2015: Muốn thành công phải biết bắt chước

17/03/2015 11:43 AM | Quản trị

Bắt chước luôn là điều cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của tất cả các loài để tiến hóa. Điều này cũng đúng trong thế giới kinh doanh.

Nội dung nổi bật:

- Từ xa xưa bắt chước được xem như một hành động đáng khinh bỉ nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử thì hầu hết những phát minh có giá trị và ảnh hưởng đều là những ý tưởng bị sao chép lại nhưng được thực hiện cải tiến.

- Bắt chước luôn là điều cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của tất cả các loài để tiến hóa. Điều này cũng đúng trong thế giới kinh doanh.

- Để trở thành một công ty biết cách bắt chước, bạn phải xây dựng văn hóa công ty tôn trọng sự bắt chước cũng nhiều như tôn trọng sự sáng tạo.


Khi trả lời phỏng vấn năm 1994, Steve Jobs đã tạo ra tranh cãi khi nói rằng: “Picasso từng nói: -Nghệ sĩ giỏi thì sao chép, nghệ sĩ xuất chúng thì đánh cắp - và chúng tôi luôn không cảm thấy xấu hổ khi đánh cắp những ý tưởng vĩ đại.” Có thể mọi người sẽ cảm thấy kì lạ tại sao một người được cho là cha đẻ của rất nhiều phát minh và sản phẩm làm thay đổi thế giới lại có thể phát biểu như vậy. Nhưng khoan hãy đánh giá về tư cách đạo đức của ông mà hãy nhìn vào bản chất của việc sao chép hay bắt chước.

Từ xa xưa bắt chước được xem như một hành động đáng khinh bỉ nhưng xuyên suốt chiều dài lịch sử thì hầu hết những phát minh có giá trị và ảnh hưởng đều là những ý tưởng bị sao chép lại nhưng được thực hiện cải tiến:

Trước khi Joseph Swan và Thomas Edison chính thức được công nhận là người phát minh ra bóng đèn sợi đốt, đã có 22 nhà phát minh ra loại đèn này. Đèn của Edison hơn các phiên bản khác do kết hợp ba yếu tố: vật liệu đốt hiệu quả hơn, độ chân không trong bóng đèn cao hơn các phiên bản khác (bằng cách sử dụng bơm Sprengel) và điện trở cao hơn khiến việc phân phối điện từ một nguồn trung tâm có thể thực hiện được một cách kinh tế.

Hãng Boeing thấy De Havilland Comet (mẫu máy bay phản lực dân dụng đầu tiên) tại triển lãm hàng không Farnborough năm 1950 và nhận ra tương lai của hàng không dân dụng sẽ là động cơ phản lực. Năm 1958, Boeing trình làng mẫu máy bay Boeing 707 để cạnh tranh và phát triển thành một trong những hãng máy bay tốt nhất thế giới cho đến ngày nay, trong khi đó hãng De Havilland giải thể năm 1964.

Mạng xã hội âm nhạc SoundCloud đình đám hiện tại cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ Imeem ngày xưa hay Mark Zuckerberg cũng bị anh em nhà Winklevoss kiện đánh cắp ý tưởng xây dựng nên Facebook. Và gần hơn là tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng bắt đầu bắt chước bầu Đức trong việc đầu tư vào nông nghiệp.

Bắt chước luôn là điều cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của tất cả các loài để tiến hóa. Điều này cũng đúng trong thế giới kinh doanh. Để tiến lên phía trước, cần xây dựng khả năng bắt chước của bạn tại cùng thời điểm bạn phát triển năng lực đổi mới. Bắt chước không phải là sự sao chép rập khuôn mà là lựa chọn những gì tốt đẹp có sẵn, dùng nó làm nền tảng cho ý tưởng mới, sản phẩm mới. Những người bắt chước luôn tìm tòi những ý tưởng mới lạ, những kiến thức vừa được phát hiện mà ít người biết tới hoặc khó phổ biến. Họ biến đổi những ý tưởng đó thành những sản phẩm thực tế hữu ích với giá thành rẻ hơn và tốt hơn.

Để trở thành một công ty biết cách bắt chước, bạn phải xây dựng văn hóa công ty tôn trọng sự bắt chước cũng nhiều như tôn trọng sự sáng tạo. Bạn cần những nhân viên cảm thấy thoải mái với việc áp dụng hơn là phát minh ra những ý tưởng hay khái niệm mới. Bạn cần sự khiêm tốn để thừa nhận người khác, tổ chức khác đã có những ý tưởng tốt hơn.

Đặc điểm của người Việt Nam là thường quá khích. Một là anh sao chép toàn bộ sản phẩm của nước ngoài và đem vào thị trường Việt Nam, không chịu thay đổi cho phù hợp với thị trường trong nước. Hai là anh cứ khăng khăng đâm đầu vào nghiên cứu tìm cách giải quyết một vấn đề mà không chịu nhìn ra thế giới xem đã có giải pháp chưa.

Vậy tìm kiếm sự bắt chước từ đâu? Thông thường chúng ta sẽ bắt chước những người hay công ty trong cùng ngành, có hồ sơ đẹp, có lợi nhuận tốt. Nhưng điều này sẽ giới hạn bạn ở mức độ thấp nhất. Hãy nhìn rộng hơn, tìm kiếm toàn cầu những mô hình tiềm năng có thể sao chép. Nhìn xa hơn ra khỏi môi trường, ngành nghề của bạn để tím thấy những gì người khác đang làm đáng chú ý. Và đừng bao giờ quên những công ty yếu hơn, nhỏ hơn bạn, bởi vì họ luôn tìm ra cách khôn ngoan nhất để sinh tồn trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt này.

Ý tưởng sáng tạo luôn rất thú vị nhưng nó chỉ có ý nghĩa thật sự khi tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng. Sự bắt chước cũng không là gì nếu bạn không thể khai thác nó một cách tốt nhất. Hãy chuẩn bị một kế hoạch thực hiện tốt phù hợp với cấu trúc và nguồn lực của công ty. Kết hợp mọi nguồn lực của bạn hiện có với ý tưởng vừa được bắt chước để tạo ra thành quả tốt nhất. Chúc bạn trở thành một kẻ bắt chước vĩ đại!

>> Samsung: Từ kẻ bắt chước đến người dẫn đầu xu hướng

Triệu Vân

Triệu Vân

Cùng chuyên mục
XEM