Phó Giám đốc đầu tư VCBF: Đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư phân bổ một phần tài sản vào cổ phiếu với tầm nhìn trung và dài hạn

01/11/2023 10:10 AM | Kinh doanh

Theo ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc đầu tư VCBF, với điều kiện vĩ mô hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới và đây là thời điểm tốt để phân bổ một phần tài sản của mình vào cổ phiếu.

Phó Giám đốc đầu tư VCBF: Đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư phân bổ một phần tài sản vào cổ phiếu với tầm nhìn trung và dài hạn - Ảnh 1.

Đến thời điểm này, tình hình kinh tế thế giới đã có nhiều sự cải thiện hơn so với đầu năm. Thay vì những dự đoán về suy thoái kinh tế thì giới phân tích lại đang sử dụng cụm từ “hạ cánh mềm” nhiều hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo lãi suất tại Mỹ dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, đồng USD vẫn trong xu hướng tăng so với các đồng tiền khác, trong khi những lo ngại về lạm phát vẫn còn đó khi giá năng lượng hay thực phẩm có dấu hiệu tăng trở lại… khiến cho các nhà đầu tư lo lắng rằng, bộ ba áp lực lãi suất, tỷ giá và lạm phát trên thế giới sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong nước.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, các chuyên gia cho rằng, những yếu tố như lãi suất, tỷ giá hay lạm phát trên toàn cầu, tuy có sự ảnh hưởng nhất định, nhưng hiện kinh tế Việt Nam vẫn đang có những yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện để nhà quản lý có thể thực hiện những chính sách giúp hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Nhận định về lãi suất, tỷ giá và lạm phát ở Việt Nam, ông Nguyễn Triệu Vinh, CFA, Phó Giám đốc đầu tư Công ty QLQ Vietcombank (VCBF) cho rằng, ba yếu tố này có sự tác động qua lại lẫn nhau, mặc dù đôi khi có độ trễ nhất định. Ở Việt Nam, đối với lãi suất, vừa qua 4 ngân hàng quốc doanh lớn đã đưa mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng cá nhân về mức 5,3%, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm. Lãi suất cho vay cũng đã giảm đáng kể.

Theo quan sát của VCBF, một số ngân hàng đang cho vay mua nhà với mức lãi suất cố định trong 1 - 2 năm đầu khoảng 8,5%, lãi suất cho vay vốn lưu động ở mức khoảng 5%. Đây là yếu tố rất tích cực cho tiêu dùng và đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới. Môi trường lãi suất thấp sẽ gây áp lực lên lạm phát. Nhưng đây chưa phải là điều đáng lo, ít nhất là trong vài quý tới, vì tổng cầu trong nước còn kém.

"Chúng ta có thể thấy điều này qua mức tăng trưởng GDP khá khiêm tốn trong quý 3 vừa qua. Tăng trưởng tín dụng cũng đang ở mức thấp mặc dù có cải thiện trong 1 - 2 tháng gần đây. Về tỷ giá thì chúng ta thấy áp lực lên tiền đồng đã gia tăng đáng kể trong các tháng gần đây. Đây cũng là điều dễ hiểu vì trong khi Việt Nam đang duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì Mỹ lại đang tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kìm hãm lạm phát", ông Vinh nói.

Ông Vinh cho biết tỷ giá cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tương quan cung cầu đồng nội tệ và ngoại tệ. Do đó để hỗ trợ đồng nội tệ và tránh tình trạng đầu cơ, trong khoảng 2 tuần, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu kỳ hạn ngắn với tổng giá trị 185.700 tỷ đồng tính đến ngày 12/10/2023 để giảm lượng VND dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng sẽ được hỗ trợ tích cực từ thặng dư thương mại gần 22 tỷ USD và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài gần 16 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Phó Giám đốc đầu tư VCBF: Đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư phân bổ một phần tài sản vào cổ phiếu với tầm nhìn trung và dài hạn - Ảnh 2.

Nhận định về lãi suất của Mỹ và tác động đối với Việt Nam, ông Vinh cho rằng FED sẽ sớm kết thúc chương trình tăng lãi suất. Theo dự phóng hiện nay thì tổ chức này sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11 nhưng gần đây cũng có nhiều nhận định cho rằng FED không cần thiết phải tăng lãi suất thêm nữa.

Nhưng một điều khá chắc chắn là tổ chức này sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao cho đến khi họ kiểm soát lạm phát thành công. Mặc dù lạm phát bên Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua, nhưng chỉ số lạm phát lõi trong tháng 9 vừa qua vẫn ở mức tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức kỳ vọng trong dài hạn là 2,0%. Trong báo cáo gần nhất, FED đã nâng mức dự phóng lãi suất lên so với trước đây cho năm 2024 (5,1% so với 4,6%) và năm 2025 (3,9% so với 3,4%). Với triển vọng lãi suất như vậy, áp lực lên đồng nội tệ và xuất khẩu sẽ duy trì trong thời gian tới.

Khi đồng USD tăng giá, mà chủ yếu là do FED duy trì quan điểm giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để kìm hãm lạm phát ở Mỹ, thì áp lực lên VND sẽ là đáng kể trong thời gian tới. Ông Vinh tin rằng Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ và nguồn lực để ổn định tỷ giá và để cân đối hai mục tiêu tỷ giá và lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Bên cạnh đó, mặc dù đồng VND mất giá khoảng 3,5% từ đầu năm, nhưng mức này thấp hơn khá nhiều so với mức mất giá của các đồng nội tệ khác ở châu Á như Baht Thái (giảm khoảng 5,1%), Nhân Dân Tệ (giảm khoảng 5,3%), Ringgit của Malaysia (giảm khoảng 6,6%) và Yên Nhật (giảm khoảng 12,7%).

Dự báo về kinh tế Việt Nam, Phó Giám đốc đầu tư VCBF cho rằng với điều kiện vĩ mô hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới. Với mức tăng trưởng GDP đáng khích lệ nhưng còn khá thấp trong quý 3, nhiều khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng.

Về mặt tài khoá, giải ngân đầu tư công đã hoàn thành 51,3% mục tiêu Chính phủ tính đến cuối tháng 9, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử tỷ lệ giải ngân đạt hơn 50% trong 9 tháng. Và giải ngân đầu tư công dự kiến sẽ tăng tốc hơn nữa trong quý cuối cùng của năm nay.

Một động lực tăng trưởng kinh tế khác trong năm nay, ngành du lịch, đã phục hồi nhanh chóng với lượng khách quốc tế trong 9 tháng đã vượt mục tiêu cả năm và đạt 69,0% so với cùng kỳ trước Covid và có triển vọng tích cực nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các công ty lữ hành như cấp thị thực điện tử và gia hạn thời gian lưu trú để tăng lượng khách quốc tế, đặc biệt trong mùa cao điểm sắp tới.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng còn phải đối diện với nhiều thách thức đặc biệt là triển vọng kém khả quan của tổng cầu trên thế giới. Ở Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tình hình khá kém khả quan do chính sách tiền tệ thắt chặt như đã nói trên.

Tương tự tại châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa tăng lãi suất trong tháng 9 do áp lực lạm phát còn cao mặc dù đã hạ nhiệt. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng đang phải đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm.

Với bối cảnh đó, ông Vinh cho rằng đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư giải ngân với tầm nhìn trung và dài hạn: "Tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư phân bổ một phần tài sản của mình vào cổ phiếu và đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn. Nhưng nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ các công ty trước khi ra quyết định đầu tư và nếu không có đủ thời gian hoặc chưa tích lũy đủ kiến thức phân tích đầu tư thì có thể đầu tư thông qua các quỹ mở được quản lý bởi các đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp."

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM