Qatar nhỏ bé "chọc giận" các nước Ả rập: Vì đâu nên nỗi?

06/06/2017 09:25 AM | Xã hội

Ả rập Xê út và 3 nước đồng minh đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, động thái thể hiện sự cứng rắn với những gì họ gọi là “thái độ khoan dung với Iran và Tổ chức Anh em Hồi giáo” của Qatar.

Nguyên nhân của vết rạn ngoại giao?

Chủ yếu là vì Iran nhưng không phải tất cả. Giọt nước làm tràn ly là báo cáo của Hãng thông tấn Qatar cho thấy Vua Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani chỉ trích việc chống Iran đang gia tăng. Phía Qatar nhanh chóng xóa bình luận, đổ lỗi cho tin tặc và kêu gọi sự bình tĩnh. Tuy nhiên, khi vua Sheikh Tamim điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani cuối tuần trước, truyền thông Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đã làm ầm vụ việc.

Lại là căng thẳng giữa người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni?

Một phần. Cộng hòa Hồi giáo Iran do người Shiite nắm quyền là đối thủ chính của Ả rập Xê út, quốc gia với bộ máy lãnh đạo là người Sunni. Hai nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn đối đầu nhau trong mọi cuộc xung đột, từ Syria tới Iraq.

Trên phương diện ngoại giao, Ả rập Xê út đã chỉ trích Qatar “hỗ trợ các nhóm khủng bố nhằm mục đích gây mất ổn định khu vực”, bao gồm phong trào Anh em Hồi giáo, Lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda. Ả rập Xê út và các đồng minh cáo buộc Qatar về việc hỗ trợ “các nhóm khủng bố mà Iran hậu thuẫn”, hoạt động ở tác tỉnh miền đông của quốc gia này cũng như ở Bahrain.

Vì sao khủng hoảng nổ ra?

Tình hình khu vực nóng lên đáng kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump vài ngày trước. Không lâu sau khi ông Trump và Vua Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz chỉ ra Iran là nhà tài trợ chính cho khủng bố, Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng cáo buộc Qatar đang cố gắng làm suy yếu các biện pháp cô lập nhà nước Cộng hòa Hồi giáo. Báo chí, giáo sĩ và những người nổi tiếng liên tiếp tấn công vua Sheikh Tamim của Qatar.

Quan điểm của các nhà phân tích?

Với mối quan hệ gần gũi dưới thời Tổng thống Trump, Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đang tìm cách đè bẹp mọi sự phản kháng nhằm cô lập Iran ở Trung Đông. Hai nước cũng gây sức ép lên Qatar nhằm buộc quốc gia nhỏ bé này phải dừng hỗ trợ các nhóm như Anh em Hồi giáo hay Hamas ở Palestine.

Phản ứng của Iran?

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết đất nước ông sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người nắm trong tay nhiều quyền lực hơn ông Rouhani, lại cho rằng Ả rập Xê út đang phải trả giá cho chính nhưng sách lược của họ ở Yemen.

Vào năm 2015, Ả rập Xê út đã tập hợp một liên minh các nước Sunni tiến hành cuộc không kích chống lại lực lượng nổi dậy Shiite ở Yemen sau khi chính phủ bị lật đổ. Cuộc chiến ở Yemen hiện tại vẫn đang tiếp diễn.

Qatar nhỏ bé chọc giận các nước Ả rập: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Vị trí các quốc gia trong cuộc khủng hoảng mới nhất của Thế giới Hồi giáo.

Iran và Ả rập Xê út đang phải đối mặt với những gì khác?

Cả hai nước đang mắc kẹt giữa những “cuộc chiến ủy nhiệm” trong khu vực, từ Syria tới Yemen. Những hoài nghi xung quanh việc tin tặc Iran tấn công hệ thống của cơ quan chính phủ Ả rập Xê út cuối năm 2016 càng làm mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên căng thẳng.

Đầu năm 2016, Ả rập Xê út cũng hành quyết một giáo sĩ người Shiite có ảnh hưởng dẫn tới sự việc người biểu tình Iran đốt Đại sứ quan của Ả rập Xê út ở thủ đô Tehran. Sự việc khiến hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Bất đồng với Qatar cũ hay mới?

Năm 2014, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Bahrain tạm thời rút các Đại sứ quán của mình khỏi Qatar. Nguyên nhân của vụ việc chủ yếu tập trung vào tình hình Ai Cập, nơi Qatar ủng hộ Chính phủ do tổ chức Anh em Hồi giáo nắm quyền trong khi Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất ủng hộ phe đảo chính. Theo các nhà phân tích, Ả rập Xê út và các nước đồng minh muốn Qatar, quốc gia có 2,6 triệu dân, hiểu rằng họ đang chống lại ai.

Qatar đã làm gì?

Trong suốt thời kỳ diễn ra Mùa xuân Ả rập, Qatar là quốc gia độc nhất trong số các nước Trung Đông ủng hộ rộng rãi những nhóm đang đòi sự thay đổi, miễn là nó diễn ra ở các nước ngoài Vịnh Ba Tư. Nhóm Anh em Hồi giáo dường như cũng hình thành trong thời gian này và Qatar chính thức ủng hộ nhóm trong năm 2014 khi gặp phải các mối đe dọa ngoại giao từ các nước láng giềng Vùng Vịnh.

Qatar cũng mong muốn trở thành trung gian hòa giải không thể thiếu của khu vực. Các nhà lãnh đạo Qatar có mối liên kết với nhiều bên, chẳng hạn như các bộ lạc đang tham chiến ở Libya tới Mỹ và Taliban. Tuy nhiên, chọn ủng hộ cho các bên trong Mùa xuân Ả rập khiến vai trò trung lập của Qatar bị suy yếu.

Qatar ở đâu trên bản đồ thế giới?

Là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, Qatar là một trong số những quốc gia có thu nhập bình quân cao nhất (129.700 USD/năm). Quốc gia này cũng đăng cai tổ chức World Cup 2022. Khi Ả rập Xê út từ chối làm trung tâm không vận của Mỹ ở khu vực trong năm 2003, Qatar đã đảm trách nhiệm vụ này. Hiện nay, có 10.000 lính Mỹ đang đồn trú ở Qatar.

Hậu quả từ sự rạn nứt trong Thế giới Ả rập?

Bất cứ tranh chấp nào trong khu vực cũng khiến thị trường dầu mỏ thế giới lo lắng. Tranh chấp nội bộ giữa các nước Vùng Vịnh còn làm giảm sự hấp dẫn của họ với các nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu của Qatar cũng đã giảm 5% sau khu rạn nứt xảy ra. Ngay trước chuyến thăm khu vực của Tổng thống Trump, Citigroup cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và Iran có ý nghĩa đáng kể với thị trường tài chính và dầu mỏ.

Sự khác biệt?

Mehran Kamrava, giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế và khu vực của Đại học Georgetown ở Qatar, nhận định: “Đối lập tư tưởng và bất đồng nội bộ thế giới Ả rập không có gì mới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mức độ của áp lực và thời gian diễn biến nhanh chưa từng có. Điều đó cho thấy Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất muốn sự khuất phục của Qatar”.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM