[Phim hay] Kramer vs. Kramer - Gà trống nuôi con

12/12/2012 16:53 PM |

Bộ phim xúc động về Tình cha con.

Thông tin:  

Tên phim: Kramer vs. Kramer

Đạo diễn: Robert Benton

Kịch bản: Robert Benton dựa theo tiểu thuyết của Avery Corman

Diễn viên: Dustin Hoffman, Meryl Streep, Jane Alexander, Justin Henry

Sản xuất năm:1979

Giải thưởng: 5 Oscar và 4 Quả Cầu Vàng

Giới thiệu:

Bộ phim phản ánh vai trò và tầm quan trọng của các thành viên trong gia đình.

Mở đầu bộ phim là cuộc nói chuyện lúc đêm khuya của hai mẹ con Billy, như bao đêm khác mẹ cậu cũng chúc cậu ngủ ngon, nhưng cuộc sống của cậu đã bắt đầu thay đổi.

Ted Kramer là một người đàn ông tham công tiếc việc đến nỗi không có thời gian quan tâm đến vợ và con trai mình, vào một ngày khi Ted hăm hở trở về nhà thì vợ anh nói với anh rằng cô ấy không thể chịu được nữa và cô muốn ra đi. Kể từ khi phải làm gà trống nuôi con, Ted đã nhận ra nỗi khó nhọc của người phụ nữ trong gia đình.

Vợ anh ra đi không mang theo một thứ gì, sự sòng phẳng đó như minh chứng một điều rằng cô ấy cần sự quan tâm và cảm giác được tôn trọng chứ không phải vật chất bên ngoài.

Trong cuộc chia ly nào thì con cái vẫn là những người đau khổ nhất

Chuyện của Ted và Joanna cũng là chuyện của rất nhiều cặp vợ chồng đang gặp phải. Chính vì vậy những suy nghĩ của họ đại biểu cho lối suy nghĩ của những ông bố bà mẹ, những đôi vợ chồng khác.

Chẳng hạn như cuộc tranh cãi về chuyện ra đi hay ở lại của Ted và Joanna diễn ra ngoài hành lang, nơi mà có thể rất nhiều hàng xóm chú ý nên Ted muốn Joanna vào nhà. Nhưng Joanna nói rằng: “Đừng... làm ơn đừng bắt em vào trong đó! Nếu phải vào đó em chắc rằng một ngày, có thể là sang năm, em sẽ nhảy qua cửa sổ” Một người phụ nữ lại sợ hãi khi phải ngồi trong chính căn nhà của mình, coi nó như một lồng giam giữ, đây cũng là hiện thực mà rất nhiều phụ nữ đang phải trải qua. Những ông chồng luôn coi vợ mình là những người nội trợ và chăm sóc con cái. Còn việc xã hội là đàn ông gánh vác. Suy nghĩ sai lầm này khiến cuộc hôn nhân của Ted tan vỡ.

Ted bắt đầu rối bời. Sáu tháng qua, công việc mà anh cố gắng đạt được đã có kết quả nhưng sự trả giá lại lo lớn không kém. Ted phẫn nộ: Anh làm việc hùng hục cuối cùng cũng được thăng chức, trở thành giám đốc thiết kế, anh muốn chia sẻ với vợ “ 1 trong 5 ngày quan trọng nhất cuộc đời” nhưng cô ấy lại nói không muốn sống với anh nữa. Sự thật này khiến anh cảm thấy như những gì mình đang phấn đấu, tất cả vì muốn cuộc sống gia đình được đầy đủ hơn, đã trở nên vô nghĩa.

Joanna quyết định ra đi sau 7 năm chung sống

Ted bắt đầu cuộc sống của một ông bố đơn thân

Dần xa rời cuộc sống xã hội với công việc để chăm lo cho con cái

Ted quay sang chống lại tất cả những người xung quanh. Anh thành thành thật thật hỏi cô hàng xóm: “Cô nói thật đi? Nói xa nói gần cũng được... Có phải cô xúi giục vợ tôi bỏ đi?” Và Ted cũng chỉ trích chính Joanna rằng: “Phải can đảm như thế nào mới có thể bỏ con để ra đi?”

Anh phải đối mặt với cậu con trai 6 tuổi vừa ngủ dậy đã hỏi mẹ đâu? Ted giải thích: “Đôi khi con và các bạn trong lớp cãi nhau và con muốn ở một mình. Các ông bố bà mẹ cũng vậy và có người muốn đi ở riêng một mình một lúc...” – Nhưng anh không ngờ được rằng, chuyện chẳng phải đơn giản như thế. Sự ra đi của Joanna đã làm Ted dần dần hiểu ra tầm quan trọng của người vợ trong gia đình. Thiếu vắng người phụ nữ, đó không còn là gia đình nữa. Ted tìm kiếm nguyên nhân vợ anh bỏ đi. Anh tâm sự với sếp của mình, bác bỏ những luận điệu về sự xuất hiện của một người đàn ông khác, Ted luôn cho rằng Joanna đang thực hiện thứ mà người ta gọi là “phong trào giải phóng phụ nữ”. Ted cười mỉa mai: “Cũng thành công thật, tôi sắp phát điên rồi”.

Những rắc rối sau đó còn nhiều hơn từ việc chơi với con, lo bữa sáng tối, đi siêu thị... 

Hai cha con cùng đi siêu thị trong sự “điều khiển” của Billy

Ted thì thầm vỗ về con trai khi cậu bé phải khâu vết thương trên mặt

Cuộc sống của Ted vẫn tiếp diễn như những người Mỹ đơn thân khác. Có những mối quan hệ tình cảm với đồng nghiệp, phụ huynh học sinh... Đến khi cuộc sống tạm thời yên ổn thì Joanna trở về, cô xinh đẹp tươi tắn và tự tin hơn, cô muốn đón Billy đi. Giữa họ xảy ra tranh chấp, Ted đã tức giận ném ly vào tường ngay trong quán cafe bất chấp hình tượng lịch lãm của mình và tuyên bố với cô anh sẽ không để Billy rời xa mình.

Đúng lúc này Ted gặp rắc rối, ông chủ của anh – người vẫn luôn bóc lột anh: 25 tiếng/ngày, 8 ngày/tuần, mức độ tin tưởng lên tới 110% đã rất dứt khoát sa thải anh trong lúc anh sắp phải hầu tòa.

Cuộc chiến giành quyền nuôi con của họ kết thúc với phần thắng thuộc về Joanna.

Khi luật sư hỏi Joanna: “Có phải bà đã thất bại trong mối quan hệ quan trọng nhất đời bà hay không?” Joanna đã đau khổ gật đầu nhưng điều đó không hoàn toàn đúng khi chỉ trích từ một phía. Bản thân người đàn ông cũng có một nửa trách nhiệm trước sự thất bại này. Joanna sai bởi cô là người quá im lặng, không chịu chia sẻ hay nói ra nguyện vọng của mình với chồng.

Ted đã phát biểu thay cho các đức ông chồng về quyền bình đẳng khi nuôi con, đàn ông cũng nhiều cảm xúc như phụ nữ vậy và ai nói rằng bố thì không thương yêu và chăm sóc con cẩn thận được như mẹ? Ted đã từ chối tiếp tục vụ tranh chấp khi luật sư đề nghị đưa Billy ra tòa. Anh không muốn con mình phải đứng giữa sự lựa chọn đầy khó khăn như vậy.

Diễn xuất của Dustin Hoffman rất tuyệt vời, những câu lẩm bẩm và lời chỉ trích của nhân vật Ted được phát ra như thể chính anh - Dustin đang vướng phải hoàn cảnh này. Còn hành động thì rất tự nhiên như thể phía trước không hề có một chiếc máy quay lạnh lùng và hơn chục người vây quanh theo dõi.

Trường đoạn Ted làm bữa sáng cho Billy là một trong những đoạn hay nhất của phim. Hai người rất tự tin đi vào bếp, mở tủ lạnh, lấy trứng và sữa, Ted còn tính được: “Vậy là 5 đô la” và luôn miệng vỗ về con trai: “Con có biết đầu bếp xịn toàn là nam không?” Khi Billy thắc mắc vỏ trứng rớt vào thì Ted nghiễm nhiên trả lời: “Như vậy mới giòn, con thích giòn mà phải không?”

Bữa sáng bị cháy khét, bàn tay của Ted bị bỏng, Billy ủ dột nhìn bố, Ted đã tự an ủi mình và con trai: “Không có vấn đề gì, không có vấn đề gì đâu”.

Nụ cười “chữa cháy” của Ted sau khi cho cả trứng, sữa, bánh mỳ vào chảo.

Ted và con trai trong cuộc nói chuyện trước ngày chia tay

Người xem sẽ thấy ngay được sự vô tâm của một ông bố cuồng công việc khi ngày đầu tiên đưa Billy tới trường, Ted đã hỏi con: “Con ở lớp nào?”

Nhưng đến cảnh anh giải thích việc Billy sẽ chuyển đến sống với mẹ rất cảm động, thấm đẫm tình cảm cha con. Billy khóc còn Ted phải kìm nén để an ủi, động viên con trai. Lúc này Ted đã nhận ra vai trò và trách nhiệm của một người bố là như thế nào.

Trường đoạn cuối phim vẫn là chuỗi hình ảnh Ted nấu bánh mỳ trứng sữa cho con, nhưng không khí im lặng khác hẳn lần đầu, hai cha con chỉ nhìn nhau mỉm cười, ánh mắt truyền đạt tình yêu dành cho nhau. Họ cùng ngồi đợi mẹ đến với tâm trạng buồn rầu nhưng bất ngờ là Joanna đã không dẫn con đi, cô cho rằng Billy đang ở ngôi nhà của mình. Và kết thúc với cảnh hai vợ chồng nhìn nhau khi Joanna trong thang máy, họ đã đồng cảm với nhau từ tình yêu dành cho con cái. Cánh cửa thang máy là phông màn mở đầu và kết thúc bộ phim nhưng câu chuyện của gia đình Kramer thì vẫn còn tiếp diễn. Có lẽ họ sẽ quay trở về bên nhau, cũng có thể họ sẽ sống như bây giờ.

Ted đã nói “Em đẹp lắm!” trước khi cánh cửa thang máy khép lại

Tên gọi của bộ phim có thể hiểu theo nhiều nghĩa “Kramer của gia đình chống lại Kramer của công việc” hoặc “Kramer cha và Kramer con”.

Khánh Sơn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM