Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: "Thay vì dùng sức người, Việt Nam sẽ đẩy mạnh sử dụng tri thức trong sản xuất"

04/11/2016 08:39 AM | Xã hội

Phát biểu trong sự kiện Vietnam Summit 2016 sáng 3/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam từng phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực và vốn để phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cách mạng số - đang diễn ra, Việt Nam phải đặt vấn đề thay đổi mô hình phát triển.

Kể từ năm 1990 tới nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các thị trường mới nổi đang chững lại nhưng Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực. Các chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ vào khoảng 6% trong năm nay và có thể tăng cao hơn trong năm 2017.

Chia sẻ về những yếu tố giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong 30 năm đổi mới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng việc chuyển đổi nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường đã góp phần gỡ bỏ các rào cản, thúc đẩy sự phát triển. Trong khi đó, Việt Nam tận dụng và phát huy tốt các lợi thế, trong đó có nguồn nhân công dồi dào, để thúc đẩy phát triển.

Khi những lợi thế từng là thế mạnh của Việt Nam tới hạn, Việt Nam quyết tâm hội nhập, lấy hội nhập kinh tế là chủ đạo và đã thành công. Hợp tác thương mại mạnh mẽ với các quốc gia trong và ngoài khu vực tạo cho Việt Nam động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5 tới 7%/năm trong giai đoạn 5 năm tới.

Chia sẻ về tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định cổ phần hoá là mục tiêu của quá trình đổi mới. Hiện tại, Việt Nam đã và đang tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và gặt hái được nhiều thành quả. Số doanh nghiệp cổ phần hoá liên tiếp gia tăng, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nhiều.

Việc cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn nhằm tăng cường khả năng quản trị bộ máy, giúp làm ăn ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá cũng gặp trở ngại với những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn quyết tâm tiến hành cổ phần hoá, chỉ giữ lại các doanh nghiệp liên quan tới an ninh quốc gia, chẳng hạn như lĩnh vực an ninh và năng lượng.

Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có sân chơi bình đẳng. Tuy nhiên, Việt Nam không lựa chọn phát triển bằng mọi giá. Việc đầu tư được chú trọng nhằm bảo vệ môi trường, phát triển những lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ mới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Thay vì dùng sức người, Việt Nam sẽ đẩy mạnh sử dụng tri thức trong sản xuất - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết những lợi thế từng là thế mạnh của Việt Nam đã tới hạn nên cần tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh các địa phương tại Việt Nam cạnh tranh đầu tư, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích liên kết giữa các vùng nhằm tạo ra sự phát triển chung, ngăn chặn các địa phương khuyến khích đầu tư bằng mọi giá, gây ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của đất nước để đổi lấy lợi ích ngắn hạn.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam từng phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực và vốn để phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cách mạng số - đang diễn ra, Việt Nam phải đặt vấn đề thay đổi mô hình phát triển. Thay vì dùng sức người, Việt Nam sẽ đẩy mạnh sử dụng tri thức trong sản xuất nhằm tạo ra năng suất lao động lớn.

Để đáp ứng mục tiêu này, Việt Nam sẽ tập trung phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, yếu tố đòi hỏi tích tụ ruộng đất để áp dụng công nghiệp hoá cho nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp đảm bảo số lựng nhưng vẫn chất lượng sẽ tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghiệp hoá vào nông nghiệp cũng sẽ gây ra tỉ lệ thất nghiệp lớn.

Thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề, Phó Thủ tướng cho rằng khoảng 40% nông dân Việt Nam sẽ bị tác động bởi tiến trình phát triển nông nghiệp hiện đại, vốn cần ít nhân công hơn so với làm nông nghiệp truyền thống. Giải pháp cho vấn đề này là tăng cường công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy quá trình chuyển giao lao động. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ cần tăng cường giáo dục, dạy nghề để nâng cao trình độ lao động.

Ngoài nông nghiệp, dệt may cũng sẽ là lĩnh vực bị tác động mạnh bởi quá trình tự động hoá. Những lao động giản đơn sẽ dễ bị máy móc thay thế nhưng ngành nghề nào cũng cần lao động tay nghề cao. Cần đạo tạo lao động để nâng cao tay nghề cũng như tạo ra sự kết hợp giữa công nghiệp hoá với lao động lành nghề.

Đề cập tới khả năng tăng trưởng nhanh như 20 năm qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thẳng thắn nhận định là khó. Cụ thể, nhân tố duy trì tăng trưởng cho Việt Nam trong suốt 30 năm qua đã tới hạn. Việt Nam, dù vẫn đặt mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bền vững, với mức tăng trưởng hợp lý. Việt Nam không chọn tăng trưởng nhanh bằng mọi giá, chấp nhận đánh đổi những lợi ích lâu dài.

Một trong những thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu nhưng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm tới thị trường trong nước, phát huy nội lực. Với bên ngoài, Việt Nam tăng cường tham gia các hiệp định thương mại tự do, giúp Việt Nam tăng cường cơ hội giao lưu, phát triển với các nước khác nhau. Hiện tại, Việt Nam đã ký các hiệu định Thương mại tự do có liên quan tới 55 quốc gia đối tác trên toàn thế giới.

Trước câu hỏi về nguy cơ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được thông qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam tham gia đàm phán TPP nhằm mục đích quyết tâm thúc đẩy thương mại, mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam nên Việt Nam mong TPP được thông qua.

Để TPP trở thành hiện thực, tất cả 12 nước thành viên, trong đó có Mỹ, đều phải thông qua hiệp định. Đây là lợi ích chung giữa các nước tham gia đàm phán. Nếu Mỹ nói không với TPP, rõ ràng đây là thiệt hại với tất cả các nước, trong đó có cả Mỹ.

Đối với Việt Nam, TPP không phải hiệp định duy nhất Việt Nam tham gia đàm phán. Chúng ta có nhiều hiệp đình với các đối tác khác, chẳng hạn như Liên minh châu Âu (EU), các nước ASEAN hay cả APEC.

Đề cập tới chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chính phủ sẽ đưa ra chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát huy tiềm năng, không có vấn đề xin cho mà là quyền của các doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM