Phương pháp đơn giản phát hiện độc tố có trong mỹ phẩm phụ nữ nào cũng phải biết

13/09/2016 19:03 PM | Sống

Mỹ phẩm ban đầu được người Ai Cập chế tạo nên từ những nguyên liệu khá độc hại, thế nhưng trải qua quá trình phát triển chúng đã thân thiên hơn tuy nhiên người dùng vẫn cần thận trọng với những gì có trong đó.

Làm đẹp là một trong những nhu cầu chính đáng của con người và đặc biệt quan trọng đối với phái đẹp trong thời kỳ hiện đại. Tuy nhiên, trên thị trường ngày nay có vô số loại mỹ phẩm được cho là không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thực tế thì lại gây ra không ít tác động có hại cho da và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng.

Trang điểm đã có từ nhiều thế kỷ nay, kể từ khi người Ai Cập lần đầu tiên biết “chế biến” ra loại mỹ phẩm làm đẹp độc hại từ hai nguyên liệu chính là đồng và chì. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng, những chất mà chúng ta dùng để làm đẹp khi thoa lên bề mặt da cũng có thể mang lại những hiệu ứng tiêu cực không kém phần quan trọng khi chúng ngấm vào bên trong cơ thể, nếu nguyên liệu làm nên loại mỹ phẩm đó có tính độc hại.

Qua những chia sẻ cùng giáo sư Maureen Allem về vấn đề này, tác giả bài viết đã rút ra những “bí kíp” cơ bản nhất giúp các chị em có thể xác định được rằng liệu loại mỹ phẩm mình đang sử dụng có độc hại hay không.

1. Hãy đọc kĩ thông tin trên bao bì sản phẩm

Một số thành phần chỉ có hại khi dùng ở nồng độ đậm đặc. Nếu đọc nội dung trên bao bì, bạn có thể thấy rằng, hầu hết các nhà sản xuất không cung cấp đầy đủ chỉ dẫn như nồng độ hoặc lượng chất của bất kỳ thành phần đặc biệt nào trong sản phẩm. Và hầu hết các nguyên liệu được liệt kê theo thứ tự nồng độ giảm dần của hỗn hợp (thường là nước-water hoặc aqua).

Nếu một nhãn hiệu muốn quảng cáo cho một nguyên liệu đặc biệt nào đó trong sản phẩm nhưng tên nguyên liệu này lại bị xếp ở vị trí gần cuối danh sách các nguyên liệu, thì nồng độ của nguyên liệu đó trong sản phẩm trên thực tế thường không cao.

Vì vậy, khi mua mỹ phẩm, bạn hãy chọn loại sản phẩm nào chứa ít nguyên liệu nhất có thể và sản phẩm ấy phải được được thử nghiệm với các tác dụng phụ như dị ứng. Nên dùng sản phẩm của những nhà sản xuất minh bạch về các nguyên liệu trong công thức chế biến. Và đừng quên một điều rất quan trọng đó là, mặc dù một vài sản phẩm không có sai sót về công thức hay nguyên liệu nhưng vẫn có thể gây ra những tác dụng có hại nếu không được sử dụng đúng mục đích.

2. Hãy học đọc tiếng Latinh

Điều này nghe có vẻ vô lí nhưng sẽ là một tín hiệu vô cùng tốt nếu trên nhãn sản phẩm có in chữ Latinh. Nếu một thành phần là tự nhiên, đôi khi nó sẽ được thể hiện bằng tiếng Latinh trong danh sách các thành phần của sản phẩm.

Chẳng hạn, bạn muốn tìm mua một loại kem dưỡng ẩm, trên bao bì sẽ có thuật ngữ tiếng Latinh cùng với tiếng Anh (thường là một loại thảo mộc hay thực phẩm) được ghi chú trong ngoặc như Olea europaea (nghĩa là dầu ô liu).

Nếu bạn thấy một danh sách “siêu dài” các thành phần mà bạn không thể phát âm được thì đó thường là dấu hiệu của các hóa chất liên quan đến các vấn đề sức khỏe.

3. Hãy để ý ký hiệu hạn sử dụng

Các sản phẩm làm đẹp nên phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng như thực phẩm vậy. Nếu một sản phẩm có thời hạn sử dụng quá dài thì lượng và loại chất hóa học dùng để “kéo dài tuổi thọ” cho loại mỹ phẩm đó cũng phải được “sử dụng nhiều và đa dạng một cách tương xứng”.

Để ý trên bao bì sản phẩm, bạn có thể thấy một biểu tượng hình chiếc nồi nhỏ có vung đang mở và thân nồi ghi số cùng chữ M in hoa. Đó chính là ký hiệu cho biết sản phẩm đó nên được sử dụng trong vòng bao lâu kể từ khi mở nắp.

4. Nói không với mùi thơm

Loại chất hóa học mà bạn cần phải để ý chính là phthalates, hay còn gọi là “hương thơm”. Phthalates là một loại chất hóa học được sử dụng nhằm làm tăng sự kết dính trong nhiều ngành sản xuất công nghiệp và kéo dài tuổi thọ của mùi hương. Theo Quỹ ung thư vú (Breast Cancer Fund), chất hóa học này không những không hoàn toàn an toàn mà còn có thể tác động đến chức năng nội tiết tố của cơ thể.

Một sản phẩm không mùi có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng để bạn quyết định có nên mua chúng hay không, trừ khi sản phẩm đó có liệt kê đầy đủ những hương liệu cấu thành như nước hoa. Những sản phẩm sử dụng tinh dầu và hương thơm tự nhiên từ thực vật thường mang lại mùi thơm dễ chịu, dịu dàng và hoàn toàn không có hại cho sức khỏe.

5. Tìm hiểu kỹ trước khi mua mỹ phẩm

Rất nhiều trang web và ứng dụng có chứa nội dung thông tin về các sản phẩm làm đẹp mà bạn đang có ý định mua. Tuy nhiên, hãy cảnh giác để đừng bị “mắc bẫy tiếp thị”. Không phải bất cứ sản phẩm nào quảng cáo rằng “đã được bác sĩ da liễu thử nghiệm” cũng đồng nghĩa với việc nó “được bác sĩ da liễu phê duyệt sử dụng” hay khuyên dùng!

Khánh An

Cùng chuyên mục
XEM