Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Lạm phát năm 2018 sẽ dưới 4%

27/12/2017 19:35 PM | Kinh tế vĩ mô

Từ kịch bản giá và phân tích, nhận định của các Bộ, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá khẳng định: “Chính phủ hoàn hoàn đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018 trong mức Quốc hội giao dưới 4%”.

Sáng 27/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì phiên họp cuối năm, đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017, đề ra phương hướng, kịch bản và giải pháp kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trưởng nhóm giúp việc cho Ban chỉ đạo đưa ra dự báo cuối cùng về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2017 ước tăng 2,46% so với thời điểm 31/12/2016. CPI bình quân năm 2017 ước tăng 3,52% so với năm 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4% cho năm nay.

Tất cả lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ban chỉ đạo đều đánh giá tiếp nối thành công về kiểm soát lạm phát của năm 2016, Chính phủ, các Bộ tiếp tục có thêm một năm điều hành giá thành công, bảo đảm hai mục tiêu: Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Kịch bản chi tiết, chủ động phối hợp điều hành giá

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: “Năm nay là năm thứ 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội”. Theo đó, năm 2016 lạm phát là 4,75%, bảo đảm chỉ tiêu dưới 5% và năm 2017 là 3,52%- dưới mức 4%.

Trong đó, ngành ngân hàng đưa tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, hỗ trợ cho việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Bà Hồng cho biết tới cuối năm tín dụng tăng khoảng 19%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng theo hướng chậm lại so với năm 2016.

NHNN cũng đưa mức dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục (51,5 tỷ USD- kể cả số tiền thu được từ bán vốn tại Sabeco). Kết quả trên giúp lạm phát cơ bản của ngành ngân hàng giảm dần đều từ 1,8% xuống mức dự kiến vào cuối năm là từ 1,4- 1,41%, đóng góp vào thành quả kiểm soát lạm phát bình quân của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thì đánh giá: “Năm 2017 là năm có bước đột biến trong chỉ đạo điều hành về giá, thể hiện ở các mặt: Kịch bản điều hành giá sát với diễn biến thị trường, xác định được từng mặt hàng thiết yếu và liên hệ tới sự thay đổi giá của các mặt hàng khác, sự phối hợp với các bộ ngành liên quan trong ban chỉ đạo rất tốt”.

Ông Đỗ Thắng Hải nêu một loạt ví dụ để chứng minh cho nhận định của mình: “Về giá điện, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu ngay từ đầu năm là khi các chỉ số giá các mặt khác trong tầm kiểm soát mới điều chỉnh giá điện và làm rõ thời điểm nào mới điều chỉnh, đồng thời đánh giá từng chi tiết nhỏ liên quan tới giá điện. Chúng ta đã chuẩn bị “hết nhẽ” cho điều chỉnh vào đầu tháng 12 vừa qua và làm tốt cả công tác truyền thông để an lòng thị trường”.

Về giá xăng dầu, Liên Bộ Tài chính, Công Thương tiếp tục phương thức điều hành nhất quán và sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay và trong giai đoạn trước mắt. Bộ Công Thương đang rà soát lại các điều kiện kinh doanh, bổ sung thực hiện thuế bình quân gia quyền để bổ sung cho Nghị định số 83 của Chính phủ để hoạt động kinh doanh xăng dầu tốt hơn trong năm 2018.

Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết thực hiện việc giảm phí BOT theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP, từ giữa năm 2017 nhiều trạm thu phí đã giảm mức thu. Mới đây 45/51 trạm BOT đạt được thoả thuận quyết toán đã thực hiện giảm phí. Còn 6 trạm nữa Bộ đang phối hợp với nhà đầu tư, ngân hàng đàm phán phương án tài chính để giảm phí ở các trạm này.

“Trong năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục tính toán phương án tài chính của từng dự án cụ thể, tiếp tục thực hiện chỉ đạo chung giảm giá phí BOT. Giảm phí BOT và phí logistic là hai trọng tâm chỉ đạo của Bộ trong năm tới”, ông Thọ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo nhận định công tác quản lý giá năm 2017 tiếp nối thành công 2016 sát với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra; các Bộ, ngành chủ động, tích cực trong điều hành, phối hợp điều hành các mặt hàng thiết yếu.

“Giá cả đi vào giai đoạn bình thường, ổn định theo xu hướng giảm hơn so với các năm trước nhiều”, Trưởng Ban chỉ đạo nói.

Bảo đảm hàng hoá cho dịp Tết

Từ kịch bản giá và phân tích, nhận định của các Bộ, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo tin tưởng: “Chính phủ hoàn hoàn đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018 trong mức Quốc hội giao dưới 4%”.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính điều hành thu chi ngân sách chặt chẽ theo dự toán, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đầu tư công, đầu tư toàn xã hội. NHNN điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt theo diễn biến thị trường cả về lãi suất, tỷ giá, tín dụng theo mức lạm phát cơ bản tăng từ 1,6- 1,8%, tổng mức tín dụng tăng từ 17- 18%, bảo đảm cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng để phòng ngừa những biến động tiền tệ.

Bộ Công Thương, NN&PTNT bảo đảm cung ứng hàng hoá trong thời điểm lễ tết, quan tâm không chủ quan về giá thịt heo với trường hợp thiếu hụt nguồn cung vào Quý II/2017.

Bộ Y tế tính toán thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT tại 18 tỉnh còn lại, đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ; tăng cường quản lý giá biệt dược, generic, giá thuốc bán lẻ, cùng với BHXH thực hiện đấu thầu thuốc dùng cho BHYT để giảm giá thuốc từ 10- 15%.

Đối với giá cát, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Dứt khoát không thể xảy ra đột biến như năm 2017, nhất là với các công trình lớn triển khai trong năm 2018 như dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam. Bộ Xây dựng điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn tro xỉ của các nhà máy luyện kim để thay thế cát san lấp. Chủ tịch UBND các tỉnh quản lý tốt các mỏ đất, đá để tránh đầu cơ, nơi nào quản lý tốt thì sản xuất bình thường, nếu không tốt, sai phạm thì xử lý nghiêm, không để ảnh hưởng tới cung - cầu cát trên thị trường”.

Về giá dịch vụ giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tính toán cơ chế để các Đại học đăng ký mức độ tăng, thời điểm tăng giá học phí, phối hợp với các ngành khác phân bổ thời điểm tăng giá các loại dịch vụ, tránh tác động bất lợi.

Theo Lan Anh

Cùng chuyên mục
XEM