Phó giám đốc Học viện Ngân hàng: “Khát” sinh viên vì áp lực chỉ tiêu doanh số

09/09/2016 09:15 AM | Kinh doanh

Ngân hàng đã từng đứng đầu bảng về ngành học “hot” nhất, là niềm mơ ước của nhiều học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, theo nhận định mới đây của TS. Đỗ Thị Kim Hảo – Phó giám đốc Học viện Ngân hàng thì năm nay lượng thí sinh đăng ký ngành ngân hàng giảm rõ rệt.

Hệ thống Ngân hàng Việt Nam hiện tại đang bộc lộ nhiều điểm yếu đáng lo ngại. Trước thực trạng này, mới đây, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh Tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo “Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016-2020”.

Theo đó, một trong những điểm được đánh giá là vấn đề lớn nhất hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam là hoạt động quản trị, quản trị rủi ro và giám sát ngân hàng còn yếu.

Việc sáp nhập các ngân hàng là một bước đi đúng

TS. Lương Thái Bảo, viện Ngân hàng – Tài chính cho biết: Ngân hàng là một định chế có tính đặc thù, đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ vốn từ nơi dư thừa sang nơi sử dụng hiệu quả. Ngân hàng có đặc điểm nổi trội là: vốn về tài chính, vốn về nhân lực, vốn về năng lực quản trị.

Theo ông Bảo, trong giai đoạn phát triển, cấu trúc của ngân hàng bộc lộ nhiều bất cập. Trong thể chế ngân hàng điểm yếu nằm ở năng lực quản trị và thông tin của ngân hàng.

“Trên thực tế thị trường ngân hàng các nhà đầu tư luôn bị thiếu thông tin. Đây là điểm bất đối xứng luôn tồn tại trong thông tin ngân hàng. Vì thế chúng ta cần một cơ chế giám sát đặc thù cho ngành này”, ông Bảo nhận định.

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan giám sát của chúng ta không đủ năng lực, nguồn lực để giám sát hoạt động của ngân hàng, ông Bảo cho biết. Vì thế cần cơ chế giám sát của thị trường với 2 yếu tố chính là từ bên trong (trong nội bộ công ty) và yếu tố bên ngoài.

Khi có sự cạnh tranh, các ngân hàng thi nhau tăng trưởng, bành trướng nhiều hơn là để ý tới quản trị, vì thế nợ xấu trong một thời gian đã trở thành vấn đề lớn nhất với ngân hàng Việt Nam.

Vì vậy, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là hướng tới lành mạnh, minh bạch hóa thông tin, cũng như nâng cao năng lực quản trị, quản trị rủi ro của các ngân hàng.

Ông Bảo nhận định: Việc sáp nhập các ngân hàng là một bước đi đúng, nhằm giảm bớt các ngân hàng yếu kém, nâng cao trật tự, kỷ cương của ngân hàng.

Sinh viên bớt "ham" ngành ngân hàng vì nhiều thông tin tiêu cực

Đồng ý kiến với TS. Lương Thái Bảo, TS. Đỗ Thị Kim Hảo - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết: Thời gian vừa qua chứng kiến nhiều câu chuyện không hay về ngân hàng, trong 10 đại án quốc gia thì có tới 8 đại án là liên quan tới ngân hàng.

TS. Đỗ Thị Kim Hảo - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng
TS. Đỗ Thị Kim Hảo - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng

Theo bà Hảo thì năm nay số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Ngân hàng giảm rõ rệt cũng là do e ngại về áp lực chỉ tiêu doanh số với nhân viên ngân hàng và những lùm xùm mới đây.

Thực trạng trên cho thấy tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn trước 2011-2015 đã không đạt được kết quả như mong muốn. Hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi luôn tồn tại sự bất cân xứng về thông tin ngân hàng với khách hàng, hoặc chủ ngân hàng với các cổ đông khác.

Bà Hảo cho biết: hiện có 3 lớp giám sát với ngân hàng. Đầu tiên là lớp giám sát trong nội bộ ngân hàng.

“Rủi ro diễn ra khắp nơi, ngay cả Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàng cũng có thể gặp phải việc 'bỗng dưng' mất tiền trong tài khoản, vì thế bản thân ngân hàng cần tự nhận thức phải quản trị rủi ro như thế nào”, bà Hảo nhận định.

Nếu ngân hàng tự nhận thức về quản trị rủi ro, mục tiêu tăng trưởng sẽ vừa phải chứ không cao như hiện nay và nhân viên sẽ không buộc phải làm bằng mọi cách để đạt chỉ tiêu.

Lớp giám sát thứ 2 là giám sát của cơ quan quản lý, giám sát nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước ( NHNN ) mới dừng ở trụ cột 1, là nền tảng cơ bản nhất với ngân hàng, chứ chưa có khung quản trị rủi ro đủ để lượng hóa được tất cả rủi ro.

“Vì vậy, NHNN cần hướng dẫn cho các ngân hàng để không bị kinh doanh quá khả năng nguồn lực của họ”, bà Hảo nhận định.

Cuối cùng là lớp giám sát từ thị trường. Lớp giám sát này là do các khách hàng quan tâm tới sinh lợi và an toàn của ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay khách hàng mới chỉ giám sát được qua thông tin công bố công khai của các ngân hàng.

Đặc biệt, báo cáo rủi ro của các ngân hàng đa phần sơ sài. Bởi theo chuẩn mực thì báo cáo này sẽ khoảng hơn 100 trang nói rõ là tại sao lại lựa chọn phương án này, quản trị ra sao với những rủi ro và cách giải quyết hậu quả như thế nào nếu nó xảy ra, bà Hảo phân tích.

Qua những phân tích, bà Hảo cho biết: Thách thức lớn nhất với ngân hàng Việt Nam hiện tại là hệ thộng kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Hệ thống này chưa phát huy được đúng vai trò của nó. “Đây cũng là lý do dẫn tới việc minh bạch trong công bố thông tin thiếu chuyên nghiệp, sơ sài, thiên về giám sát tuân thủ", bà Hảo khẳng định.

Theo Nguyễn Thoan

Cùng chuyên mục
XEM