5 sai lầm thường mắc phải trên đường công danh

25/07/2014 10:00 AM | Quản trị

Nhiều người trong chúng ta định vị sự nghiệp giống như chèo thuyền lướt trên mặt hồ, chứ không phải hướng mắt ra phía xa đại dương. Nhưng chính suy nghĩ ấy có thể khiến bạn phải hối hận sau 10 năm nhìn lại.

Chúng ta vẫn tập trung vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, chiến đấu để được thăng tiến hay vượt qua một đồng nghiệp khác... và bỏ quên những việc (bị cho là) lặt vặt. Tuy nhiên, những việc cỏn con ấy lại có sức ảnh hưởng lớn đến quỹ đạo sự nghiệp của bạn.

Nếu bỏ lơ chúng, bạn có nhiều nguy cơ không đến được "bến bờ" mơ ước và thậm chí bị "lật thuyền" chỉ vì một mảnh "san hô" bất ngờ. 

Dưới đây là 5 sai lầm nghề nghiệp có thể đẩy con đường công danh của bạn xuống vực:

1. Chỉ tạo mối quan hệ trong công ty

Hầu hết mọi người đều nhận thức được giá trị của việc tạo mạng lưới quan hệ. Dù vậy, nó không chỉ dừng lại ở một cái bắt tay hay tham dự nhiều sự kiện và trao đổi namecard, mà là thực sự xây dựng những mối quan hệ đó. Lời khuyên là hãy mở rộng giới hạn của bản thân để đón nhận những quan điểm, ý kiến mới của người khác.

Xây dựng được nhiều mối quan hệ có thể hỗ trợ cho công việc hàng ngày của bạn dễ dàng và hiệu quả hơn.

Nhưng nhiều người chỉ giới hạn các hoạt động xây dựng quan hệ trong phạm vi công ty của mình. Văn hóa có thể rất khác biệt và chỉ những người từng làm ở nhiều công ty mới hiểu được. 

Để bản thân có thể đề xuất ra những ý tưởng và quan điểm độc đáo, bạn cần vượt qua ranh giới văn hóa của chính mình và những đồng nghiệp mà bạn vẫn thường cộng tác nhiều nhất.

Đến một lúc nào đó, bạn sẽ ngạc nhiên vì những mối quan hệ chuyên nghiệp mang có tầm ảnh hưởng mà bạn đã xây dựng được bên ngoài công ty sẽ giúp bạn vượt qua khoảng thời gian khó khăn. Có thể không dễ dàng gì nhưng việc đầu tư vào các mối quan hệ bên ngoài này sẽ vô cùng đáng giá.

2. Ra quyết định dựa trên tiền bạc

Các nhà kinh tế sẽ nói rằng không cần biết chúng ta có bao nhiêu tiền, chúng ta chỉ muốn có thếm ít nhất 20% số đó nữa. Rất khó để chúng ta phớt lờ đi một lời đề bạt, một khoản tăng lương, thậm chí là lời mời làm việc từ một công ty khác với mức thu nhập hấp dẫn hơn hẳn. 

Nhưng theo thời gian trong sự nghiệp, bạn sẽ phải trả giá cho những tác động của những quyết định đó.

Hãy chọn con đường cho bạn những kinh nghiệm giá trị, phát triển được các mối quan hệ quan trọng và cho phép bạn học nhanh nhất, bất kể thu nhập ra sao. Việc đề cao kinh nghiệm hơn thu nhập sẽ giúp bạn có được thu nhập cao hơn đáng kể trên đường dài.

3. Nói không với thất bại

Trong suốt sự nghiệp, bạn sẽ phải thường xuyên đứng giữa 2 lựa chọn, với 1 con đường có vẻ nhiều rủi ro hơn. 

Nhiều người đang thể hiện hiệu suất làm việc khá cao thường cảm thấy thất vọng khi bị đặt vào những vị thế không chắc chắn - nơi những người đi trước đã từng thất bại và thành công chỉ là “cửa” hẹp. Nhưng những nhà điều hành muốn giao việc khó cho các nhân viên tiềm năng là đều có lý do.

Tình huống khó khăn sẽ dẫn đến tăng trưởng vượt trội - đó không chỉ là bài học riêng trong kinh doanh và lãnh đạo mà còn hữu ích cho bản thân bạn.

Thành công lâu dài không chỉ dựa trên việc thu nhận được nhiều kinh nghiệm kết hợp, mà còn phụ thuộc vào cách đón nhận và xử lý những nhiệm vụ cần tận dụng sức mạnh và đam mê mà chỉ bạn mới có. Thông thường, những tình huống khó nhất lại là cơ hội để cá nhân phát triển mạnh mẽ nhất.

4. Mua nhà

Đúng! Chuyện mua nhà quá sớm có thể tổn hại đến sự nghiệp của bạn. Công ty đánh giá cao khả năng di động của nhân viên. Họ muốn đề bạt nhân viên tiềm năng có kinh nghiệm sâu rộng. Thậm chí ở cấp giám đốc điều hành, ban quản trị luôn tìm kiếm các ứng viên từng kinh qua nhiều vị trí, nhiều bộ phận trong cùng một công ty.

Mua nhà đồng nghĩa với việc bạn "khóa" mình vào một nơi nhất định. Tất nhiên, bạn có thể nghĩ rằng nếu cơ hội tốt "gõ cửa", bạn sẵn sàng bán nhà. 

Các công ty ngày nay không có nhiều khả năng trả chi phí di chuyển quá nhiều. Những khó khăn và chi phí liên quan đến việc di chuyển/tái ổn định chỗ ở có thể sẽ cản trở cơ hội quý giá đến với bạn.

5. Bỏ lỡ những cơ hội giúp đỡ người khác

Khi bạn làm một điều gì đó có giá trị với công ty hay với người khác, bạn sẽ luôn luôn nhận được sự phúc đáp hợp lý, và hầu hết là không phải ngay lập tức. Đây là một thực tế trong vòng đời sự nghiệp chuyên nghiệp, nhưng không phải ai cũng biết.

Thành công đường dài đòi hỏi bạn phải nhận được cơ sở hỗ trợ từ đồng nghiệp trên từng giai đoạn của sự nghiệp. Nếu bạn nìn thấy cơ hội có thể thực sự giúp đỡ một ai khác, hãy dành thời gian tận tâm giúp đỡ và đừng chờ đợi "lại quả". 

Có thể sau này khi bạn không ngờ tới, họ - những người nhận được sự giúp đỡ của bạn - sẽ đem lại giá trị lớn cho đường công danh của bạn.

Những sai lầm trên thường "lởn vởn" quanh bạn mà đôi khi bạn không nhận thức được chúng đang tồn tại. Giao lưu rộng rãi, học hỏi kinh nghiệm, tạm quên thu nhập, nắm lấy thách thức, luôn linh động và sẵn sàng giúp đỡ người khác - hãy tự thiết lập quan điểm nhìn xa trông rộng ra biển lớn, hơn là chỉ loanh quanh trên mặt hồ hạn hẹp.

Và bạn sẽ không phải trả giá cho những sai lầm đã mắc phải trong sự nghiệp cách nay 10 năm.

>> Theo đuổi tiền bạc, địa vị, danh vọng khiến con người không hạnh phúc

Theo Minh Đăng

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM