Phó Thủ tướng muốn ngành giáo dục đổi mới cách dạy môn Thể dục để không bị... chán

22/02/2017 15:05 PM | Xã hội

Buổi làm việc của Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ VHTT&DL đã nhìn nhận thẳng vào vấn đề hiện tại của trường học: Những giờ học thể dục rất...chán

Một thực trạng ngày nay ở các trường học phổ thông trong hệ thống giáo dục Việt Nam là những giờ học thể dục thường rất...chán. Cả thầy cô lẫn học trò hẩu như đều không làm gì đúng nghĩa là vận động trong một giờ thể dục bình thường cả.

Vào chiều ngày 21/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL về công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.

Theo đó, đánh giá từ báo cáo của Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận rằng: Trong những năm qua, công tác giáo dục thể chất, thể dục, thể thao trong trường học vẫn chưa tương xứng với vị trí và có vai trò, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Tầm vóc và thể lực của học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn còn ở mức hạn chế so với các nước trong khu vực. Học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu kỹ năng tập luyện thể thao, chăm sóc sức khỏe và phòng tránh tai nạn thương tích.

Nói đến thực tại tình hình dạy và học thể dục ở trường học hiện nay thì tính đến năm 2016, cả nước đã có trên 95% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa, 75% số trường có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa với 71% trong tổng số 14,9 triệu học sinh phổ thông tham gia.

Tuy nhiên, các hoạt động thể dục, thể thao vẫn còn mang đậm tính phong trào, chưa chú trọng vào việc rèn luyện kỹ năng, thói quen luyện tập thể thao thường xuyên của số đông học sinh.

Môn học thể dục trong các trường học vẫn còn rất cứng nhắc, chưa đáp ứng được theo sở thích, năng khiếu của học sinh, sinh viên.

Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tập luyện thể dục, thể thao cũng vẫn còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư. Hiện chỉ có 6,3% trường phổ thông có nhà tập hoặc nhà thi đấu thể thao; 0,4% có bể bơi; 15% có sân tập. Đội ngũ giáo viên thể dục trong trường phổ thông có trên 76.000 người, trong đó chuyên trách chiếm 74%.

“Giáo dục là toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ. Chúng ta đang đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, bên cạnh phần kiến thức thì giáo dục thể chất phải có vị trí tương xứng. Cách dạy, cách học môn thể dục phải thay đổi để không còn là giờ học nhàm chán”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định trong buổi làm việc.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề: "Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là rất quan trọng nhưng chính yếu nhất là phương pháp, cách làm. Giả sử, nếu có quy định cụ thể yêu cầu đối với trường đạt chuẩn quốc gia phải đạt tỷ lệ 100% học sinh biết bơi thì sẽ khác đi"

"Ở nông thôn, người dân ở một xã hoàn toàn có thể góp công, góp sức để các cháu có chỗ đá bóng, tập bơi, chơi thể thao... Còn ở thành phố, các trường có thể kêu gọi xã hội hóa, sự hỗ trợ, hợp tác của các liên đoàn, hiệp hội hay các câu lạc bộ thể thao"

Để đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định nội dung chương trình trong sách giáo khoa phổ thông mới giờ đây sẽ xác định vai trò phù hợp của hoạt động giáo dục thể chất, thể thao từ thời lượng, đến phương pháp tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Môn thể dục sẽ được thay đổi rất căn bản. Giáo dục thể chất sẽ phải tạo hứng thú, hấp dẫn và phù hợp, linh hoạt thay vì chú trọng hình thức.

Mục tiêu là làm sao khiến thể dục trở thành một môn tạo sự thoải mái cho học sinh, chứ không phải là môn học gây áp lực cho học sinh như hiện nay.

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM