img

Ngày 16/4/2019, Apple và Qualcomm tuyên bố bắt tay hòa giải với Qualcomm, khiến giá cổ phiếu của cả hai công ty tăng vọt. Theo các thỏa thuận, Apple sẽ sử dụng chip 5G của Qualcomm để sản xuất điện thoại mới trong tương lai, thay thế cho nhà cung cấp trước đó là Intel.

Tuy nhiên sau khi tin tức này được đưa ra, công ty bị nhiều tai tiếng nhất không phải Intel mà lại là Huawei. Bởi nhiều người cho rằng Huawei sẽ bị mối quan hệ hợp tác giữa Qualcomm và Apple cho ra rìa trên lĩnh vực phát triển SoC cũng như sản xuất điện thoại di động. Giới công nghệ cũng âm thầm so sánh Huawei và Qualcomm như hai công ty đối lập.

Tuy nhiên khi nhìn lại lịch sử, ít người biết rằng Huawei có thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay trong thị trường thiết bị viễn thông và SoC (System on a Chip) , 80% công lao lại thuộc về Qualcomm.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 1.
Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 2.
Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 3.

Trong quan niệm của nhiều người, Qualcomm là một công ty nghiên cứu và phát triển chip cho điện thoại di động. Nhưng trên thực tế, nó về cơ bản là một công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ truyền thông vô tuyến. SoC cho điện thoại di động chỉ là một trong các sản phẩm thành công của Qualcomm trong công tác nghiên cứu và phát triển qua thời gian.

Khi Huawei còn chưa được định hình, bạn có thể hình dung Qualcomm giống như Huawei của ngày hôm nay. Theo Wikipedia, công ty này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực trạm gốc viễn thông mà còn từng nghiên cứu và phát triển cả điện thoại di động của riêng mình.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, khác với tâm thế muốn bành trướng quy mô của Huawei, Qualcomm là một công ty đậm chất Mỹ và chỉ thích âm thầm kiếm tiền. Do đó, Qualcomm đã bán mảng kinh doanh trạm gốc cho Ericsson, một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực viễn thông hiện nay. Sau đó vào năm 2000, mảng kinh doanh điện thoại di động tiếp tục được bán cho doanh nghiệp ít tên tuổi khác có tên Kyocera. Kể từ đó, Qualcomm bắt tay vào việc chính là nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, kiện cáo và đếm tiền.

Khi Qualcomm chưa bán trạm gốc và kinh doanh điện thoại di động, Huawei vẫn là một "doanh nghiệp nhỏ" tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Theo chia sẻ từ các nhân viên cũ của Huawei, công ty này đã từng có thỏa thuận hợp tác với Qualcomm nhưng mối quan hệ này cuối cùng đã nhanh chóng đổ bể.

Khi đó, Huawei lần đầu tiên tạo ra một thẻ dữ liệu USB dựa trên giải pháp cơ sở của Qualcomm. Tuy nhiên, khi sản phẩm này được bán trên toàn cầu, Qualcomm với việc nắm giữ bằng sáng chế cốt lõi, đã quay sang hỗ trợ một công ty công nghệ khác bởi thấy bị đe dọa về quyền lợi.

Nếu khi đó Qualcomm đưa ra các ưu đãi công bằng cho cả hai bên, bản đồ công nghệ thế giới ngày nay có thể đã phải vẽ lại. Nhưng tại thời điểm đó, để hạn chế Huawei, Qualcomm không những không cung cấp hàng kịp thời theo đơn đặt mà còn cố tình trì hoãn việc giao hàng trong khả năng có thể.

"Không thể vì một chút lợi ích mà há miệng mắc quai, bởi kết cục cuối cùng chính là cái chết" - Nhậm Chính Phi, Chủ tịch Huawei

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 5.

Do đó, khi Huawei hiểu được thực tế này, hãng dần cắt đứt các mối hợp tác về kỹ thuật với Qualcomm. Sau đó công ty lựa chọn hướng đi mới dựa trên nghiên cứu và phát triển độc lập. Vào năm 2012, khi Xiaomi 1 ra mắt, Huawei cũng tung ra cặp đôi điện thoại flagship của mình có tên Ascend P1/ P1 S. Bắt buộc sử dụng bộ xử lý tốt nhất nhưng vẫn phải tránh Qualcomm, Huawei đã chọn sử dụng chip OMAP của Texas Instruments.

Sau quãng thời gian đầu khó khăn, công ty Trung Quốc này đã kiên trì và thành công trong việc phát triển dòng chip riêng của mình. Thậm chí mới đây để đối chọi với bộ xử lý XiaoLong của Qualcomm, Huawei đã ra mắt dòng chip 5G mang tên Balong.

Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi cũng nhiều lần nhắc tới trong các bài phát biểu tại công ty rằng: "Không thể vì một chút lợi ích mà há miệng mắc quai, bởi kết cục cuối cùng chính là cái chết".

Niềm tin và quyết tâm này đã dần tạo ra văn hóa doanh nghiệp riêng của Huawei sau này, cũng như giúp đưa công ty trở thành kẻ dẫn đầu trong thị trường sản xuất thiết bị viễn thông và mới đây là vị trí thứ hai trên thị trường smartphone, cũng như nhiều lĩnh vực công nghệ khác.

Có thể nói, trong những năm khởi nghiệp đầu tiên, Huawei đã coi Qualcomm như một "tấm gương bạo lực", để từ đó học cách sinh tồn, lớn mạnh và sau này trở thành "cơn ác mộng" đối với chính đối tác ngày xưa của mình.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 6.
Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 7.

Sự khác biệt trong số phận của Qualcomm và Huawei có liên quan rất nhiều đến môi trường trưởng thành của hai công ty này, trong những năm đầu đời.

Vào ngày 1/7/1985, Qualcomm được thành lập dưới sự lãnh đạo của Irwin Jacobs. Là một công ty công nghệ cao sinh ra ở Mỹ, Qualcomm đã nhận được rất nhiều sự chú ý ngay từ khi ra mắt. Nổi bật trong số đó là vào năm 1988, do sáp nhập với Omninet, Qualcomm đã huy động thành công 3,5 triệu USD tài chính. Ngược lại, vào năm 1987, khi Huawei mới ra đời, với số vốn đăng ký ban đầu chỉ có 25.000 nhân dân tệ (khoảng 3.600 USD).

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 8.

Một năm sau khi sáp nhập, doanh thu của Qualcomm đạt 32 triệu USD. Cũng thời điểm này, Huawei, với tư cách là một nhà máy nhỏ ở Thâm Quyến, đang phải vật lộn trên bờ vực sinh tồn.  

Trên thực tế, khi bắt đầu sự nghiệp, bộ phận R&D và quản lý của Qualcomm đã đi theo một đường lối phát triển thuộc loại trưởng thành và tiên tiến nhất ở Thung lũng Silicon khi đó. Ngay cả trong tình huống thoái vốn khi bán mảng kinh doanh điện thoại di động vào năm 1998, dù phải sa thải một lượng lớn nhân viên lên tới 700 người, bộ máy quản lý lẫn tài chính của công ty vẫn rất vững vàng.

So với Qualcomm, mặc dù Huawei cũng có sự tiến bộ nhanh chóng, nhưng chỉ riêng về mặt kỹ thuật và nghiên cứu phát triển. Ở lĩnh vực quản lý, tài chính cùng nhiều bộ phận khác, công ty này gặp phải rất nhiều khó khăn. Một trong những minh chứng là vào năm 2000, Huawei lọt vào danh sách 100 công ty điện tử hàng đầu Trung Quốc. Nhưng chủ tịch Nhậm Chính Phi không tổ chức lễ kỷ niệm. Thay vào đó, ông công khai bài viết có nội dung "Mùa đông của Huawei", để cảnh báo tất cả nhân viên về cuộc khủng hoảng mà công ty đang đối mặt.

