Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Hình ảnh người nông dân cầm điện thoại bên con trâu phải nâng cấp bằng băng rộng đến mọi nơi”

16/04/2017 20:15 PM | Công nghệ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, 20 năm trước chúng ta đã quyết liệt để đưa thông tin di động về nông thôn với hình ảnh xúc động ban đầu về những người nông dân đi bên cạnh con trâu mà cầm điện thoại di động thì nay phải được nâng lên băng rộng đến từ mọi nơi.

Việt Nam phải nâng cấp từ giấc mơ alô sang băng rộng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập VINASA và công bố, trao Danh hiệu Sao Khuê năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến câu chuyện băng rộng cho mọi người dân và đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống.

Phó Thủ tướng cho rằng, về hạ tầng, nhất thiết Việt Nam phải phát triển hạ tầng thông tin băng rộng đến tất cả mọi ngõ ngách, tương tự như 20 năm trước đây chúng ta đã quyết liệt tiên phong đi đầu để đưa thông tin di động về tận vùng núi, vùng nông thôn. Theo Phó Thủ tướng, từ những hình ảnh xúc động ban đầu về những người nông dân đi bên cạnh con trâu mà cầm điện thoại di động thì nay phải được nâng lên là thông tin băng rộng được đưa về từng ngõ ngách, từ vùng núi, hải đảo, nông thôn đến khắp mọi nơi.

“Các doanh nghiệp viễn thông đã có cam kết rất cụ thể với Chính phủ về việc này. Ngay trong đầu năm nay, Việt Nam sẽ có một mạng thông tin 4G tầm cỡ, quy mô lớn trên thế giới sẽ được chính thức khai trương. Chương trình viễn thông công ích sẽ được tiếp tục sẽ được phát huy với mục tiêu này. Công ích trước đây chỉ là điện thoại thì nay phải là thông tin băng rộng”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang bàn và tới đây sẽ phối hợp với các hội, hiệp hội, phải làm sao để bằng CNTT chúng ta phải phổ biến được tri thức khoa học công nghệ ra toàn xã hội. “Một dân tộc chỉ có thể mạnh nếu đó là một dân tộc nắm được tri thức của thời đại”, Phó tướng Vũ Đức Đam cho hay, thời điểm đất nước mới được độc lập, Bác Hồ đã nói phải diệt giặc dốt và coi giặc dốt ngang giặc ngoại xâm, giặc đói; và khi đó Việt Nam đã có phong trào “Bình dân học vụ” để xóa mù chữ.

“Phải chăng bây giờ cũng là lúc chúng ta phải xóa mù về tri thức công nghệ để sao cho trong một thời gian rất ngắn, tất cả người dân Việt Nam phải được trang bị những kiến thức, tri thức cần thiết góp phần cùng làm cho Việt Nam phát triển nhanh hơn. Tất cả những đều đó đặt ra cho chúng ta, những người làm CNTT thách thức rất lớn nhưng cũng là sứ mệnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel đã nhiều lần đề cập đến vấn đề để đưa tri thức đến cho người dân một cách nhanh nhất không thể dùng mày tính để bàn kết nối Internet được mà phải làm sao mỗi người dân phải có 1 chiếc smartphone và được kết nối băng rộng di động. Tuy nhiên, để làm được như vậy cần 3 yếu tố là giá smartphone phải rẻ để nhiều người có thể mua được. Thứ 2 vùng phủ sóng băng rộng di động (3G và 4G) phải rộng khắp để người dân ở đâu cũng có thể truy cập được. Yếu tố thứ 3 là muốn phổ cập dịch vụ di động băng rộng đến mọi người dân thì cước phí băng rộng phải rẻ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu Việt Nam làm được việc phổ cập smartphone và băng rộng đến mọi người dân thì sẽ có cơ hội ngang bằng với nhiều nước phát triển trên thế giới.

Viettel đã sẵn sàng phủ 4G giá rẻ đến hầu hết người dân Việt Nam

Bình luận liên quan đến vấn đề này, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, đây là thời điểm chín muồi để các nhà mạng Việt Nam triển khai mạnh 4G. Thứ nhất khía cạnh về công nghệ 4G đã chín muồi và giá thiết bị 4G rẻ đi rất nhiều nên nhà mạng có cơ hội cung cấp giá cước phù hợp cho khách hàng. Thứ 2 hầu hết các smartphone bán tại Việt Nam đã hỗ trợ 4G và có giá tương đương với smartphone 4G. 4G là công nghệ tiếp theo của 3G và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng Việt Nam, đặc biệt là về tốc độ dữ liệu trên mạng di động.

"Hạ tầng mạng viễn thông thì 4G giống như đường cao tốc thông tin, giúp nâng cao cấu trúc hạ tầng thông tin của Việt Nam lên rất nhiều. Đặc biệt 4G mở rộng tỷ lệ dùng băng rộng di động, mà theo tính toán thì khi tỷ lệ người dân của một quốc gia sử dụng di động băng rộng tăng 10% thì GDP tăng 1%, nâng cao môi trường đầu tư, hiệu quả công việc của từng cá nhân và tận dụng được thông tin hiện nay trên Internet. Thế nên tôi nghĩ 4G sẽ đóng góp rất tốt vào sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam”, ông Thiều Phương Nam nói.

Viettel triển khai lắp đặt 36.000 trạm 4G phủ khắp Viẹt Nam

Mới đây, Lars Werner, Giám đốc Công nghệ, Ericsson Việt Nam & Myanmar nói rằng, Việt Nam là một trong những nước cuối cùng ở châu Á cấp giấy phép triển khai 4G cho các nhà mạng. Các nhà mạng ở Việt Nam cũng cho rằng nếu như 2G Việt Nam ở tốp những những nước triển khai sớm, đến 3G Việt Nam đi muộn hơn các nước trong khu vực một chút, nhưng đến 4G thì Việt Nam nằm vào tốp cuối.

Thế nhưng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, Việt Nam vẫn có thể nhanh chóng đảo ngược tình thế với cách triển khai 4G của các nhà mạng Việt Nam.

“Viettel sẽ triển khai 4G như đã từng làm với mạng 2G, mục tiêu làm bùng nổ dịch vụ băng rộng di động tới hầu hết người dùng di động, góp phần đưa Việt Nam lên thứ hạng cao trên bản đồ viễn thông thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong vài năm tới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Để thực hiện quyết tâm đó, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Chỉ trong 6 tháng, Viettel sẽ xây dựng xong gần 36.000 trạm thu phát sóng 4G. Như vậy, chỉ sau hơn 6 tháng triển khai rầm rộ, mạng 4G của Viettel đã có mặt rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước, phủ sóng tới 704 quận, huyện, tương đương với gần 99%, huyện của Việt Nam. Đến tháng 4/2017 chúng tôi chắc chắn lắp xong 36.000 trạm 4G và sẵn sàng kinh doanh. Như vậy, Viettel đã xây dựng được hạ tầng 4G lớn hơn cả hạ tầng 3G đã làm trong suốt 8 năm. Viettel sẽ phủ sóng tới 95% dân số Việt Nam, ở nhiều nơi là vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng có sóng 4G”.

Theo Thái Khang

Cùng chuyên mục
XEM