Phim lậu, nhạc lậu, phần mềm lậu… - “Vi phạm bản quyền” thực chất là một công cụ marketing hiệu quả cho chính đơn vị sản xuất?

04/07/2019 10:46 AM | Kinh doanh

Không những tạo được hiệu quả truyền thông tích cực, “sản phẩm lậu” còn tạo nên sức ép vô hình đối với hãng sản xuất, buộc họ phải định giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nhằm tránh thiệt hại lớn.

Nhà phát hành cũng chẳng quan tâm

Không ít người dùng cho rằng các nhà phát hành luôn cố gắng bảo vệ "đứa con tinh thần" của mình. Nhưng trên thực tế, không có hãng phim hay tập đoàn công nghệ nào thật sự "gây chiến" với người tiêu dùng nhằm đòi lại số tiền bản quyền đã mất.

Phim lậu, nhạc lậu, phần mềm lậu… - “Vi phạm bản quyền” thực chất là một công cụ marketing hiệu quả cho chính đơn vị sản xuất? - Ảnh 1.

Vào năm 2013, CEO tập đoàn truyền thông Time Warner đã phát biểu trước cổ đông: "Chúng tôi đã đối mặt với tình trạng này 20 – 30 năm nay, người dùng chia sẻ tài khoản, nối dây tín hiệu từ nhà này sang nhà khác…

Nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi, những hành động vi phạm bản quyền sẽ gia tăng số lượng người dùng trả phí. Chẳng hạn như Trò chơi vương quyền, series phim bị xem lậu nhiều nhất trên thế giới, danh hiệu đó còn tốt hơn cả giải Emmy."

Gã khổng lồ Warner Bros dường như cũng đồng tình với ý kiến trên. Giám đốc chống vi phạm bản quyền của hãng đã phát biểu như sau: "Nhìn chung thì vấn nạn vi phạm bản quyền cũng một phần phản ánh nhu cầu thật sự của thị trường. Ngoài việc cố gắng ngăn chặn, chúng tôi cũng cung cấp thông tin trên để tập đoàn có thể thay đổi mô hình hoạt động, ngày càng cung cấp tốt hơn những sản phẩm mà khách hàng mong muốn."


Danh tiếng của Adobe

Phim lậu, nhạc lậu, phần mềm lậu… - “Vi phạm bản quyền” thực chất là một công cụ marketing hiệu quả cho chính đơn vị sản xuất? - Ảnh 2.

Tổng giá trị vốn hóa liên tục tăng của Adobe

Adobe là một tập đoàn công nghệ nổi tiếng với nhiều phần mềm chuyên dụng như Photoshop, Illustrator, Lightroom… Sở hữu không ít tính năng hữu dụng cho công việc, nhưng đa phần các phần mềm trên lại có giá cao hơn nhiều so với túi tiền của người dùng phổ thông.

Kỳ lạ thay, Photoshop của Adobe lại là phần mềm chỉnh sửa ảnh phổ biến nhất trên thế giới, mặc dù trên thị trường không thiếu những sản phẩm tương tự với giá tốt hơn, hay thậm chí là hoàn toàn miễn phí.

Giống như "Google", Photoshop trở nên thông dụng đến nỗi tên của phần mềm này được dùng để diễn tả hành động chỉnh sửa ảnh trong giao tiếp hàng ngày.

Và nghịch lý trên tất nhiên đến từ… những phiên bản lậu.

Adobe cũng đã chính thức lên tiếng về "vấn nạn" này trong buổi ra mắt dịch vụ đám mây Creative Cloud. Giám đốc truyền thông David Wadhwani thừa nhận rằng những người dùng xài phần mềm lậu thường không có ý đồ gì xấu, đơn giản chỉ là họ không đủ tiền để mua bản quyền: "Tôi không nghĩ người dùng tải phiên bản lậu là người xấu, họ cũng chẳng hề muốn đánh cắp một thứ gì. Tôi cho rằng họ chỉ không đủ khả năng để chi trả. Chính vì thế, Adobe đang cố gắng trở thành một nền tảng đăng ký hàng tháng với mức giá rẻ hơn, chúng tôi đang rất háo hức chờ đợi sự thay đổi từ phía người dùng."


Kết quả không ai ngờ

Phim lậu, nhạc lậu, phần mềm lậu… - “Vi phạm bản quyền” thực chất là một công cụ marketing hiệu quả cho chính đơn vị sản xuất? - Ảnh 3.

Trò chơi vương quyền - Series phim bị xem lậu nhiều nhất trên thế giới

Thế nhưng, khi chứng kiến vấn nạn vi phạm bản quyền ngày một trầm trọng đi kèm với sự phổ biến của Internet và mạng xã hội, không ít "người dùng chân chính" đã bày tỏ quan ngại sâu sắc, liệu "vấn nạn lậu" có khiến những nghệ sĩ, kỹ sư, nhà phát hành… đánh mất động lực làm việc?

Nếu sáng tạo mà toàn bị sử dụng "miễn phí", rất có thể họ sẽ từ bỏ vì chán nản.

Nhưng số liệu thực tế đã chứng minh, không ai có thể xác định được tình trạng vi phạm bản quyền có thật sự gây hại hay không, kể cả những tập đoàn sáng tạo nổi tiếng đã chi không ít tiền để xác định thiệt hại nhưng chẳng hề thu được kết quả.

Chính tổ chức liên tục cáo buộc người dùng vi phạm bản quyền - Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) cũng đã thừa nhận rằng họ không tài nào xác định được số tiền thiệt hại mà tình trạng phát tán phim ảnh lậu gây ra. Đó là một phát biểu trước Tòa án Tối cao California từng khiến dư luận bất ngờ.

Vấn đề nằm ở chỗ tình trạng vi phạm bản quyền đã trở nên quá phức tạp. Chẳng hạn như những người "xem lậu" Trò chơi vương quyền, đúng là họ sẽ không trả tiền cho HBO, nhưng đa phần trong số đó sẽ giới thiệu phim đến bạn bè của mình, số tiền bản quyền bị mất kia sẽ được bù bằng chi phí quảng cáo "miễn phí" được sinh ra.

Antino Kim, nhà nghiên cứu tại Đại học Indiana còn khẳng định rằng vấn nạn vi phạm bản quyền trên mạng internet còn góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Nhóm của Antino Kim kết luận rằng "phim lậu" đã trở thành một "đối thủ cạnh tranh" vô hình, liên tục gây sức ép lên nhà sản xuất (chẳng hạn như HBO) và nhà phân phối (công ty truyền hình cáp), nhờ thế, HBO và các đối tác của mình luôn phải cân nhắc trước khi gia tăng giá bán của sản phẩm (chi phí xem phim), vì nếu như mức giá trên lên cao, người dùng sẽ ngay lập tức đổ xô "xem lậu", khiến thiệt hại trở nên trầm trọng hơn.

Phim lậu, nhạc lậu, phần mềm lậu… - “Vi phạm bản quyền” thực chất là một công cụ marketing hiệu quả cho chính đơn vị sản xuất? - Ảnh 4.

Nền tảng phân phối trò chơi điện tử GOG cũng đồng tình với ý kiến trên, phát ngôn viên của hãng thừa nhận rằng việc "loại bỏ vi phạm bản quyền" không đem lại kết quả khả quan, thay vào đó, GOG sẽ hướng tới việc cung cấp nhiều sản phẩm rẻ hơn, tốt hơn, hay thậm chí là miễn phí để vô hiệu hóa ngành "game lậu".

Nhưng nổi bật hơn hết vẫn là Bill Gates, người đã thẳng thắn nhìn nhận tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan của Microsoft: "Nếu họ vẫn tiếp tục vi phạm bản quyền, chúng tôi hy vọng họ sẽ vi phạm các sản phẩm của Microsoft."

Microsoft còn tiến xa hơn một bước nữa với sự ra đời của Windows 10, không cần chờ đợi "phiên bản lậu" xuất hiện, gã khổng lồ công nghệ này đã chủ động nâng cấp miễn phí toàn bộ máy tính đang xài Windows (cả bản quyền lẫn không bản quyền) nhằm khiến khách hàng nhanh chóng "nghiện" sản phẩm mới của Microsoft.

Và một khi khách hàng đã quen sử dụng Windows 10, Microsoft sẽ bắt đầu "gạ gẫm" họ mua những dịch vụ trả phí như Office 365, và dù khách hàng có quyết định "xài lậu" Office 365, chắc hẳn họ sẽ trở thành một yếu tố thúc đẩy công ty thuê họ phải bỏ tiền ra mua bản quyền, vì không ai muốn nhân viên của mình xài những phần mềm "lạ lẫm", gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM