[Phim hay] The True Cost - Sự thật khủng khiếp đằng sau ngành công nghiệp thời trang

29/05/2015 11:44 AM |

Đó là những hình ảnh chân thực đến ngỡ ngàng về mặt tối của ngành thời trang được ghi lại trong bộ phim tài liệu The True Cost (công chiếu ở một số thành phố lớn trên thế giới ngày 29.5.2015 và ở Châu Á tại Thượng Hải vào ngày 11.6.2015).

Nói đến thời trang, chắc hẳn chúng ta đều nghĩ đến những sự kiện thời trang với những trang phục lộng lẫy, những fashionista có gout ăn mặc phong cách. Nhưng thời trang số đông lại là trang phục dành cho những người dân có thu nhập trung bình trong xã hội. Họ luôn trông đợi để mua được những bộ trang phục vừa đẹp nhưng giá phải thật rẻ.

Liệu chúng ta có biết: Ai mới là người thực sự trả giá cho những quần áo giá rẻ mà chúng ta đang mua?

Được tiến hành điều tra sâu rộng tại nhiều nước, bộ phim tài liệu này đã chỉ ra cho người tiêu dùng thế giới thấy được sự thật đau lòng đằng sau những sản phẩm hàng may mặc giá cực rẻ mà họ vẫn săn lùng mua và mua rất thường xuyên. Đó là những hình ảnh trẻ em bị dị hình do việc phun thuốc trừ sâu trong vành đai trồng bông cotton ở Ấn Độ, là những thước phim khủng khiếp về vụ sụp đổ chết người của nhà máy Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013, là hình ảnh sông Ấn Độ nổi đầy bọt hóa chất, hay hàng núi quần áo bị bỏ đi ở Haiti.

Chính áp lực liên tục đòi hỏi phải sản xuất với chi phí rẻ là một phần nguyên nhân dẫn đến điều kiện làm việc không an toàn của các công nhân, một chủ nhà máy sản xuất ở Bangladesh cho biết. “Thực sự có đạo đức không khi mua một chiếc áo thun với giá 5 đô-la, hay một chiếc quần jeans với giá 20 đô?””, Livia Firth – Giám đốc sáng tạo một công ty tư vấn kinh doanh bền vững Eco-Age cũng đặt ra câu hỏi.

the-true-cost-clothes

Núi rác thải hàng may mặc ở Dhaka, Bangladesh.

Công nhân may ở Campuchia đi làm mỗi ngày theo cách này

Cách những công nhân may ở Campuchia đi làm mỗi ngày

Cánh đồng bông ở Ấn Độ

Cánh đồng trồng bông ở Ấn Độ

 

 

Những đứa trẻ sống trong môi trường ô nhiễm độc hại và bần thỉu

Những con số đáng giật mình được đưa ra:

- Có 250.000 người nông dân trồng bông cotton ở Ấn Độ đã tự tử trong vòng 15 năm qua, một phần là do nợ nần chồng chất từ việc mua hạt giống bông biến đổi gen.

- Có 80 tỷ sản phẩm quần áo được bán ra trên toàn cầu mỗi năm, tăng 400% so với cách đây 2 thập niên.

– Trung bình người Mỹ bỏ đi 37 ký quần áo mỗi năm.

– Chỉ 10% số lượng quần áo người ta quyên góp cho các cửa hàng đồ cũ được bán ra, số còn lại kết thúc trong các bãi chôn lấp hoặc dạt ra thị trường các nước đang phát triển.

Morgan – đạo diễn bộ phim cho rằng cần có những thay đổi mang tính hệ thống trong ngành công nghiệp thời trang này, mà điểm mấu chốt là cái giá của ô nhiễm và điều kiện làm việc không an toàn đang không được tính trong giá thành sản phẩm bán ra.

Liên hệ với ngành may mặc ở Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc đặt áp lực “giá rẻ” của thị trường tiêu dùng lên các nhà sản xuất đã dẫn đến những sản phẩm không đảm bảo chất lượng và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Những sản phẩm nhạy cảm với cơ thể như đồ lót giá rẻ nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng tràn lan trên thị trường Việt Nam là điều rất đáng e ngại, tăng nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe về lâu về dài của các chị em phụ nữ.

Ngoài ra, đối với người tham gia sản xuất, may mặc được xem là một trong những ngành có yếu tố độc hại, ảnh hưởng sức khỏe nhưng mức thu nhập của công nhân lại rất thấp.

Vậy, cần làm những gì để giảm thiểu tối đa hệ lụy đau lòng cũng như những khó khăn bất cập hiện hữu trong ngành công nghiệp thời trang này. Phải chăng mấu chốt nằm ở sự thay đổi tư duy và thị hiếu của người tiêu dùng: Nên ngừng việc mua sắm liên tục và bất tận mà hãy đầu tư vào những món đồ thật sự yêu thích. Đây cũng chính là thông điệp mà đạo diễn The True Cost đưa ra.

Hiền Giang

Cùng chuyên mục
XEM