Phim hoạt hình Việt ước mơ ra rạp

13/06/2017 07:56 AM | Kinh doanh

Trong khi trung bình mỗi tháng có một bộ phim hoạt hình của nước ngoài được công chiếu ở Việt Nam, thì phim hoạt hình trong nước vẫn ấp ủ giấc mơ được ra rạp.

Là thể loại được phát triển từ khá sớm, với nòng cốt là Hãng phim hoạt hình Việt Nam được thành lập từ năm 1959, phim hoạt hình đã gặt hái được nhiều thành công ở các liên hoan phim trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm có vài chục bộ phim hoạt hình thời lượng trên dưới 10 phút được sản xuất bằng ngân sách nhà nước, nhưng chỉ được chiếu ở rạp Thánh Gióng hay Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) trong dịp hè hay lễ hội nào đó, còn chủ yếu phát hành DVD.

Gần đây, phim hoạt hình của Hãng được chiếu trên một số kênh truyền hình trả tiền, qua mạng internet và trên mạng viễn thông. Tuy nhiên, ở hệ thống rạp chiếu thì hoạt hình vẫn là "sân chơi" độc quyền của phim ngoại, như phim do Mỹ hay Nhật Bản sản xuất. Mỗi năm các nhà phát hành nhập về hàng chục phim hoạt hình, có hầu hết các phim bom tấn của Hollywood để phục vụ khán giả nhí.

Từ năm 2010 đến nay, hoạt hình luôn có mặt trong Top 10 phim Mỹ đạt doanh thu cao nhất tại Việt Nam hằng năm. Số liệu từ Box Office Mojo cho thấy có Kung Fu Panda 2 (2011) với 2,68 triệu USD, Ice Age 4 (2012) đạt 2,1 triệu USD, Despicable Me 2 (2013) thu 2,7 triệu USD, Big Hero 6 (2014) với hơn 2,8 triệu USD, Rio 2 (2014) với gần 2 triệu USD, Minions (2015) thu 4,1 triệu USD, The Secret Life Of Pets (2016) thu gần 1,8 triệu USD sau 10 ngày chiếu, Ice Age: Collison Course đạt gần 600.000 USD trong tuần đầu tiên ra rạp.

Không chỉ phim Mỹ, vào đầu năm 2017, phim hoạt hình Nhật Bản có tên Your name - tên cậu là gì? đạt doanh thu 3,6 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu đầu tiên. Mùa hè năm nay có các phim hoạt hình bom tấn của Hollywood như Cars 3, Despicable Me 3, The Nut Job 2: Nutty by Nature, Captain Underpants, The Emoji Movie... công chiếu ở Việt Nam.

Trên thực tế, từ vài năm trở lại đây, thấy được tiềm năng của phim hoạt hình khi thị trường giải trí phát triển, nhiều nhóm làm phim trẻ đã mạnh dạn áp dụng công nghệ 3D cho ra đời một số phim hoạt hình như Dưới bóng cây (Colory Animation), Cô bé bán diêm 3D (True-D Animation). Tháng 6 năm ngoái, phim hoạt hình Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt của Đoàn Trần Anh Tuấn (Colory Animation) đã giành giải nhất ở hạng mục giải thưởng dành cho các nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp trong Lễ hội Phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc.

Thế nhưng, do kinh phí eo hẹp nên các nhóm tư nhân vẫn chỉ làm được vài phim ngắn trên dưới 10 phút và phát hành trên mạng, hoặc chiếu trên vài kênh truyền hình dành cho trẻ em. Bởi phim chưa đủ độ dài và tiêu chuẩn chiếu rạp, có chăng chỉ xuất hiện như một phần đệm, phần phụ trước khi trình chiếu phim truyện chính.

Để khắc phục tình trạng này, từng có một số phim độ dài 20 - 40 phút ra đời như Trần Quốc Toản, Quyết định lịch sử, Cậu bé cờ lau, Kim Đồng,... nhưng chúng vẫn chưa được xem là một phim độc lập, đủ sức hấp dẫn để ra rạp. Một số ít phim như Vào hang kiến (60 phút), Người con của rồng (90 phút) chỉ mang tính thử nghiệm, hoặc được làm trong dịp kỷ niệm nào đó vì kinh phí quá cao.

Nhìn chung, công nghệ 3D đã không còn làm khó các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam nữa. Hiện tại, trong giới hoạt hình có không ít nhân tài đang làm thuê cho các xưởng gia công phim hoạt hình của nước ngoài như Pixi Pox, Hahn Film, Spart, Virtuos - Spart...

Năm 2011, ekip Colory Animation được biết đến nhờ phim hoạt hình 3D Dưới bóng cây Đạo diễn Phùng Văn Hà - người đang làm phim Người anh hùng áo vải (30 phút, Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất) nhắm tới chiếu rạp - cho biết: "Vấn đề của chúng tôi chính là độ dài của phim. Kinh phí lớn lại khó kêu gọi đầu tư khiến bài toán kéo dài thời lượng cho phim hoạt hình vẫn chưa tìm ra lời giải".

Còn đại diện của MegaGS nhận định: "Phim hoạt hình Việt bỏ trống trận địa, để cho các phim hoạt hình ngoại mặc sức tung hoành, bởi các nhà đầu tư chưa dám mạo hiểm bỏ nhiều tiền làm phim hoạt hình chiếu rạp".

Rõ ràng, việc sản xuất những bộ phim hoạt hình dài hơi hấp dẫn cả trẻ con lẫn người lớn đang là thử thách đối với các biên kịch vốn đã quen làm phim ngắn. Công tác đạo diễn cũng gặp khó khi các đạo diễn chưa quen với cách làm phim dài, từ quản lý câu chuyện, nhân vật đến các nút thắt, tình huống, chi tiết đan xen. Quá ít phim hoạt hình dài được sản xuất cũng khiến các họa sĩ thiếu kinh nghiệm thực tế, tay nghề và kỹ năng sáng tạo bị hạn chế.

Năm 2010, khi ra mắt Người con của rồng (kinh phí 6,8 tỷ đồng), đạo diễn Phạm Minh Trí cho biết phải mất 3 năm phim mới hoàn thành, việc xử lý công nghệ 3D được một công ty tư nhân hỗ trợ, và chỉ riêng khâu chỉnh sửa kịch bản đã mất một năm.

Ở thời điểm này, những người quan tâm đang kỳ vọng phim chiếu rạp mang tên Dưới bóng cây: Hành trình trở về của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hợp tác với HKFilms và Colory Animation, cùng phim Chuyện hai chiếc bình của Xưởng phim Areka (thuộc Công ty B&C) sẽ thành công, mở ra triển vọng cho phim hoạt hình Việt Nam.

Theo P. NHƯ THỦY

Cùng chuyên mục
XEM