PVI từng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả, khó thu hồi và có nguy cơ mất vốn

13/09/2022 10:11 AM | Kinh doanh

Tại Báo cáo kiểm toán năm 2021, Kiểm toán nhà nước xác định Công ty Cổ phần PVI có hàng loạt khoản đầu tư kém hiệu quả, khó thu hồi, có nguy cơ mất vốn nhà nước.

Năm 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sứ dụng vốn nhà nước năm 2020 tại Công ty Cổ phần PVI.

Kết quả kiểm toán năm 2021cho thấy, trong năm 2020, Công ty Cổ phần PVI có lợi nhuận trước thuế đạt 1.072,52 tỷ đồng và , tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là ở mức 11,78%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN nhà nước cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản khi có hàng loạt khoản đầu tư kém hiệu quả, khó thu hồi, có nguy cơ mất vốn.

Đầu tư kém hiệu quả

Tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 số 161/BC-KTNN ngày 22/6/2022 được Tổng kiểm toán nhà nước báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ III, Quốc hội khóa XV, KTNN xác định PVI có một số khoản đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Cụ thể, trong kỳ kiểm toán Công ty mẹ PVI đang phải trích lập dự phòng cho một loạt khoản đầu tư tài chính gồm: 37,08 tỷ đồng/37,08 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu Ngân hàng TMCP Đông Á; 37,33 tỷ đồng/43,5 tỷ đồng khoản đầu tư góp vốn vào Công ty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp dầu khí; 140,17 tỷ đồng/344,12 tỷ đồng đầu tư bất động sản tại Dự án The Costa Nha Trang.

Bên cạnh đó, KTNN cũng xác định Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã đầu tư 200 tỷ đồng trái phiếu Công ty CP Sông Đà Thăng Long từ năm 2010 chưa thu được lãi (mới thu gốc 32,03 tỷ đồng), dự phòng rủi ro đã trích 167,97 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị này cũng còn có 02 khoản đầu tư góp vốn 20,9 tỷ đồng vào Tổng công ty Bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí và Công ty CP Điện Việt Lào không có lợi nhuận hay cổ tức được chia từ khi nhận bàn giao (năm 2011) của PVI.

Theo KTNN xác định, từ năm từ năm 2015 đến 31/12/2020, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã phải trả 1,97 tỷ đồng phí quản lý 02 khoản đầu tư này cho Công ty Quản lý quỹ PVI.

Công nợ chưa xử lý có khả năng mất vốn

Bên cạnh việc tồn tại nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả, KTNN cũng xác định PVI còn một số khoản công nợ chưa được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, tại kỳ được kiểm toán, công ty mẹ PVI còn khoản phải thu 4,73 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Khách sạn Green Plaza Đà Nẵng phát sinh trong giai đoạn năm 2010- 2018.

Ngoài ra, KTNN cũng xác định Tổng công ty Bảo hiểm PVI cũng chưa làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm liên quan đến một số khoản công nợ phải thu, tạm ứng lâu ngày không có khả năng thu hồi 8,51 tỷ đồng.

KTNN kiến nghị tập trung xử lý dứt điểm

Từ những tồn tại được xác định, tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, KTNN đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước  năm 2021 với với PVI số tiền hơn 4,96 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để dứt điểm những tồn tại được xác định tại Công ty cổ phần PVI trong kỳ kiểm toán năm 2021, KTNN đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện 3 nội dung gồm.

Thứ nhất, chỉ đạo người đại diện phần vốn của PVN tại Công ty cổ phần PVI, rà soát, kiểm tra về thực trạng một số khoản đầu tư tài chính tại Tổng Công ty bảo hiểm PVI để có phương án xử lý, cơ cấu lại, thu hồi nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.

Cụ thể, những khoản đầu tư được KTNN đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu PVI ra soát tại Tổng Công ty bảo hiểm PVI gồm: Khoản đầu tư cổ phiếu Công ty cổ phần Công nghệ mới Kim Tự Tháp; khoản đầu tư trái phiếu Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long; khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác không có lợi nhuận, cổ tức được chia, nhưng phải phải trả phí quản lý đầu tư cho Công ty quản lý quỹ PVI.

Thứ hai, KTNN yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo người đại diện phần vốn của PVN tại Công ty cổ phần PVI báo cáo PVN về tình hình sử dụng, phương án xử lý nguồn thặng dư vốn cổ phần để phân tích, đánh giá và xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nguồn vốn này nhằm phản ánh đúng giá trị vốn đầu tư, tỷ suất lợi nhuận được chia trên vốn đầu tư của các cổ đông, trong đó có vốn đầu tư của nhà nước tại Công ty.

Thứ ba, chỉ đạo người đại diện phần vốn của PVN tại PVI báo cáo PVN về tình hình, nhu cầu sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để có phương án xử lý, sử dụng nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư tài chính của PVN tại PVI.

Bên cạnh đó, tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, KTNN cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2021 tại Công ty cổ phần PVI, cụ thể như sau.

Thứ nhất, đề nghị Công ty cổ phần PVI xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để xem xét kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số khoản nợ phải thu khó có khả năng thu hồi, đầu tư kém hiệu quả/có khả năng mất vốn tại Công ty mẹ và các Công ty con tại một số dự án.

Cụ thể, các dự án, khoản đầu tư gồm: Dự án The Costa Nha Trang; Trái phiếu Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long; Cổ phiếu OTC-NH TMCP Đông Á; Cổ phiếu Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ dầu khí; Tổng Công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa Công trình Dầu khí-Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Điện Việt Lào; Công ty TNHH MTV khách sạn Green Plaza Đà Nẵng.

Thứ hai, KTNN đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, các cá nhân liên quan là người đại diện phần vốn của PVN tại PVI chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tại Điều 16, Quyết định 5493/QĐ-DKVN ngày 16/07/2012 của Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN về Quy chế quản lý vốn của PVN đầu tư vào doanh nghiệp khác và Điều 4, 5, 9, 49 của Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Công ty cổ phần PVI có tiền thân là Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam thành lập năm 1996, đến năm 2006, PVI thực hiện cổ phần hóa trở thành Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007 với mã chứng khoán PVI.

Tháng 8/2011, PVI đã tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Theo Lê Sáng

Cùng chuyên mục
XEM