[Phim hay] The book thief - Khi Thần chết kể về sự sống

18/03/2014 20:00 PM |

Nỗi đau trong Kẻ trộm sách, có chăng, là nỗi đau của những con người không-được-phép-sống.

Có thể bạn đã có dịp nghe một câu chuyện từ nhân vật chính, xưng tôi. Có thể bạn cũng đã có dịp nghe một câu chuyện từ một người thứ 3 nào đó. Đã bao giờ, bạn nghĩ câu chuyện có thể được kể bởi Thần chết? Còn ai có thể phù hợp hơn để kể về câu chuyện thời chiến, hơn là Thần chết. Nơi mà sự sống và cái chết đan xen nhau, cách nhau bởi những ranh giới mong manh. "Sự tàn nhẫn và cái đẹp xuất hiện ở khắp nơi. Cái chết cũng vậy."

Kẻ trộm sách là một câu chuyện như thế.

Bộ phim được chuyển tác từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Markus Zusak.

Lấy bối cảnh là nước Đức trong chiến tranh thế giới thứ 2
, Kẻ trộm sách đã cực kỳ thành công trong việc khắc họa một nước Đức với bao nhiêu khổ đau, bi tráng, nhưng vô cùng đẹp đẽ. Suy cho cùng, con người ở đâu cũng vậy, cuộc sống ở đâu cũng vậy. Cũng vô cùng đáng sống, đáng yêu. Với lũ trẻ con suốt ngày đá bóng ven đường, đuổi nhau dọc các con phố... Những bà vợ tần tảo. Những ông chồng vui tính, lành hiền... Cho dù là trong lòng nước Đức, nơi có chế độ Phát xít - một trong những nỗi ám ảnh của toàn nhân loại.


Trong hầm tránh bom, cô bé Liesel kể chuyện từ những trang sách

Nỗi đau trong Kẻ trộm sách, có chăng, là nỗi đau của những con người không-được-phép-sống. Một ông bố từ chối vinh hoa phú quý, từ chối kết nạp "Đảng" để gìn giữ lương tri. Một bà mẹ từ bỏ vẻ ngoài hiền từ nhân hậu vốn có, để bảo vệ những người yêu thương. Một cô bé xinh đẹp, mê sách, phải lén lút gìn giữ và ngấu nghiến đọc những cuốn sách ở dưới tầng hầm bí mật. Một phụ nữ mất con phải kìm nén bản năng yêu thương và sự chở che đối với một cô bé không quen biết.

Liesel đọc sách trong căn hầm cùng với Max - chàng trai Do Thái chạy trốn
Một trong những vụ "trộm sách" mà Liesel thực hiện

Nỗi đau lớn nhất chưa bao giờ là cái chết. Cái chết đến nhẹ nhàng, khi Thần chết xuất hiện, và giữ linh hồn của một ai đó trên tay. Chỉ vậy thôi.

Ở Kẻ trộm sách, có thể thấy những tình cảm đẹp đến hoàn mỹ. Không có gì dễ thương và đáng quý, vô tư và trong sáng hơn tình cảm giữa cậu nhóc Rudy và cô bé Liesel. Tình thương mà cha mẹ nuôi dành cho cô bé Liesel cũng có thể khiến những người cứng cỏi nhất phải rơi lệ...


Chiến tranh vẫn ở quanh đâu đây. Thần chết vẫn hàng ngày lượn qua các con phố. Chàng trai người Do thái tên Max vẫn có thể bị bắt và giết chết bất kỳ lúc nào. Nhưng cuộc sống vẫn không vì thế mà ngưng chảy.

"Tớ muốn được trưởng thành trước khi chết."
- Tâm sự đơn giản nhưng là một nỗi lo sợ thường trực của cậu nhóc Rudy, khi cậu là một trong những thiếu niên lọt mắt xanh "được" vào trường huấn luyện quân đội của Phát xít. Vậy là, đã có một thời, ngay cả được sống, cũng là một giấc mơ....

Bộ phim còn hấp dẫn bởi những cảnh quay tuyệt đẹp về nước Đức, khiến những ai yêu nước Đức phải động lòng, và những ai chưa biết về nước Đức phải ngỡ ngàng.

Cô bé Liesel là một nhân vật tuyệt vời dành cho Sophie Nélisse. Diễn xuất thành công của Sophie Nélisse từ cử chỉ đến ánh mắt đã tạo nên một Liesel cực kỳ ấn tượng trong lòng khán giả.

Cô bé Liesel thẫn thờ trước đống sách bị thiêu rụi

Cũng thật thiếu sót nếu bỏ qua diễn xuất của Emily Watson trong vai bà mẹ nuôi Rosa với phân cảnh Rosa cố kìm giữ sự sung sướng, hân hoan, bằng một vẻ ngoài nanh nọc, độc ác. Chỉ một cảnh ngắn thôi, khiến người xem ngay lập tức từ chỗ khó chịu, căm ghét chuyển sang một thứ tình cảm dịu êm hơn gấp trăm lần.

Suy cho cùng, Kẻ trộm sách là một bộ phim đáng xem về đề tài chiến tranh. Ở đó không có quá nhiều súng đạn, hay chủ nghĩa anh hùng, hay lý tưởng. Ở đó chỉ có những thân phận con người.

Xin trích dẫn một câu nói của Thần chết: "Vẫn luôn như thế, sự phấn khích và mong ngóng chiến tranh. Tôi đã gặp nhiều thanh niên trẻ trong những năm qua. Chúng nghĩ rằng mình đang chạy đến với kẻ thù, nhưng sự thật là chúng đang chạy đến với Tôi"

Thông tin phim: The book thief - Kẻ trộm sách

Đạo diễn: Brian Percival

Diễn viên chính: Sophie Nesslisse, Geofrey Rush, Emily Watson

IMDB: 7,7/10



Quỳnh Anh

thunm

Cùng chuyên mục
XEM