Phim Việt đã đi qua giờ 'vàng'?

11/04/2013 09:54 AM |

Một khi tư nhân đã móc túi ra, phim truyền hình không thể nào phân bua thiếu tiền hay kinh phí hạn hẹp.

Giữa không khí xã hội hóa điện ảnh và truyền hình, thay vì nỗ lực sản xuất những bộ phim cô đọng, các hãng phim tư nhân lại đẩy mạnh sản xuất phim nhiều tập.

Có thể đó là một sự chọn lựa đúng đắn, hướng đến lượng khán giả đông đảo hơn và nhanh hoàn vốn hơn qua các hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, có thể khán giả sẽ hỏi: phim truyền hình đang vì doanh thu trước mắt?

Đưa ra khái niệm “Giờ vàng phim Việt”, Đài truyền hình TP.HCM trở thành đơn vị đầu tiên mở cửa cho tư nhân sản xuất phim truyện truyền hình, mà cụ thể là hãng Lasta với những bộ phim khởi điểm có ít nhiều tiếng vang như “Vòng xoáy tình yêu”, “Mộng phù du”. 

Đã có không ít lời ra tiếng vào về chuyện truyền hình bán sóng cho tư nhân. Thế nhưng, gạt qua những thị phi, chúng ta hãy nhìn trực diện những tác phẩm được chiếu vào “Giờ vàng”. Phải công nhận những bộ phim chưa có gì đảm bảo chất lượng “vàng” nhưng đã đem lại lợi nhuận cho cả hai bên: Đài truyền hình và hãng phim tư nhân. 

Phía Đài truyền hình không phải tốn kinh phí làm phim, chỉ ngồi sắp xếp lịch và thu phí kiểm duyệt, phí trình chiếu... Hãng phim tư nhân có cơ hội quảng bá thương hiệu và chạy quảng cáo... Nhất cữ lưỡng tiện, một chiến lược tuyệt vời, nếu chỉ xét ở yếu tố doanh thu.

Chỉ cần hé mắt cũng thấy mảnh đất màu mỡ trên màn ảnh nhỏ nên nhiều hãng phim tư nhân đã lần lượt ra đời. Ngay cả những công ty tổ chức sự kiện cũng sản xuất phim như Đất Việt, BHD hay Cát Tiên Sa. 

Sự hăng hái của những hãng tư nhân đã khiến Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) và Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) bớt chủ quan và nghiêm túc nhìn lại mình. Và chính thực tế cạnh tranh khá quyết liệt ấy đã giúp nội lực của nghệ sĩ phim ảnh nước ta được phô diễn một cách trọn vẹn. 

Ưu điểm lộ ra, khuyết điểm cũng lộ ra. Phim ra sau có nhiều tập hơn phim ra trước. Nếu lấy độ dài làm thước đo tin cậy, phim truyền hình Việt Nam đang phát triển thật. Đáng tiếc, mọi thứ lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Phim truyền hình càng dài càng tẻ nhạt, càng ồn ào càng kém cỏi, càng xem lâu càng thấy khó chịu. Phải thừa nhận những bộ phim truyền hình của chúng ta đầy rẫy sự non nớt, khập khiễng và vụng về.

Một khi tư nhân đã móc túi ra, phim truyền hình không thể nào phân bua thiếu tiền hay kinh phí hạn hẹp. Cứ phải lấy tinh thần cầu tiến mà thừa nhận năng lực hạn chế của những nhà làm phim hiện nay thôi.

Chưa bao giờ những nhà biên kịch lại được săn đón và chiều chuộng như bây giờ. Ngay cả VFC cũng linh hoạt tăng nhuận bút kịch bản cho theo kịp giá vàng. “Tiền thật” thấy rồi, còn “thóc tươi” thì sao? Những cây bút trẻ thất nghiệp và những nhà báo ngại va chạm được trưng dụng để viết kịch bản thì tìm đâu ra tình tiết gay cấn, tìm đâu ra lời thoại hợp lý?

Những nhà sản xuất thừa thông minh để nhận ra không thể hy vọng quá nhiều vào số lượng kịch bản ít ỏi và chất lượng kịch bản khiêm tốn trong nước. Vì thế, họ mua lại kịch bản của nước ngoài. Kết quả: phim vẫn dở. 

Điều đó đã chứng minh rằng một số đạo diễn của chúng ta chưa đủ tầm vóc để kiểm soát bố cục bộ phim một cách mạch lạc; một số diễn viên chưa đủ tinh tế để chuyển tải xúc cảm thẩm mỹ đến người xem. Rõ ràng, nghệ thuật không có đường tắt, không thể có thành tựu từ sự vay mượn nào. Đã đến lúc phải tư duy cho một hướng đi đúng đắn về phim truyền hình dựa trên nền tảng là sự khơi dậy và đánh thức tiềm lực của nghệ sĩ nước nhà.

Dẫu biết phim truyền hình Việt Nam chưa chuyên nghiệp hoàn toàn. Thế nhưng, nếu chấp nhận sự tầm thường và vô vị, thì một ngày không xa chúng ta sẽ phải chua xót an ủi nhau rằng phim truyền hình có tác dụng giải quyết lao động nhàn rỗi cho lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.

Hãy thử ngoảnh lại nhìn sự hào hứng của công chúng khi chờ đón “phim giờ vàng”, sẽ càng thấm thía hơn nỗi thất vọng của họ. Một đạo diễn phim “mì ăn liền” ngày xưa khi xem phim truyện truyền hình nhiều tập bây giờ cho rằng phim của họ trước kia còn nghiêm túc, đứng đắn, được chăm nom về quay, về dựng hơn gấp nhiều lần phim truyền hình giờ vàng sau này. 

“Nếu gọi phim thuở ấy của chúng tôi là “mì ăn liền” thì nên gọi phim truyền hình bây giờ là “liền ăn mì”, tức cứ bốc bột mì sống sít cho thẳng vào miệng, chả cần gia công, nêm nếm, chế biến gì cả”, ông nói thêm. 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM