Phong cách đầu tư kiểu sau vài phút nghe thuyết trình, lập tức rót hàng tỷ USD vào startup của tỷ phú 'liều ăn nhiều' Masayoshi Son nguy hiểm cỡ nào?

29/11/2019 10:24 AM | Kinh doanh

Thất bại sau những startup kỳ lân WeWork, Uber, … SoftBank cần xem lại những dự án đầu tư của mình.

Đầu năm 2018, những người sáng lập của công ty về startup trí tuệ nhân tạo Trung Quốc SenseTime Group Ltd. đã bay tới Tokyo để gặp tỷ phú Masayoshi Son. Khi họ bước vào văn phòng, giám đốc điều hành Xu Li hy vọng thuyết phục được người đứng đầu Tập đoàn SoftBank đầu tư 200 triệu USD vào công ty 3 năm tuổi của mình.

Một phần ba bài thuyết trình vừa trôi qua, Son ngay lập tức ngắt lời và nói muốn đầu tư 1 tỷ USD vào công ty này. Sau vài phút thảo luận, con số này tăng lên thành 2 tỷ đô. “Tại sao đến bây giờ tôi mới được biết về họ?”, tỷ phú người Nhật hỏi các nhà quản lý SoftBank và cho biết đây là loại công ty AI mà ông ấy đang tìm kiếm lâu nay. Cuối cùng, SoftBank quyết định đầu tư 1,2 tỷ USD biến SenseTime trở thành công ty khởi nghiệp về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo có giá trị lớn nhất thế giới. Trong năm nay, công ty mới nổi này được định giá 7.5 tỷ USD trên thị trường.

Phong cách đầu tư kiểu sau vài phút nghe thuyết trình, lập tức rót hàng tỷ USD vào startup của tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son nguy hiểm cỡ nào? - Ảnh 1.

Masayoshi Son - CEO "liều mình" của SoftBank

Mô hình đầu tư theo kiểu tăng cường rót vốn để đẩy giá trị định giá của công ty lên hiện đang bị chỉ trích nghiêm trọng. Đỉnh điểm là khi nhà đầu tư 62 tuổi Masayoshi Son tiếp tục rót thêm vốn cho startup chia sẻ không gian văn phòng WeWork mặc cho đà sụt giảm mạnh của công ty này trong bối cảnh các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về những tổn thất to lớn cùng sự quản lý rắc rối của họ.

SoftBank đã tham gia vào vòng gọi vốn cùng với các nhà đầu tư khác, khiến giá trị của các công ty tư nhân này tăng lên tổng cộng hơn 150 tỷ đô la, theo tính toán của Bloomberg. Có thể thấy trong một số trường hợp, sự tham gia của SoftBank vào nhiều vòng cấp vốn đã làm tăng giá trị của các startup và mang lại lợi nhuận trên giấy cho công ty của Son. Trong số các giao dịch đó có 2 công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới là ByteDance Inc. với giá trị 75 tỷ đô la và Didi Chuxing Inc. với giá trị khoảng 56 tỷ đô la. 

Sự thất bại của WeWork đặt ra câu hỏi cho những con số như vậy. Startup công nghệ này ban đầu được định giá 47 tỷ đô la trong năm nay với khoản đầu tư của SoftBank, sau đó giảm mạnh xuống còn 7,8 tỷ đô la dù đã có gói cứu trợ đến từ Son. WeWork đã phải cắt giảm hàng nghìn nhân viên và đang tìm cách nhân rộng các hoạt động trở lại.

“WeWork không chỉ là một sai lầm, nó là tín hiệu của sự yếu kém trong toàn bộ mô hình. Nếu bạn thất bại trong việc định giá công ty, vậy sẽ ra sao đối với các công ty còn lại trong danh mục đầu tư?” câu hỏi được đưa ra bởi giáo sư Aswath Damodaran ngành tài chính tại trường đại học New York. Đáp trả lại, SoftBank cho rằng WeWork là một ngoại lệ, không phải là dấu hiệu của yếu kém và họ đã có cho mình bài học kinh nghiệm từ trường hợp này.

Phong cách đầu tư kiểu sau vài phút nghe thuyết trình, lập tức rót hàng tỷ USD vào startup của tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son nguy hiểm cỡ nào? - Ảnh 2.

Tỷ phú người Nhật cùng quỹ Tầm nhìn của mình

Kể từ khi công bố Quỹ Tầm nhìn 100 tỷ USD của mình vào năm 2016, Masayoshi Son trở thành nhà đầu tư công nghệ tích cực nhất hành tinh khi rót tiền vào hơn 80 công ty. Điều đó đã giúp tạo ra hàng loạt startup kỳ lân, hơn 300 công ty khởi nghiệp có giá từ 1 tỷ USD trở lên theo công ty nghiên cứu CB Insights.

Các giao dịch đầu tư khác của SoftBank cần được xem xét kỹ lưỡng. 

Phong cách đầu tư kiểu sau vài phút nghe thuyết trình, lập tức rót hàng tỷ USD vào startup của tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son nguy hiểm cỡ nào? - Ảnh 3.

Ứng dụng gọi xe DiDi

Năm 2015, SoftBank đã đầu tư vào ứng dụng gọi xe Trung Quốc - Didi Chuxing với định giá khoảng 6 tỷ đô la. Sau đó, họ đầu tư nhiều tiền hơn với trung bình cứ hơn 1 năm lại thêm 1 lần rót vốn, cho tới khi định giá của Didi leo lên tới 56 tỷ đô la. 

Nhưng những rắc rối bắt đầu xuất hiện kể từ khi Didi gây quỹ hai năm trước. Các nhà quản lý Trung Quốc tìm mọi cách hạn chế các dịch vụ cho thuê, gọi xe bởi chúng kéo theo 1 lượng người nhập cư vào các thành phố lớn và gây hại đến tài xế taxi truyền thống. Hai hành khách nữ đã thiệt mạng sau khi sử dụng dịch vụ của Didi Chuxing, khiến chính phủ nước này nhanh chóng yêu cầu tạm dừng dịch vụ. Ngoài ra, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngại về các ứng dụng gọi xe liên quan khi chứng kiến Uber sụt giảm khoảng 35% cổ phần kể từ khi IPO vào tháng 5.

Giới chuyên gia nhận định sự sụt giảm của Uber là cảnh báo cho SoftBank, họ nên xem lại mức đầu tư của mình và có thể nên hạ chúng xuống bằng với mức đầu tư cho Uber. Công ty Nhật Bản cũng nên xem xét lại các khoản đầu tư của mình vào các công ty dựa trên nền tảng đi chung xe như Grab Holding Inc. ở Đông Nam Á. Trong khi phía Didi từ chối đưa ra bình luận, phát ngôn viên của Grab cho biết không có sự thay đổi nào trong việc định giá và ngoài ra Grab sẽ đa dạng hóa công việc kinh doanh của mình.

Có lẽ thỏa thuận gây tranh cãi nhất của SoftBank sau WeWork là một công ty khởi nghiệp Ấn Độ có tên là Oyo được thành lập sáu năm trước bởi Ritesh Agarwal. Oyo sinh ra nhằm mang lại chất lượng đáng tin cậy cho ngành công nghiệp lưu trú vốn đang hỗn loạn của đất nước này. Nhân viên Oyo giúp chủ khách sạn nâng cấp mọi thứ từ đồ nội thất cho đến giường ngủ và đồ dùng vệ sinh. Ngoài ra, những nhà hàng và khách sạn được Oyo khuyến khích du khách đặt phòng sẽ nhận được một dấu màu đỏ kèm theo đó khách hàng sẽ được giảm khoảng 25% khi đặt qua ứng dụng.

Phong cách đầu tư kiểu sau vài phút nghe thuyết trình, lập tức rót hàng tỷ USD vào startup của tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son nguy hiểm cỡ nào? - Ảnh 4.

Ritesh Agarwal - CEO của Oyo

Trong khi SoftBank ủng hộ Oyo từ những ngày đầu, một số người lo sợ rằng sự đương đồng trong mối quan hệ của Son với Agarwal và của ông với nhà sáng lập WeWork rất có thể sẽ dẫn đến những sai lầm tương tự. Quỹ Tầm nhìn đã đầu tư 250 triệu đô la vào Oyo năm 2017 và dẫn đầu vòng tài trợ 1 tỷ đô năm ngoái, điều này đẩy giá trị của công ty Ấn Độ lên 5 tỷ đô la. Son khuyến khích Agarwal mở rộng sang các thị trường lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ và mới đây là thương vụ mua lại sòng bạc Hooters ở Las Vegas với giá 135 đô la trong quá trình mở rộng thị trường tại Mỹ.

Stephen Givens, một luật sư M&A ở Tokyo, lập luận rằng mô hình kinh doanh của Oyo giống với WeWork. Họ thực chất đều là doanh nghiệp bất động sản và công nghệ chỉ dùng để liên kết các bên nhưng khi mở rộng kinh doanh thì không còn giữ được giá trị ban đầu. “Oyo hoạt động hiệu quả và phù hợp ở một nơi như Ấn Độ. Tuy nhiên, mở rộng thị trường tại Hoa Kỳ và mua bất động sản lại là một rủi ro lớn.”

Phong cách đầu tư kiểu sau vài phút nghe thuyết trình, lập tức rót hàng tỷ USD vào startup của tỷ phú liều ăn nhiều Masayoshi Son nguy hiểm cỡ nào? - Ảnh 5.

Son cùng phép toán lạ trong bài thuyết trình tháng 2 vừa rồi

Vào tháng 2 vừa rồi, Masayoshi Son bắt đầu một sự kiện với 1 phép toán khá lạ “25 - 4 = 9”. Bằng cách này ông muốn đề cập việc SoftBank đang nắm giữ khối tài sản trị giá 25 nghìn tỷ yên (bao gồm cả cổ phần lên đến 12,5 tỷ yên tại Alibaba) và chỉ nợ 4 nghìn tỷ yên nhưng giá trị vốn hóa trên thị trường tại thời điểm đó chỉ là 9 nghìn tỷ yên. Trong nhiều năm, Son bày tỏ sự thất vọng khi các nhà đầu tư không thể nhìn thấy giá trị kinh doanh của mình. Qua các bài thuyết trình, ông thường sẽ tập trung vào việc vốn hóa thị trường của SoftBank đang thấp hơn giá trị tài sản thực của nó, bao gồm cả các cổ phiếu giao dịch công khai như Alibaba.

Nhưng với bê bối của WeWork, giá trị vốn hóa trên thị trường của SoftBank đã giảm xuống mức dưới 9 nghìn tỷ yên. Cổ phiếu đã giảm 30% kể từ mức cao nhất hồi tháng 4, mặc dù vẫn tăng 15% trong năm nay.

“Thị trường đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết và Masayoshi Son cần phải tìm cách xây dựng lại lòng tin.” Aswath Damodaran - giáo sư tài chính trường đại học New York cho biết.

Duy Thắng

Cùng chuyên mục
XEM