đặc sắc, điều hành thị trấn Bon Temps, có lẽ công ty của bạn sẽ thành “ma” trước khi mặt trời lặn.

True Blood, bộ phim truyền hình về ma cà rồng vừa hài hước, kinh dị pha lẫn hành động và lãng mạn rất thành công của HBO đã đi đến tập cuối cùng của phần 4. Tuy nhiên, bộ phim vẫn chưa hề kết thúc mà sẽ còn đi tiếp phần 5.

Mặc dù một câu truyện hư cấu về ma cà rồng đặc sắc thường hấp có sức hút mãnh liệt với tất cả mọi người, nhưng các fan trung thành của True Blood cảm thấy như bộ phim này đang có nguy cơ “bị nhàm”. Họ cho rằng True Blood đã đạt đến đỉnh cao và không thể hy vọng sẽ hay hơn được nữa, có chăng chỉ là lặp lại những trò cũ chẳng ăn nhập và kéo dài lòng thòng từ nhân vật này sang nhân vật khác.

Nếu bạn điều hành doanh nghiệp của mình giống như các nhà sản xuất bộ phim True Blood điều hành thị trấn Bon Temps, có lẽ công ty của bạn sẽ thành “ma” trước khi mặt trời lặn. Để không “chết chìm” trong True Blood của mình, bạn hãy thử áp dụng 7 nguyên tắc cơ bản sau nhé.

1. Đừng để sự hỗn loạn ngự trị nơi làm việc

Tâm điểm của True Blood là quán ăn Bar and Grill của Merlotte, nơi tập trung những bồi bàn bất mãn, những đầu bếp bị bóc lột thậm tệ và những bồi rượu chua chát.

Bồi bàn của quán thường xuyên bỏ việc hoặc nghỉ không lý do, nhân viên thì cãi nhau trước mặt khách hàng. Nhìn chung, sự quản lý kém của người chủ quán (Sam Merlotte) đã khiến quán ăn trở thành một mớ bòng bong hơn là một nơi làm việc nghiêm túc. Cả nhân viên lẫn người chủ, chẳng ai có trách nhiệm với công việc của mình.



Là một chủ doanh nghiệp nhỏ, bạn không nhất thiết phải điều hành bằng “nắm đấm thép”, nhưng ít nhất, bạn cũng phải có những nguyên tắc cơ bản về trách nhiệm của nhân viên, phương pháp tính toán minh bạch và đảm bảo an toàn lao động dù bạn chỉ kinh doanh một quán ăn nhỏ ven đường, một cửa hàng kín đáo hay một hộp đêm phục vụ ma cà rồng và những người yêu quý họ.

Ở quán Merlotte, bia có thể rẻ thật đấy nhưng điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà mọi thứ đều chỉ là sự thất bại thảm hại.
 
2. Đừng tham lam quá – Ít có khi lại hơn

Thế giới của True Blood lúc đầu chỉ có vài ba chàng và nàng ma cà rồng ở chỗ này chỗ kia nhưng chẳng mấy chốc thì từ ma cà rồng lại đẻ ra người biến hình, từ người biến hình đẻ ra người sói, từ người sói đẻ ra thần tiên, từ thần tiên đẻ ra… gì nữa thì có trời mới biết. Người xem chưa “tiêu hóa” xong một “sinh vật” thì lại bị tống thêm cả một “bộ tộc” mới dù rằng chỗ chứa chỉ là một cái thị trấn nhỏ tí xíu.



Có thể trong kinh doanh và trong cuộc sống, thay đổi đôi khi cũng tốt. Nhưng thay đổi nhanh quá, nhanh đến mức bạn không kịp điều chỉnh để đương đầu với mỗi thách thức mới thì lại gây tai họa. Vì thế, bạn hãy làm mọi thứ từ từ thôi và chỉ khuếch trương, mở rộng khi thấy mình đã sẵn sàng. Nếu cố làm quá nhiều thứ và quá nhanh sẽ thành ra ôm đồm và bạn sẽ không thể tận tâm, tận lực thực hiện hết công việc của mình. Làm thêm cái này, cái kia …, gánh nặng quá lớn của khát vọng đến một lúc nào đó có thể khiến bạn ngã quỵ. Vì thế, khi bạn bắt đầu với ma cà rồng thì hãy cứ tập trung vào ma cà rồng đã.

3. Đừng để bị “trật bánh” vì những ý tưởng không đâu

Người xem phải nhíu mày trong phần mới đây nhất của bộ phim vì câu chuyện về đứa con của Arlene, về mối quan hệ sóng gió giữa người sói Alcide với một nhân vật nữ tên gì đó và về vô số tình tiết vòng vo khác. Sa lầy trong mớ chuyện nhạt nhẽo đó khiến bộ phim không còn tập trung vào những nhân vật khán giả quan tâm nhất là Sookie, Bill, Eric, Tara, Lafayette, và Jason.


Bạn hãy bám chặt lấy nền tảng làm nên thành công cho doanh nghiệp nhỏ của mình. Tất nhiên, khai thác thị trường mới và cơ hội mới là điều rất nên làm, nhưng đừng trút vào đầu khán giả (khách hàng) của mình một đống những chào hàng chẳng tương xứng chỉ để nói rằng bạn có thể làm được cả những thứ đó.

Đừng sợ phải bám vào thứ mà bạn kinh doanh tốt nhất. Hãy nhớ rằng, chính nhờ thứ đó mà mọi người chú ý đến bạn.

4. Đừng chào khách những món hàng rẻ mạt

Tên bộ phim (True Blood dịch là máu thật) bắt nguồn từ một sản phẩm máu tổng hợp mà ma cà rồng uống để làm dịu bớt cơn khát máu thật của họ (giờ có hẳn một thứ đồ uống mang tên như thế trên thị trường). Nhưng ai trong chúng ta cũng biết rằng chẳng có gì tốt bằng đồ thứ thiệt.



Khi khách hàng muốn mua đồ rẻ, họ có thể đến Walmart. Nếu họ đến với bạn, nhiều khả năng là họ thuộc nhóm khách hàng coi trọng chất lượng – có thể là sản phẩm chất lượng, dịch vụ chất lượng hay một trải nghiệm chất lượng.

Khi khách hàng muốn thứ tốt nhất ở doanh nghiệp bạn, bạn hãy đảm bảo rằng mình có thể cung cấp nó cho họ.

5. Đừng để cung cách quản lý vi mô bóp nghẹt doanh nghiệp

Bề ngoài thì đầy uy lực và hoàn toàn độc lập nhưng bên trong, tất cả các ma cà rồng (Bill, Eric, Pam) đều phải cúi đầu trước Nữ hoàng Louisiana và Vua Mississippi độc tài, chuyên chế. Nếu những ma cà rồng quản lý cấp trung này được thực hiện công việc của mình mà không phải tuân thủ mệnh lệnh hay quan sát động thái của ai thì cuộc đời sẽ dễ dàng biết bao.


Liệu bạn và doanh nghiệp bạn có bị cung cách quản lý vi mô chi phối quá mức cần thiết hoạt động của mình? (Gợi ý: Hãy nhìn vào gương xem, việc này ma cà rồng không thể làm được nhé). Có phải bạn đang bóp nghẹt nhân viên vì lối quản lý quá độc đoán của mình?

Thực tế là doanh nghiệp nhỏ của bạn sẽ hoạt động khả dĩ hơn nếu bạn đối xử với nhân viên tử tế, trao quyền cho họ và để họ tự ra quyết định. Khi ấy, bạn hãy lùi lại phía sau.

6. Đừng giả vờ… trừ khi bạn đã điêu luyện với việc đó

"Suuuh-kee!" – chàng ma cà rồng Bill Compton (do nam diễn viên người Anh Stephen Moyer thủ vai) kéo dài giọng như một quý ông miền Nam để gọi cô bạn gái Sookie Stackhouse. "Beeeeell!" – Sookie (do nữ diễn viên sinh ra ở Canađa, lớn lên ở Niu Dilân Anna Paquin đóng) đáp lại người yêu bằng giọng mũi của dân lao động miền Nam.



Nếu xem phim, khán giả sẽ chẳng thấy tình tiết này là vô lý. Tình huống này được các nhà bình luận phim gọi là “suspension of disbelief” – tức là khi người xem đã bị cuốn vào câu truyện hư cấu nào đó, họ có thể sẵn sàng chấp nhận những tình tiết không bao giờ xảy ra ở ngoài đời thực.

Đôi khi, để cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn hơn, doanh nghiệp nhỏ phải “giả đò” một chút, nhất là khi mới ra đời. Nhưng khi một khi đã hứa thực hiện gì, thì doanh nghiệp nhỏ phải thực hiện bằng được, đừng lừa dối hay gây nhiễu loạn thông tin cho khách hàng. Nếu không thực hiện được, phải rất thành thật. Uy tín của bạn và doanh nghiệp là thứ tài sản quý giá nhất trong mọi thứ tài sản. Tất nhiên, có những người rất giỏi “tay không bắt giặc”, lúc nào cũng tỏ ra tự tin khi nói chuyện với khách hàng – ngày cả khi mọi chuyện không được tốt đẹp cho lắm. Nếu bạn làm phát huy được kỹ năng này, bạn sẽ càng có thêm sức mạnh.

7. Đừng ngại thay đổi câu chuyện

Trong nguyên tác Những bí ẩn ma cà rồng miền Nam của tác giả Charlaine Harris có nhiều tình tiết không được đưa vào phim. Chẳng hạn Lafayette bị tiêu diệt ngay từ đầu (thật may là điều này không xảy ra trong phim) còn Tara và Sam thì không hề gặp và yêu nhau.



Những thay đổi về nội dung ấy chẳng phải tự nhiên mà có. Để làm câu chuyện trở nên hay hơn, đôi khi cũng cần phải “bẻ nghéo” một số tình tiết. Và không cứ gì là ma cà rồng mới cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Nếu “cốt truyện” mà bạn viết cho doanh nghiệp của mình (kế hoạch kinh doanh) không còn có tác dụng, đừng ngại đổi mới nó. Thử nghĩ xem doanh nghiệp của bạn có phải đang lung lay vì những thay đổi trên thị trường không. Hay có phải bạn nghe được một câu chuyện khác từ phía khách hàng về điều mà họ muốn. Nếu đúng vậy, đừng lo lắng, hãy viết lại câu chuyện của doanh nghiệp mình như thực tế đòi hỏi phải thế. Bạn là tác giả cơ mà.

Theo TTVN / Học làm giàu / Allbusiness

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM