225 tỷ đồng bốc hơi trong vụ truy thu thuế cười ra nước mắt

18/10/2013 16:18 PM | Quản trị

Khôn ngoan không lại với giời.

Nội dung nổi bật:

- Nhựa Bình Minh (BMP) bị truy thu thuế và phạt 117 tỷ đồng. Giá trị công ty bốc hơi 225 tỷ đồng ngay trong phiên. Đại diện công ty cho biết sẽ khiếu nại.

- Lý do là Cục thuế Tp.HCM không công nhận ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do niêm yết cổ phiếu lần đầu vào năm 2006 của BMP.

- Đây chỉ là "ưu đãi tạm" vì chưa được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Nói cách khác, cơ quan quản lý có thể rút lại bất kỳ lúc nào.

- Khi bàn giải quyết hậu quả, các bên trong cơ quan công quyền thống nhất "đã cho rồi thì thôi", dù sao cũng là khuyến khích TTCK phát triển trong giai đoạn sơ khai, nhưng chỉ "cho" trong giai đoạn từ 2008 trở về trước.

- Nhựa Bình Minh bắt đầu kê khai xin hưởng ưu đãi từ 2009.


Sáng nay, cổ phiếu CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) giảm sàn sau thông tin công ty này bị truy thu thuế và phạt hành chính hơn 117 tỷ đồng. Cổ đông BMP còn mất gấp đôi số tiền trên khi giá trị Nhựa Bình Minh lập tức bốc hơi hơn 225 tỷ đồng chỉ trong một ngày.

Phó Tổng giám đốc kiêm người công bố thông tin của Nhựa Bình Minh, bà Nguyễn Thị Kim Yến, ngay lập tức kêu oan. “Điều này là rất vô lý”, bà Yến nói. Bà cho biết thêm công ty mình đã gửi công văn tới Cục thuế Tp.HCM xin tạm hoãn nộp số tiền thuế và tiền phạt kể trên cho đến khi khiếu kiện xong.

Vậy, chiểu theo luật, ai đúng? Trước tiên, cùng xem xét vì sao Nhựa Bình Minh cho rằng mình được ưu đãi thuế đã.

Khôn ngoan …

Nhựa Bình Minh nghĩ mình được giảm 50% thuế TNDN trong hai năm 2009 và 2010. Lý do: đây là ưu đãi cho các công ty niêm yết cổ phiếu lần đầu trong giai đoạn 2004-2006 theo Công văn số 11924/TC-CST do Bộ Tài chính ban hành năm 2004. Vì niêm yết năm 2006, nên Nhựa Bình Minh sẽ có thêm quyền được giảm một nửa thuế suất trong hai năm 2007 và 2008.

Ở thời điểm đó, công ty có hai lựa chọn. Một là kết hợp với một ưu đãi giảm thuế sẵn có thành miễn thuế trong hai năm 2007 và 2008. Hai là đẩy lùi ưu đãi giảm thuế do niêm yết lần đầu tới sau khi loại ưu đãi thuế sẵn có hết hiệu lực, tức là thành bốn năm giảm thuế từ 2007 đến 2010. Phải nói ngay rằng, dù cả hai cách làm này đều là do Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng nó lại trái với quy định trong Luật thuế TNDN 2003 là doanh nghiệp chỉ được hưởng ưu đãi cao nhất (các ưu đãi còn lại coi như mất).

Với một công ty đang có lợi nhuận tăng trưởng phi mã như BMP, nếu họ có chọn cách thứ hai, tức giảm thuế trong bốn năm từ 2007 đến 2010, cũng là điều hợp lý. Đây thực tế là bước đi có tầm nhìn, vì sau này lợi nhuận hai năm 2009 và 2010 của BMP cao gấp gần 3 lần hai năm trước đó.

Tuy vậy, khi tiến hành thanh tra, Cục thuế Tp.HCM không đồng ý với cách làm này và yêu cầu BMP nộp toàn bộ thuế TNDN cho hai năm 2009, 2010.

… không lại với giời

Trong vụ việc này, người viết cho rằng khả năng khiếu kiện thành công để hủy quyết định truy thu thuế của Cục thuế Tp.HCM là rất thấp. Lý do rất đơn giản: Cục thuế làm thế là đúng hướng dẫn của các cấp cao hơn cả Bộ và Tổng cục (Thuế).

Xem thêm: Phân tích kỹ hơn của người viết về vụ việc tương tự tại Sông Đà 9.09

Nếu đọc kỹ CV 11924, sẽ thấy ưu đãi giảm thuế do niêm yết lần đầu chỉ là “tạm ưu đãi”, tức là sau này nếu cơ quan thuế có “nghĩ lại”, thì doanh nghiệp vui lòng trả lại ngân sách số thuế đã được “tạm ưu đãi”. Quan trọng hơn, cái “ưu đãi tạm” này chưa bao giờ được Quốc hội (hoặc ít nhất là Ủy ban thường vụ Quốc hội) thông qua: văn bản số 11924 chỉ là một công văn cấp Bộ!

Do đó, đằng thẳng ra mà nói, tất cả các doanh nghiệp đã được ưu đãi do niêm yết cổ phiếu đều phải bị truy thu. Tuy vậy, truy thu thuế cùng lúc hàng trăm doanh nghiệp là điều bất khả. Hơn nữa, ưu đãi này cũng khá hợp lý trong giai đoạn TTCK còn sơ khai. 

Vì thế, các bên có liên quan trong bộ máy công quyền đã ngồi lại và cùng thống nhất một phương án trung dung, đó là vẫn chấp nhận ưu đãi thuế hai năm kể từ khi niêm yết, thậm chí còn cho kết hợp với ưu đãi giảm thuế khác (nếu có) thành ưu đãi miễn thuế, nhưng phải áp dụng ngay trong hai năm sau khi niêm yết. Nói nôm na là phải dùng luôn ưu đãi giảm thuế do niêm yết trong hai năm 2007-2008 (nếu niêm yết năm 2006), không được kéo sang 2009-2010.

Hướng giải quyết này thể hiện trong kết luận tại Thông báo số 318/TB-VPCP do Văn phòng Chính phủ ban hành vào năm 2008. Các công văn hướng dẫn sau này của Bộ Tài chính và Tổng cục thuế, trong đó có Công văn 2924/TCT-PC mà nhiều doanh nghiệp bất bình nhất, đều tuân thủ đúng theo tinh thần trong thông báo của Văn phòng chính phủ.

Trở lại trường hợp BMP, nếu họ làm theo cách thứ nhất (tức kết hợp hai miễn thành một giảm cho hai năm 2007-2008), thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra (vẫn sai luật, nhưng may mắn lách được qua khe cửa hẹp). Tiếc là họ lại làm theo cách thứ hai (tức chọn hưởng bốn năm giảm thuế 2007-2010), nên mới bị truy thu.

Câu chuyện pháp lý đằng sau quyết định truy thu của Cục thuế Tp.HCM là như vậy. Muốn làm khác đi, hoặc Cục thuế Tp.HCM phải “làm trái chỉ đạo” của một cấp còn cao hơn Bộ Tài chính, hoặc là Nhựa Bình Minh phải lục lại một vụ việc sáu năm trước từng phải vất vả lắm các cơ quan có liên quan mới thống nhất được cách xử lý. Xem ra, cả hai cách đều khó cả.

Xem thêm: Nhựa Bình Minh có thoát được 42 tỷ đồng phạt vi phạm hành chính?

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM