Phó tổng giám đốc Viettel Telecom: “Viettel hỗ trợ startup không phải chỉ bằng tiền và hiện vật”

11/08/2017 10:00 AM | Kinh doanh

Ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho rằng việc Viettel tổ chức cuộc thi khởi nghiệp không chỉ là góp tiền và hiện vật, mà còn có một hệ thống hỗ trợ xuyên suốt- thứ mọi startup đều thiếu và yếu.

Ít có công ty lớn trong mảng công nghệ lại hào hứng với một cuộc thi cho cộng đồng khởi nghiệp với quy mô tương đối nhỏ, lý do gì khiến Viettel tổ chức Vietnam IoT Hackathon 2017?

Trước đây, Viettel hỗ trợ các dự án trên định hướng cái gì phù hợp với ngành nghề phát triển của mình thì mới đầu tư, đồng hành. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi nhận thấy mình cần phải tham gia sâu, có trách nhiệm hơn, không chỉ gói gọn hợp tác với những dự án có liên quan tới hoạt động kinh doanh của Viettel. Đây là lý do chính và cuộc thi này là bước đầu tiên.

Vì sao cuộc thi lần này lại chọn chủ đề là IoT – mạng lưới vạn vật kết nối Internet?

IoT hiện là xu hướng và có tiềm năng rất lớn trên thế giới. Đối với Việt Nam, những sản phẩm IoT đã và đang triển khai vẫn chưa có sự nổi trội và thành công một cách xuất sắc. Đây là lý do Viettel mong muốn cộng đồng khởi nghiệp quan tâm đến vấn đề này, để bước kịp với thế giới và đưa ra những sản phẩm tốt nhất cho thị trường.

Nếu đây chỉ là bước khởi đầu thì Viettel sẽ chuẩn bị gì cho những cam kết phía sau, thưa ông?

Cuộc thi này tương đối nhỏ, có thể chỉ là khởi đầu của những ý tưởng. Trong khi đó, rất nhiều startup ngoài kia đã có sản phẩm hoàn thiện, đã có những bước tiến ban đầu vào thị trường, nhưng vẫn tìm thêm cơ hội hợp tác để mở rộng, phát triển hơn. Vì vậy, Viettel muốn truyền đi thông điệp: Các bạn không cần tham gia vào bất cứ cuộc thi nào mà có thể chủ động tìm đến chúng tôi nếu muốn hợp tác hoàn thiện dự án. Viettel sẽ luôn sẵn sàng!

Viettel từng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 20% vào các dự án startup có tiềm năng để hỗ trợ họ về hệ thống và triển khai. Ở cuộc thi này, những dự án đoạt giải liệu có cơ hội được Viettel đầu tư giống như vậy hay không?

Trước hết, bàn về vấn đề đầu tư 20%, đây là cam kết để giải quyết nỗi lo cho các nhà khởi nghiệp. Trước đây, nhiều công ty nhỏ khi nói chuyện hợp tác với Viettel vẫn luôn rất lo sợ việc một công ty lớn với tiềm lực của mình sẽ đầu tư và thôn tính, khiến các nhà sáng lập của startup mất dần vị trí lãnh đạo.

Vì thế, chúng tôi tuyên bố Viettel nếu có đồng hành, có đầu tư thì cũng chỉ chiếm tỷ trọng luôn dưới 50%, thông thường chỉ 20-30%. Chúng tôi cam kết là bệ đỡ với các dự án, còn định hướng chiến lược, vai trò điều hành chính vẫn là của những người đã làm nên startup đó.

Với cuộc thi này, Viettel sẽ không chỉ đóng vai trò là nhà tài trợ bằng tiền, bằng hiện vật cho cuộc thi mà quan trọng là chúng tôi có đầu ra, thứ mà các startup cần nhất nhưng cũng thiếu và yếu nhất. Không chỉ giúp họ tiếp cận tập khách hàng, người dùng phù hợp, Viettel còn tham gia như một nhà tư vấn để các startup phát huy tối đa giá trị sản phẩm của mình. Các hệ thống hỗ trợ khác như kênh thanh toán, chăm sóc khách hàng sẽ cung cấp cách thức giải quyết nhanh nhất cho các vấn đề nhà khởi nghiệp cần nhất.

So với các nhà đầu tư khác, cốt lõi sự khác biệt của Viettel là giúp dự án từ chỉ là một ý tưởng mới thành hình trở thành một sản phẩm hoàn thiện có đầu ra, và đạt được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Việc đầu tư, ươm mầm những dự án khởi nghiệp kiểu này vốn khó mang lại hiệu quả hiệu quả cao. Nếu như vậy, mục đích của Viettel khi thực hiện điều này là gì?

Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Viettel đã luôn xác định kinh doanh phải liền với trách nhiệm cộng đồng, xã hội. Trước đây, mọi người cũng biết Viettel rất có trách nhiệm với khách hàng của mình, khi chúng tôi có chương trình "Lắng nghe để phát triển" là tạo quỹ vài chục tỷ mỗi năm để dành tặng cho khách hàng có những ý kiến đóng góp với sản phẩm, dịch vụ Viettel nhằm khiến các dịch vụ này tốt hơn, mang lại nhiều giá trị hơn.

Viettel cũng đầu tư nhiều cho các chương trình xã hội lớn và thiết thực, như Internet trường học, Quỹ học bổng Vì em hiếu học khoảng 25-30 tỷ/năm để giúp các em học sinh đến trường, hay chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Trái tim cho em”...

Trong lĩnh vực công nghệ, Viettel là một trong những công ty đi đầu nên phải có trách nhiệm nâng đỡ cộng đồng. Giờ đây, việc hỗ trợ cộng đồng công nghệ cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Viettel, bên cạnh phục vụ khách hàng và phục vụ xã hội, để làm sao nâng được cộng đồng này lên, bắt kịp với những bước tiến rất nhanh và mạnh mẽ của thế giới./.

Diễn ra từ ngày 26/7/2017 đến ngày 30/9/2017, “Vietnam IoT Hackathon 2017” diễn ra với các vòng sơ loại, đào tạo – tư vấn, phản biện và vòng chung kết. 15 đội sẽ được tham gia vòng phản biện để chọn ra 4 đội với dự án xuất sắc nhất thi vòng chung kết tại TP.HCM trong 2 ngày 29 và 30/9/2017.

Ngay từ bây giờ, tất cả các nhóm hay cá nhân trên khắp Việt Nam đều có thể đăng ký tham gia cuộc thi tại website http://vietnamiothackathon.com. Hạn cuối đăng ký dự thi là ngày 10/09/2017.

A.D

Cùng chuyên mục
XEM