Phương pháp luyện tập giúp bạn khai mở tâm trí và trở nên sáng tạo như Steve Jobs

10/12/2016 09:12 AM | Sống

Steve Jobs không chỉ là huyền thoại trong lĩnh vực công nghệ máy tính mà còn khiến nhiều người nể phục bởi khả năng rèn luyện và làm chủ trí óc

Có thể bạn không biết nhưng Steve Jobs cũng là một người thực hành thiền định từ khá sớm. Quyết định bỏ học năm 19 tuổi, Steve Jobs dành ra quãng thời gian 7 tháng ở Ấn Độ với mục đích tìm đấng tối cao để họ truyền cho ông sự thông thái. Chuyến đi này ít nhiều đã thay đổi ông trên một vài phương diện nào đó. Không ai có thể ngờ rằng, chuyến đi đó đã thay đổi hoàn toàn thế giới kinh doanh.

Những năm 1970 Thiền Phật Giáo bắt đầu lan rộng và bùng nổ trên đất Mỹ, sau khi trở về từ Ấn Độ, Steve Jobs vẫn tiếp tục trau dồi thực hành phương pháp thiền định. Ở đây ông đã gặp Thiền sư Shunryu Suzuki, tác giả của cuốn sách kinh điển “Thiền, tâm mới bắt đầu” ("Zen Mind, Beginners Mind”) và nhận được sự hướng dẫn từ một trong những học sinh của Thiền sư Suzuki, Kobun Otogawa.

“Hầu như ngày nào Jobs cũng gặp Otogawa và cứ vài tháng họ lại cùng nhau học một khóa tu hành”, Walter Isaacson tác giả cuốn “Steve Jobs” – cuốn tiểu sử đầu tiên và duy nhất nhận được sự đồng ý của Steve Jobs viết.

Thiền chánh niệm và phương pháp thực hành thiền định là cơ sở hình thành những hiểu biết của Jobs về tâm thức của chính ông. Walter đã trích lời của Jobs khi nói về Thiền chánh niệm: “Lúc bắt đầu ngồi thiền, bạn sẽ thấy tâm trí rất bồn chồn. Mọi cố gắng xoa dịu chỉ làm cho nó tệ hơn. Nhưng dần dần, tâm trí bạn sẽ bình tĩnh lại, và đó chính là lúc tuyệt vời nhất để lắng nghe những điều thật mới mẻ và khác lạ.

Đó là thời điểm trực giác của bạn bắt đầu nở hoa và bạn cảm nhận mọi thứ rõ ràng hơn rất nhiều. Tâm trí bạn dường như chậm lại và bạn sẽ thấy thời khắc tâm hồn rộng mở. Bạn sẽ thấy nhiều thứ hơn bạn có thể thấy trước đó. Điều này đòi hỏi kỷ luật, bạn phải tập luyện nó”.

Nhìn lại những sản phẩm công nghệ của Steve Jobs có thể dễ dàng nhận thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của Thiền chánh niệm. Trải qua hơn 1300 năm những người thực hành Thiền chánh niệm được thấm nhuần tư tưởng hướng đến sự đơn giản. Ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này trong tất cả thiết kế của Apple, điển hình là thiết kế của chiếc chuột máy tính từ hãng, lấy cảm hứng từ Enso - biểu tượng của sự giác ngộ tuyệt đối trong Thiền tông Nhật Bản.

Thiền chánh niệm không chỉ hình thành gu thẩm mỹ tuyệt vời của Steve Jobs mà còn định hình những hiểu biết của ông về khách hàng. Trong đó có câu nói nổi tiếng của ông: “Nhiệm vụ của tôi không phải cung cấp cho mọi người những gì họ nói họ muốn mà là cung cấp những gì họ không biết là họ cần.”

“Thay vì dựa vào nghiên cứu thị trường, Jobs lại dùng những hiểu biết sâu sắc của mình về mong muốn của khách hàng” – Isaacson cho biết. Đâu là cách nhanh nhất để có được những hiểu biết như vậy? Qua kinh nghiệm của những người thực hành cũng như hàng ngàn nghiên cứu cho thấy rằng chỉ có thể là thiền định.

Khi Steve Jobs ra đi, tờ New York Times miêu tả cống hiến của ông cho xã hội: “Steve Jobs đã chạm vào thế giới xấu xí của công nghệ và làm nó tốt đẹp hơn”. Nhờ có khoảng thời gian của ông ở Ấn Độ và nền tảng thiền định đã tạo ra sự đơn giản một cách đẹp đẽ, điều đã làm nên một cuộc cách mạng thiết kế trong thế giới công nghệ.

Diệu Bảo

Cùng chuyên mục
XEM