Phó Thủ tướng: Nhiều nhà đầu tư BOT năng lực hạn chế, "thông đồng" làm tăng chi phí

09/06/2016 09:27 AM | Kinh tế vĩ mô

Việc tăng chi phí đầu tư như Phó thủ tướng đã nêu ra, xét cho cùng, lại đổ lên vai những người đi đường khi mức phí BOT sẽ phải tăng đề bù đắp cho nhà đầu tư.

Tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011- 2015 do Bộ GTVT quản lý, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá hiệu quả thu hút đầu tư BOT thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại như không ít công trình còn lún, nứt, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây bức xúc xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, việc phát triển các dự án giao thông vừa qua là “phong trào BOT”. Nhiều nhà đầu tư có trách nhiệm, tâm huyết và xác định đúng khối lượng và chi phí và được dân ủng hộ.

Nhưng vẫn còn những nhà đầu tư chưa tính toán chính xác, trình độ, năng lực còn hạn chế, sai sót ở khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán, để lại nhiều bức xúc cho người dân.

Ông Dũng cho biết qua thanh tra, kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra. Đó là chưa nói đến có sự “thông đồng” nên dẫn đến như vậy.

"Việc này làm tăng chi phí đầu tư, làm tăng thời gian thu phí và tăng chi phí đầu vào cho hàng hóa, làm giảm sức cạnh tranh các sản phẩm của Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc tăng chi phí đầu tư như Phó thủ tướng đã nêu ra, xét cho cùng, lại đổ lên vai những người đi đường khi mức phí BOT sẽ phải tăng đề bù đắp cho nhà đầu tư.

"Chính vì vậy, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, cái này dư luận có ý kiến, chúng ta không thể bỏ qua được”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc huy động vốn đầu tư BOT, BT cho giao thông chỉ mới từ các doanh nghiệp trong nước, chưa thu hút được doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, vốn của những doanh nghiệp này lại yếu, dựa vào ngân hàng, do đó chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong những năm tiếp theo.

Ông Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các bộ nghiên cứu cơ chế huy động nguồn vốn cho đầu tư PPP (đối tác công - tư).

“Vừa rồi tôi làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, họ rất ủng hộ quan điểm sẽ hỗ trợ 30% cho dự án hạ tầng giao thông bằng BOT, nhà đầu tư bỏ 30%, còn 40% vay tín dụng để đảm bảo dự án đó không có rủi ro.

Các bộ phải làm ngay cái này, nếu không làm sẽ không huy động được nguồn lực. Làm được như vậy mới huy động được vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng giao thông” - ông Dũng gợi ý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT cần nhận thức lại bản chất đầu tư BOT và phải tính toán để bảo vệ lợi ích của người dân, xác định chính xác tổng mức đầu tư, minh bạch trong chọn nhà thầu, rà soát kiểm tra lại các dự án nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hoặc theo định kỳ để kịp thời khắc phục các sai phạm về khối lượng chất lượng, về giá phí, trạm thu phí..

Theo Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2011-2015, ngành giao thông đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng).

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư 36 dự án với tổng đầu tư 111.854 tỷ đồng. Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành.

K.L

Cùng chuyên mục
XEM