PTGĐ Viettel Lê Đăng Dũng: “Nhiều thị trường nước ngoài tăng trưởng cao hơn kỳ vọng”

19/05/2018 15:30 PM | Kinh doanh

Năm 2017, đầu tư nước ngoài của Viettel tăng trưởng doanh thu 38% gấp hơn 9 lần mức trung bình của ngành viễn thông toàn cầu. Điều gì đã giúp Viettel đi ngược dòng trong bối cảnh ngành viễn thông tăng trưởng chậm lại?

Năm 2017, doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel (bao gồm Viettel Global và thị trường Peru) có tốc độ tăng trưởng doanh thu đến 38%. Những thị trường nào đã đóng góp vào mức tăng trưởng này?

Năm 2017 là năm hầu hết các thị trường quốc tế của Viettel đều có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. 6/10 thị trường có tốc độ tăng trưởng đạt tới 2 con số như: Cameroon (103%), Mozambique (79%), Peru (37%), Tanzania (35%), Haiti (13%), Đông Timor (12%). Các thị trường đã kinh doanh 3 năm sau khi khai trương đều tăng trưởng. Cần phải nhìn kết quả tăng trưởng này trong bối cảnh doanh thu trung bình ngành viễn thông thế giới chỉ tăng trưởng 4%.

Vì sao ông lại nhắc đến một khái niệm là các thị trường đã kinh doanh 3 năm sau khi khai trương?

Với các thị trường Viettel đầu tư, 3 năm sau khai trương là mốc quan trọng. Bởi vì, giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông có thời hạn từ 15-20 năm, và thường tiếp tục gia hạn thêm nữa. Vì vậy, đặt mục tiêu 3 năm sau khai trương là mới chỉ bằng 1/5-1/6 khoảng thời gian có thể kinh doanh tối thiểu ở thị trường. Với những thị trường kinh doanh dưới 3 năm sau khi khai trương, chúng tôi đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị phần. Từ năm thứ 3 sau khai trương, tất cả các thị trường sẽ phải có lãi

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các thị trường kinh doanh 3 năm sau khai trương đều đã có lãi. Đặc biệt, thị trường Peru kinh doanh dưới 3 năm đã có lãi. Hiện nay, chỉ còn 4 thị trường chưa có lãi là Tanzania (kinh doanh được 1 năm sau khai trương); Burundi (kinh doanh được 1 năm sau khai trương); Cameroon (kinh doanh 2 năm sau khai trương) và Myanmar thì đang trong quá trình đầu tư, chưa kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường Tanzania và Cameroon đều đang có tốc độ tăng trưởng rất tốt, cụ thể là Tanzania 35%, Cameroon 103%.

Nguyên nhân nào đã giúp hoạt động ĐTNN của Viettel có tăng trưởng mạnh như vậy?

Có 3 nguyên nhân.

Thứ nhất là việc tiếp tục đầu tư, củng cố mạng lưới và đặc biệt đầu tư công nghệ 4G ở tất cả các thị trường mà Chính phủ cấp phép. Hiện nay, Viettel đã cung cấp 4G ở 7/10 thị trường. Điều này giúp cho việc tăng trưởng thị phần ở nhiều quốc gia. Ví dụ như tại Châu Á, ở thị trường Lào, khách hàng tăng trưởng 28% trong năm 2017. Số lượng khách hàng của Unitel chiếm 85% trong tổng số khách hàng tăng trưởng mới ở thị trường này. Tại châu Mỹ, Haiti, Viettel cũng là nhà mạng dẫn dắt tốc độ tăng trưởng thuê bao data tại Haiti với mức tăng 27%; cao gấp 2,3 lần tốc độ tăng trưởng toàn thị trường Haiti. Tại châu Phi, Nextel là nhà mạng tăng trưởng khách hàng tốt nhất Cameroon với lượng khách hàng tăng thêm chiếm 85% thị phần di động phát triển của cả nước.

Thứ hai, tất cả các thị trường quốc tế của Viettel đều đã thành công trong việc thu hút khách hàng lớn là các doanh nghiệp, chính phủ sở tại. Trong năm 2017, tổng doanh thu từ các dự án CNTT và kênh truyền mà Viettel Global thực hiện với Chính phủ các nước đã tăng gần 6 lần so với cả năm 2016.

Thứ ba, Viettel đẩy rất mạnh việc phát triển các dịch vụ gia tăng chứ không dựa vào các dịch vụ truyền thống như thoại và SMS nữa. Chẳng hạn như dịch vụ ví điện tử, Viettel đang cung cấp dịch vụ này tại 7 quốc gia bao gồm cả Việt Nam với hàng triệu người dùng.

Tính đến thời điểm này, Viettel đã đầu tư ra thị trường nước ngoài là bao nhiêu và đã thu về bao nhiêu?

Tính đến thời điểm này, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài của Viettel là hơn 2 tỷ USD. Vốn đã đầu tư là 1,19 tỷ USD và lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, tức là chiếm gần 45% tổng số vốn đã đầu tư. Trong khi thời gian của giấy phép kinh doanh vẫn còn rất dài.

Năm 2017, Viettel Global có lợi nhuận 1,18 triệu USD nhưng khoản lỗ lũy kế tồn đọng từ năm 2016 là còn rất lớn. Ông nói gì về con số này?

Năm 2016, Viettel Global lỗ 3.475 tỷ đồng nhưng chủ yếu do biến động tỷ giá chứ không phải do kinh doanh đi xuống, và năm 2017 khi không gặp biến động tỷ giá bất lợi chúng tôi đã có lợi nhuận dương là 1,18 triệu USD dù vẫn phải đầu tư lớn vào thị trường mới ở Myanmar và một số thị trường châu Phi mới ở giai đoạn đầu nên chi phí vận hành lớn.

Bên cạnh đó, con số lợi nhuận 1,18 triệu USD trong năm 2017 cũng chưa phản ánh đầy đủ thực trạng kinh doanh ở các thị trường quốc tế của Viettel. Hiện nay Viettel đầu tư tại 10 thị trường bao gồm cả thị trường Peru. Tuy nhiên, vì yêu cầu của Chính phủ Peru, thì công ty đầu tư vào thị trường này phải là Tập đoàn Viettel. Do đó, các số liệu kinh doanh của Viettel tại thị trường Peru không được đưa vào báo cáo của Viettel Global. Nếu tính cả thị trường Peru thì hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel tăng trưởng 38% chứ không phải là 33%; lợi nhuận là 655 tỷ đồng (28,48 triệu USD) chứ không chỉ là 27 tỷ đồng (1,18 triệu USD).

Ngoài ra, khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, đều cần có thời gian để thu hồi vốn đầu tư rồi mới có lãi. Với các thị trường Viettel đầu tư, chúng tôi xác định khoảng thời gian này là 3 năm sau khi khai trương. Hiện nay, các thị trường mới đầu tư lại có diện tích, quy mô dân số lớn hơn rất nhiều so với các thị trường đã đầu tư, kinh doanh và có lãi trước đó. Ví dụ, diện tích 3 nước Tanzania, Cameroon và Myanmar gấp 1,7 so với diện tích 5 nước kinh doanh trên 3 năm sau khai trương và đã có lãi là Lào, Campuchia, Đông Timor, Haiti, Mozambique; dân số thì gấp 2,1 lần. Chính vì vậy, lợi nhuận ở những thị trường trước đó chưa đủ để bù được chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành của các thị trường mới. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những con số này đều nằm trong kế hoạch của Viettel. Và mục tiêu kinh doanh 5 năm là phải có lãi vẫn được Tập đoàn bám sát và thực tế còn đặt mục tiêu điều hành cao hơn là dưới 3 năm sau khai trương phải có lãi rồi.

Vậy Viettel Global đã có phương án gì dự phòng cho những biến động tỷ giá có thể xảy ra trong năm 2018 và những năm tới?

Vì nguyên nhân tỷ giá, kế hoạch năm 2018 đang được xây dựng trên kịch bản thận trọng. Theo đó, Viettel Global dự báo mức tăng tỷ giá từ 1% đến 5% cho các thị trường của mình và ghi nhận các chi phí chênh lệch tỷ giá tương ứng đã được ghi nhận vào kế hoạch năm.

Mặt khác, khi tỷ giá tiếp tục biến động theo chiều hướng không thuận lợi, Viettel Global sẽ chi trả các khoản chi phí mua thiết bị, đầu tư mới bằng đồng nội tệ; các khoản vay cũng sẽ bằng đồng nội tệ để khi chi trả không phải đổi ra đô la Mỹ.

Vậy triển vọng tăng trưởng năm 2018 của Viettel Global sẽ ra sao?

Ở châu Á, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Lào và Campuchia, hai quốc gia này là nơi tạo dòng tiền tốt hỗ trợ cho các thị trường mới đi vào hoạt động như Myanmar và các thị trường châu Phi. Với thị trường Mỹ La tinh, Natcom dự kiến sẽ trở thành thị trường phát triển tốt những năm tới. Tại châu Phi, các thị trường mới kinh doanh nên chưa thể có lãi ngay nhưng Burundi đã có lãi. Mozambique sau khi tỷ giá ổn định trở lại đã có lãi. Viettel đang kỳ vọng nhất năm 2018 là Myanmar, dự kiến sẽ khai trương trong tháng tới và đặt mục tiêu có 2-3 triệu khách hàng tại thị trường này. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu năm 2018 Viettel Global sẽ không còn lỗ”..

A.D

Cùng chuyên mục
XEM