Bởi vào thời điểm đó, Huawei đang rất bối rối trong việc quản lý, khi Nhậm Chính Phi nhận thấy rằng đường lối quản lý và bộ quy tắc "Luật cơ bản ở Huawei" không thể đóng vai trò trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động từ nghiên cứu cho tới sản xuất, vận hành. Công ty lúc này phụ thuộc vào rất nhiều cá nhân nổi bật mà ông gọi là những "anh hùng kỹ thuật" hay "đội trưởng đội chữa cháy".

Để ngăn cản nguy cơ hỗn loạn trước mắt, vị chủ tịch này quyết định đưa vào áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến của Mỹ. Ông tìm đến IBM, thuê 70 chuyên gia tư vấn với mức lương khủng để về đóng quân ngay bên trong Huawei trong 5 năm, giúp công ty xây dựng hệ thống quản lý mới và sau đó chuyển giao cho đội ngũ nhân viên nội bộ. Một số báo cáo cho biết tám hệ thống quản lý mới đã tiêu tốn của công ty này tổng cộng khoảng 2 tỷ nhân dân tệ (gần 300 triệu USD). Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phần nào thể hiện tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong nội bộ của Huawei khi đó.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 9.

Trong khi đó, cũng năm 2000, Qualcomm vẫn có hơn 6.000 nhân viên với doanh thu 3,2 tỷ USD, lợi nhuận 670 triệu USD. Khi đó doanh số của Huawei ở nước ngoài chỉ đạt 100 triệu USD.

Năm 2005, người sáng lập của Qualcom là Irwin Jacobs bất ngờ lui về hậu trường, nhường quyền quản lý cho con trai Paul Jacobs. Lúc này, Huawei đang lên kế hoạch thâm nhập thị trường trạm gốc viễn thông ở châu Âu và nhận được hợp đồng đầu tiên từ tay công ty Hà Lan Telfort, năm 2004.

Thời điểm này, các nhà khai thác viễn thông châu Âu đã có giấy phép mạng 3G. Tuy nhiên thị trường vẫn đang bị chi phối bởi điện thoại di động 2G, bất chấp các giải pháp công nghệ của Qualcomm. Trong khi đó, các nhà sản xuất trạm gốc như Nokia và Ericsson lại không sẵn sàng liên doanh sản xuất điện thoại di động 3G, nên việc xây dựng trạm gốc đã bị đình trệ. Đúng lúc này, Huawei bất ngờ xuất hiện và gõ cửa. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm của các công ty châu Âu là: "Nếu muốn nhận làm thị trường trạm gốc, phải cung cấp được điện thoại di động 3G giá rẻ và dễ sử dụng".

Để có thể ký được hợp đồng, Huawei đã thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển điện thoại di động. Tuy nhiên, điện thoại Huawei có tương lai phát triển khá mù mịt bởi thị trường lúc này không chỉ có lợi nhuận thấp, rủi ro cao mà còn không có giá trị thương hiệu.

Những chiếc điện thoại di động Huawei sản xuất khi đó chỉ là sản phẩm khuyến mãi cho các dịch vụ đã tính phí trước. Hình ảnh thương hiệu xây dựng được chỉ là những thiết bị giá rẻ, dành cho các thành phố hạng bốn, hạng năm.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 10.
Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 11.

Sự khác biệt về môi trường phát triển cuối cùng được phản ánh thông qua các lựa chọn mà công ty phải đối mặt khi gặp khó khăn.

Năm 2008, sau bốn năm tiến vào thị trường trạm gốc viễn thông châu Âu, Huawei từng cân nhắc việc mô phỏng hoạt động của Qualcomm năm 1998 để bán đi mảng kinh doanh điện thoại di động. Theo các báo cáo thì tại thời điểm đó, Huawei hy vọng sẽ bán 49% cổ phần của công ty sản xuất điện thoại di động cho một "đối tác chuyên nghiệp" nào đó. Một số công ty đã mở lời như TPG, Silver Lake…

Tuy nhiên, vào ngày 14/9/2008, khi các thỏa thuận mua bán cơ bản được hoàn tất, cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ thị trường bất động sản Mỹ bất ngờ nổ ra. Ảnh hưởng của nó khiến cho các thỏa thuận mua bán của Huawei bị đình trệ và dừng lại hoàn toàn.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 12.

Chủ tịch Nhậm Chính Phi lúc này triệu tập một nhóm các giám đốc điều hành cấp cao để mở một hội nghị liên ngành. Tại cuộc họp này, ông quyết định từ bỏ mô hình sản xuất điện thoại di động theo phong cách tùy biến và chuyển sang cạnh tranh tập trung trên thị trường này, bắt đầu xây dựng thương hiệu điện thoại di động riêng.

Vào thời điểm đó, thị trường điện thoại di động nằm dưới sự ảnh hưởng của các nhà cung cấp giải pháp SoC như Qualcomm, MediaTek, Texas Instruments và Samsung. Nhưng thành phần cốt lõi chỉ có Qualcomm và Samsung và thậm chí công nghệ băng tần cơ sở của Samsung cũng phụ thuộc vào Qualcomm. Do đó, Huawei đã quyết định tự phát triển công nghệ để không bị phụ thuộc vào đối thủ.

Ngày nay khi nhìn lại, quyết định "tự thân vận động" của Huawei là rất sáng suốt. Nhưng nếu đặt vào thời điểm ra quyết định, nó giống như một điều mơ mộng viển vông bởi trong tay công ty này đang không có bất cứ thứ gì. Mọi thành quả đạt được hiện nay, đều do đội ngũ nhân viên của Huawei tự mày mò, học hỏi.

Kết quả của những ngày đầu tất nhiên không quá khả quan. Ít nhất, theo bảng xếp hạng của thang đo hiệu suất bộ xử lý trên điện thoại di động thì trước Kirin 950, hiệu năng xử lý của chip do MediaTek làm ra luôn cao hơn Huawei.

Lei Jun, người sáng lập Xiaomi, một công ty sản xuất điện thoại di động khác của Trung Quốc, cũng không đồng quan điểm với công ty "đồng hương". "Tôi không đồng ý với Huawei. Tôi nghĩ họ không hiểu về R&D, thế nên tốt nhất là đừng làm", ông từng phát biểu.

Trên thực tế, đối với hầu hết các doanh nghiệp không có công nghệ cốt lõi, sự lựa chọn của Xiaomi là cách tốt nhất để mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn. Bởi nếu xảy ra lỗi, toàn bộ khoản đầu tư khổng lồ trước đó cho một bộ xử lý sẽ mất trắng. Có thể nói, cuộc chơi này giống như một canh bạc đốt tiền. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm trong quá khứ, Huawei đã quyết tâm lựa chọn con đường này để có thể trở nên lớn hơn và mạnh hơn trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động.

Ngày nay, văn hóa doanh nghiệp được chia sẻ, truyền tải bởi các nhân viên tại Huawei được gọi là "văn hóa bầy sói". Có ba lý do giải thích cho nền tảng văn hóa này. Đầu tiên là sự khát máu, thứ giúp cho công ty luôn nhạy cảm với thị trường và có thể phản hồi ngay lập tức trước mọi thay đổi. Thứ hai là khả năng sống sót trong môi trường khắc nghiệt, điều đã được công ty chứng minh từ những ngày đầu thành lập. Thứ ba là tinh thần hành động theo bầy đàn. Cách làm việc theo nhóm tại Huawei đặc biệt mạnh mẽ và luôn được khuyến khích, ở mọi tầng lớp quản lý. Có thể nói, "văn hóa bầy sói" mang đến cho Huawei một mức độ hiểu biết sâu sắc về thị trường, vững vàng trước các thông tin bất lợi và hỗ trợ việc nhanh chóng phản ứng với mọi cơ hội hiện có.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 13.
Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 14.

Từ khi ra mắt Kirin 935 năm 2014 đến Kirin 980 năm 2018, Huawei về cơ bản đã là một công ty theo đuổi việc nghiên cứu và phát triển bộ xử lý cho điện thoại di động. Tuy nhiên xét về hiệu suất, Qualcomm vẫn là người dẫn đầu thị trường, trên cả Apple và Samsung.

Nhưng trên thực tế, với tư cách là một tập đoàn khởi nguồn từ việc nghiên cứu và phát triển công nghệ truyền thông vô tuyến, thế mạnh lớn nhất của Qualcomm không nằm ở bộ vi xử lý mà là độc quyền bằng sáng chế trên lĩnh vực mạng viễn thông.

Lấy ví dụ như cuộc chiến nhỏ giữa Meizu và Qualcomm. Meizu không hài lòng với vị trí độc quyền của Qualcomm khi thu phí cao bằng sáng chế và quyền sử dụng bằng sáng chế, hai công ty lao vào kiện cáo lẫn nhau. Năm 2018, Meizu và Qualcomm đã hòa giải. Sau đó Meizu chuyển sang sử dụng bộ xử lý MediaTek cho điện thoại của mình. Tuy nhiên, chạy trời không khỏi nắng, miễn là điện thoại di động của Meizu vẫn cần kết nối mạng 2G, 3G và 4G, nó sẽ không thể rời khỏi phạm vi thu thuế của Qualcomm.

Theo cách tương tự, dù Apple và Qualcomm quay lưng lại với nhau, Qualcomm thậm chí dùng cơ sở pháp lý để buộc Apple phải loại bỏ một số điện thoại tại bốn quốc gia trên thế giới. Cuối cùng, đối mặt với nhu cầu thị trường cho điện thoại di động 5G, Apple vẫn phải cúi đầu trước Qualcomm vì "lợi ích chung".

Tất nhiên, không phải công ty nhỏ nào sử dụng bằng sáng chế của Qualcomm cũng phải trả thuế cho công ty này. Cách tiếp cận của Qualcomm là thiết lập một hệ thống vi phạm bằng sáng chế đặc biệt cho công nghệ mạng. Các luật sư đặc biệt của công ty sẽ chỉ thể hiện tài năng của mình để truy tố trước các đối thủ có vai vế và tiềm lực, như Samsung hay Apple mà thôi.

Khi một con sói lớn lên trong nhà kính, nó sẽ thường yếu đuối trước những gian khổ ngoài tự nhiên.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 15.

Nhưng với sự phát triển của Qualcomm trên thị trường bộ xử lý, nhiều cơ quan chính quyền đã chú ý. Không ít lần công ty này đã bị truy tố theo luật chống độc quyền. Tháng 2/2015, Trung Quốc phạt Qualcomm 975 triệu USD. Tới tháng 7/20015, Ủy ban Châu Âu cũng tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Qualcomm và phạt công ty này 1,2 tỷ USD. Tháng 3/2017, Hàn Quốc phát hiện Qualcomm bí mật ngăn Samsung bán chip cho các nhà sản suất điện thoại di động khác.

Trong khi Qualcomm đang đau đầu với các án phạt, Huawei vẫn tiếp tục lớn mạnh và phát triển.  

Theo nhiều chuyên gia, hành vi của Qualcomm có liên quan đến bản chất và văn hóa phát triển của công ty này. Khi một con sói lớn lên trong nhà kính, nó sẽ thường yếu đuối trước những gian khổ ngoài tự nhiên. Các quyết định của công ty dường như chỉ nhằm một mục đích duy nhất là kiếm về lợi nhuận cho các cổ động, cho dù số tiền này có nguồn gốc từ đâu. Nó có thể đến từ việc bán mảng kinh doanh điện thoại, thoát khỏi thị trường trạm gốc viễn thông hay kiện cáo, tất cả không quan trọng. Hiện Qualcomm đang dựa vào sự độc quyền để sống một cách thoải mái.

Nhưng một ngày, con sói bị giam cầm này đột nhiên phát hiện ra rằng trang trại cừu ở đồng cỏ xanh ngoài kia đã rơi vào tay một con sói hoang lớn lên từ gian khó, trong môi trường luôn bị chèn ép. Với sự phát triển của lĩnh vực công nghệ truyền thông, ngày đối chiến sinh tồn giữa Huawei và Qualcomm dường như không thể tránh khỏi.

Nhưng đó là câu chuyện của tương lai.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 16.
Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 17.

Trên thực tế từ góc độ cạnh tranh thương mại, ở giai đoạn hiện tại, đối thủ lớn nhất của Huawei không phải là Qualcomm và kẻ thù lớn nhất của Qualcomm, cũng không phải là Huawei. Lý do bởi cả Qualcomm và Huawei đều là những công ty đa dạng, đặc biệt là có nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

Lấy báo cáo tài chính của Qualcomm và Huawei trong năm qua làm ví dụ. Hiện tại, lĩnh vực có lợi nhuận cao nhất của Qualcomm đến từ việc cung cấp tài sản trí tuệ và công nghệ chipset cho bộ xử lý điện thoại di động. Trong phân khúc thị trường này, mặc dù Huawei có một phần thị trường với chip Kirin, nhưng điện thoại di động sử dụng bộ xử lý này chỉ có Huawei. Việc Huawei sử dụng bộ xử lý của mình trên điện thoại di động của mình, rõ ràng không ảnh hưởng đến việc bán hàng của Qualcomm.

Hơn nữa, Apple và Samsung cũng đang tự nghiên cứu và phát triển bộ xử lý, mang lại áp lực với Qualcomm nhiều hơn so với Huawei về cả công nghệ lẫn quy mô thị trường. Ngoài ra, Texas Instruments và công ty bán dẫn Infineon của Đức, cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Qualcomm trong mảng cung cấp tài sản trí tuệ và công nghệ chipset.

Ở giai đoạn hiện tại, đối thủ lớn nhất của Huawei không phải là Qualcomm và kẻ thù lớn nhất của Qualcomm, cũng không phải là Huawei.

Qualcomm vs. Huawei – Cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai con sói dữ đã diễn ra như thế nào? - Ảnh 18.

Còn từ quan điểm của Huawei, mặc dù có một số mâu thuẫn trong bản quyền bằng sáng chế và công nghệ 5G với Qualcomm, cả hai không va chạm nhiều về lợi ích. Lợi nhuận của Qualcomm chủ yếu đến từ các thiết bị di động, còn lợi nhuận của Huawei chủ yếu đến từ các trạm gốc viễn thông và cơ sở hạ tầng phần cứng. Do đó, danh sách các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Huawei hiện nay thuộc về các công ty như Ericsson, Lucent và Nortel.

Gần đây dù Huawei đang nổi lên trong mảng kinh doanh smartphone, nhưng công ty chỉ phải lo lắng trước Samsung và Apple. Quan trọng hơn, trong lĩnh vực công nghệ mạng cao cấp, cả Huawei và Qualcomm đều phải cùng tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của 3GPP cho nghiên cứu và phát triển. Lúc này, mối quan hệ giữa Qualcomm và Huawei là hợp tác "cạnh tranh" hơn là cạnh tranh "sống chết".

Nếu Qualcomm không từ bỏ việc kinh doanh điện thoại di động và không rút khỏi thị trường trạm gốc, thì Qualcomm ngày nay thực sự có thể trở thành "đối thủ sống còn" của Huawei. Nhưng giả định này đã vĩnh viễn không thể xảy ra.

Còn nếu thực sự có một ngày như thế, khi hai công ty này phải đối đầu một cách toàn diện thì bạn sẽ đặt niềm tin vào ai? Một con sói lớn lên từ nước mắt, mồ hôi và máu hay kẻ bụ bẫm khỏe mạnh nhờ có được một tuổi thơ yên bình.

Trí Thức Trẻ