Phó thủ tướng Nhật: Thảo luận TPP không Mỹ vào tháng 5 tại Hà Nội

21/04/2017 09:13 AM | Kinh tế vĩ mô

Việt Nam và các nước khác muốn thúc đẩy những thay đổi trong hiệp định thương mại.

Các thành viên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, trừ Mỹ, sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc thực hiện thỏa thuận này vào tháng 5, Phó thủ tướng Nhật Taro Aso cho biết trong một bài phát biểu tại New York hôm thứ 4.

Ông Aso cho biết 11 nước thành viên còn lại của TPP sẽ bắt đầu đàm phán "để thỏa thuận có hiệu lực, mà không có nền kinh tế lớn nhất thế giới, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 5". Các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức cùng với cuộc họp của Bộ trưởng Thương mại APEC tại Hà Nội vào khoảng giữa đến cuối tháng 5.

Phó thủ tướng Nhật: Thảo luận TPP không Mỹ vào tháng 5 tại Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Aso nói rằng các đàm phán đa phương như TPP sẽ giúp "Nhật Bản nhận được nhiều lợi ích từ các nước khác, dù có phải thua thiệt so với một số nước nhất định, như Mỹ".

Có vẻ như ông đang hất một gáo nước lạnh vào phương thức tiếp cận song phương trong thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ưa thích. Ông Aso nói rằng đàm phán song phương không thể mang lại lợi ích tương đương.

Phó thủ tướng Nhật: Thảo luận TPP không Mỹ vào tháng 5 tại Hà Nội - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Nhật Taro Aso

Cho đến nay, chính phủ Nhật Bản từng rất thận trọng trong việc thúc đẩy TPP mà không có Mỹ, nhưng đã thay đổi cách tiếp cận khi nhận ra thái độ thù địch của ông Trump đối với các thỏa thuận đa phương.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhật Bản, Bộ trưởng nội các Yoshihide Suga cho biết chính phủ nước này "không loại trừ bất kỳ khả năng nào", nhưng Nhật sẽ tiếp tục "bền bỉ giải thích” các lợi ích của TPP với Mỹ, với hy vọng làm nước này thay đổi lập trường.

Phó thủ tướng Nhật: Thảo luận TPP không Mỹ vào tháng 5 tại Hà Nội - Ảnh 3.

Bộ trưởng nội các Yoshihide Suga

Ông Trump làm đúng như cam kết trong chiến dịch tranh cử, để Mỹ rút khỏi TPP hồi tháng 1/2017. Việc thực hiện thỏa thuận mà không có Mỹ có nghĩa là các thành viên cần thay đổi các điều khoản thỏa thuận. Đây có thể là tin vui cho Việt Nam và các quốc gia từng phải nhượng bộ Mỹ trong đàm phán ban đầu.

Theo Trang Hồ

Cùng chuyên mục
XEM