[Phim hay] Kẻ thù trước cổng - Bộ phim về Thế chiến II gây xôn xao nước Nga

27/11/2012 14:22 PM |

Sự thiệt hại to lớn của Hồng quân Liên Xô là do đâu? Là vì bị động, những cậu lính chưa kịp học xong khóa huấn luyện cơ bản đã phải xông ra làm bia trên chiến trường..

Thông tin:

Tên phim: Kẻ thù trước cổng (Enemy at the gates)

Sản xuất năm 2001

Đạo diễn:  Jean-Jacques Annaud 

Kịch bản: Alain Godard và Jean-Jacques Annaud dựa theo tiểu thuyết "Enemy at the Gate: The Battle for Stalingrad" (1973) của nhà văn William Craig 

Diễn viên:  Jude Law , Ed Harris và Joseph Fiennes

Mời bạn xem online bộ phim này trên SohaPhim tại đây.

Giới thiệu:

Sự thiệt hại to lớn của Hồng quân Liên Xô là do đâu? Là vì bị động, những cậu lính chưa kịp học xong khóa huấn luyện cơ bản đã phải xông ra làm bia trên chiến trường, là ở đường lối và kế hoạch sai lầm, vũ trang thiếu, khả năng tổ chức cũng như sự linh động lãnh đạo trên chiến trường yếu kém... Đó cũng là bài học cho những người muốn chiến thắng trên thương trường.
 
Ngay khi bộ phim được công chiếu, đã có khá nhiều bình luận trái chiều. Người Nga chỉ trích đạo diễn Jean Jaques Annaud không hiểu tình hình thực tế của Hồng quân Liên Xô cũng như phong tục tập quán của người Nga (diễn đàn nuocnga.net). Trong khi người Mỹ lại nói rằng đó là một bộ phim trung thực và xứng đáng được so sánh với Giải cứu binh nhì Ryan (5 giải Oscar năm 1999) (theo bài viết của Roger Ebert trên tạp chí Chicago Sun -times). 

Bộ phim tái hiện cuộc tấn công điên cuồng của Hitler vào Stalingrat (Liên Xô) mùa thu năm 1942, điểm nhấn của phim là cuộc săn đuổi của hai tay lính bắn tỉa, một là Vassili gã chăn cừu Urals chuyên bắn sói, một là thiếu tá Heinz König – quý tộc từ Bavaria trước đây săn nai. 

Bên cạnh đó là chuyện tình đẹp đẽ của người hùng nước Nga Vassili Zaitse với Tania Chernova, một cô gái Do Thái xinh đẹp.

Mới đầu Vassili không có gì nổi bật hơn những người lính cùng ra trận khác, khi giả chết nằm trong đống xác ngổn ngang ở một đài phun nước cạn, anh đã gặp chính trị viên Danilov và bắn hạ 5 tên lính Đức bằng 5 phát súng trước mắt ông ta thì tài năng mới được phát huy. Nhờ sự giới thiệu của Danilov, anh được tướng Nikita Khrushchev điều động vào đội bắn tỉa chuyên “săn” những sĩ quan cao cấp của quân Đức. 

Mở đầu bộ phim là hình ảnh ông Vassili dạy cậu bé cách săn sói. Cảnh quay rất đẹp, hình ảnh tuyết trắng xóa, con sói có đôi mắt ngơ ngác, cậu bé Vassili ẩn nấp sau tảng đá phủ tuyết với sự hồi hộp của lần đầu tiên bóp cò súng, giọng thì thầm của ông vang bên tai như lời chỉ dẫn. Và rồi viên đạn cũng được bắn ra dưới nòng súng run rẩy.

Lớn lên, Vassili nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Trên toa tàu, những cậu lính mặt mũi non nớt với ánh mắt tò mò quan sát mọi thứ lạ lẫm xung quanh. Họ cũng đều lần đầu ra trận. Cảnh nhốn nháo khi những cậu lính Xô Viết ùa xuống bến cảng và người sĩ quan liên tục phất cờ, gào lên trong loa về tinh thần bất khuất dễ làm người xem liên tưởng đến cảnh người dân Xô Viết chạy trên bậc thềm Odessa trước họng súng của kẻ thù trong phim Chiến hạm Potemkin của Sergei Eisenstein chứ không phải là hai hàng lính trật tự hành quân ra mặt trận như bao phim khác.
 

Cậu bé Vassili trong lần đầu đi săn sói cùng ông nội

 
Vassili nhìn theo Tania khi trên tàu ra mặt trận
 

Thiếu tá Heinz König

“Đoàn lính mới” chạy xuống bến tàu

Một trong những cảnh gây bức xúc nhất trong phim là cảnh những cậu lính Nga, tay không vũ khí, phải hứng chịu thương vong khi trên đầu là máy bay phát xít, bên cạnh là cấp trên của mình đang lăm lăm cây súng. Trong chiến tranh không phải ai cũng dũng cảm tiến lên với khẩu hiểu: Chết cho Tổ Quốc. Chết vì Tự Do! Có nỗi sợ hãi nào lớn hơn việc mới ra chiến trường đã gặp phải cảnh đổ máu mất mát đầy rẫy xung quanh, kẻ vừa đứng bên nói chuyện giờ đã thoi thóp nằm đó với vết máu loang lổ trên người. 

Đó là điều dễ hiểu khi những tên chỉ huy trốn tránh phía sau và chĩa súng ra bắn bỏ lính đào ngũ.
 
Nhiều cảnh quay từ phía sau trong phim của Annaud

Tinh thần về trách nhiệm đồng đội được đạo diễn thể hiện thông qua việc miêu tả cách ghép hai người thành một đội, một người cầm súng một người cầm đạn, súng và đạn phải đi liền với nhau. Anh chàng Vassili ngơ ngác cầm theo năm viên đạn đi tìm người cầm súng của mình. "Bức tường người" xung phong, kẻ có súng thì không có đạn, kẻ cầm đạn lại không muốn đưa cho kẻ cầm súng vì nếu thế mình sẽ chẳng có gì. 

Thậm chí, có lẽ trong bản thân những nhân vật của đạo diễn Annaud  còn mong đồng đội chết đi để được cầm súng vớt lại chút an toàn cho bản thân. Họ đang chiến đấu vì bị ép buộc, họ sống với bản ngã của mình. Đau đớn hơn là những lính mới,  hai người chỉ được phát 5 viên đạn trong khi những kẻ chỉ huy phía sau, dùng những băng đạn súng máy để xả vào đồng chí của họ.

Đó có phải là hiện thực của Hồng quân Liên Xô trong “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” - thứ mà người Nga hết mực tự hào? Hay xưa nay những bí mật quân sự luôn được dấu kín, và người ta chỉ nhìn vào những chiến thắng, những tấm gương quả cảm anh dũng để bình luận và truyền đi khắp nơi? 

Hồng quân Liên Xô trong những tác phẩm, những phim của người Xô Viết không giống như thế. Họ đầy tinh thần trách nhiệm và sự chủ động trước cơn bão chiến tranh ở phim Đội cận vệ thanh niên (1948) của Sergei Gerasimov hay tràn trề tình người, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong Số phận một con người (1965) của Sergei Bondarchuk.

Nhân vật Pavel Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky đã đưa ra một tuyên ngôn, một phương châm sống của thế hệ thanh niên lúc đó: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người....” Chia tay người yêu Pavel nói: "Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng".

Có thể đó là những con người tự nguyện giác ngộ lý tưởng mà chủ nghĩa anh hùng ca luôn ca ngợi. Và Jean-Jacques Annaud,  một con mắt ngoài cuộc đến từ phương Tây, đã chỉ ra mặt trái bức tượng đồng vĩ đại đó. Sự thiệt hại to lớn của Hồng quân Liên Xô là do đâu? Là ở sự bị động, những cậu lính chưa kịp học xong khóa huấn luyện cơ bản đã phải xông ra làm bia ở chiến trường, là ở đường lối và kế hoạch sai lầm, vũ trang thiếu, khả năng tổ chức cũng như sự linh động lãnh đạo trên chiến trường yếu kém...

Lời kêu gọi đầu hàng của phát xít Đức cũng “rất hợp cảnh”: “Hãy theo những người bạn Đức! Họ hiểu nỗi khổ của bạn. Họ sẽ quan tâm đến bạn hơn chính cấp trên của bạn, những kẻ chỉ biết đưa bạn ra chỗ chết!...Kẻ thù chính là Stalin khát máu và quân đội của hắn...”

Đâu mất rồi tinh thần chỉ có trong các tác phẩm: Khi đàn sếu bay qua (1957), Bài ca người lính (1959), Họ đã chiến đấu vì tổ quốc (1975)...
 
Vassili đứng cạnh tướng Nikita dưới bức tranh Chủ tịch Stalin

Jean-Jacques Annaud đem cái nhìn của một bên thứ ba, như một nhà quan sát đứng ngoài cuộc chiến, như một phóng viên tường thuật trên chiến trường. Bản “ghi chép” của ông để lại quá chi tiết và đầy tính chất diễn giải. Chẳng hạn vì sợ khán giả không hiểu được giây phút thay đổi cuộc đời của Vassili (khi Vassili hạ gục năm tên lính Đức trước mặt chính trị viên) nên đạo diễn đã lồng ghép vào một đoạn nhạc “bi hùng” để nhấn mạnh hình ảnh “một anh hùng đã ra đời! Một tài năng đã được khai phá”. Hay lời giải thích của viên chỉ huy trước thất bại ở chiến trường là một lời trốn trách trách nhiệm... rất hiếm có: “Tôi đã bảo các anh em tiến lên! Nhưng quân Đức quá mạnh!”.

Trong lễ tuyên dương chiến công của mình, Vassili đứng dưới bức tranh Chủ tịch Stalin và nhớ về cuộc đi săn đầu tiên trong đời. Cậu bé Vassili lúc đó đã bắn trượt con sói và cậu đã cầu xin ông nội tha thứ cho mình. 

Chi tiết ẩn dụ mà đạo diễn Annaud nói đến là gì? Tình cảm trong sáng trong con người Vassili? Vassili chẳng hề sợ hãi khi lần đầu giết người. Anh hành động rất dứt khoát, trong khi tay chính trị viên còn đang ngạc nhiên tột độ thì 5 gã lính Đức đã chết. Hay cậu xin lỗi vì thất bại đã làm chết con ngựa? Nếu lớn lên trong sự dạy bảo nghiêm khắc của ông nội như vậy sao Vassili lại có nét mặt ngây ngô chưa hiểu sự đời?

Xen vào trong phim là những bài học triết lý về thợ săn – sói – con mồi, đôi lúc thợ săn phải đóng vai con mồi để dụ sói khỏi hang giống như trong cuộc sống, muốn đạt được mục đích phải chịu đi đường vòng, phải nhẫn nại chờ đợi thời cơ...Hay triết lý về nhân sinh: Con người bao giờ cũng vẫn là con người...Ta đã cố hết sức tạo ra một xã hội bình đẳng, để không ai có thể ganh tỵ nhưng luôn sẽ còn ganh tỵ, một nụ cười một tình bạn điều gì ta muốn sở hữu, điều gì ta muốn có...Giàu của cải, nghèo của cải. Giàu tình yêu, nghèo tình yêu...

Sự hy sinh của Danilov đã giúp Vassili bắn được tên thiếu tá Đức, và cũng để chuộc lại những lỗi lầm anh ta đã gây ra cho bạn mình. Tình yêu và tình bạn, thứ gì anh ta muốn có, thứ gì anh ta muốn sở hữu?
Một điều đặc biệt trong phim của Jean-Jacques Annaud nữa là khi bắt đầu một trường đoạn mới, ông thường mở đầu bằng một hình ảnh toàn cảnh trong diện rộng, rồi là cái nhìn từ phía sau binh lính, rất ít cận cảnh xuất hiện trong phim, chi tiết đặc tả xuất hiện nhiều lần nhất là ngón trỏ bóp cò súng của Vassili. 

Lep Tonxtoi đã nói: “Nghệ thuật là cái kính hiển vi để người nghệ sĩ soi vào những bí mật của tâm hồn mình và chỉ ra rằng những điều bí ẩn ấy là của chung mọi người”.

Điều đó có nghĩa là những người làm nghệ thuật phải là những người khách quan nhất, không phân biệt tầng lớp giàu nghèo trình độ văn hóa hay màu sắc chủng tộc. Tạm không bàn đến tính chất đúng – sai trong phim và những tranh cãi của người Nga với người Mỹ, bộ phim có thể nói là thành công trong kỹ thuật quay và tạo bối cảnh. 

Chiến trường với những bức tường đổ nát, mưa bom gió đạn dội xuống, những nhà máy bị phá còn đang cháy dở, thành phố chìm trong khói bụi.. tạo nên sự hoành tráng xứng đáng là phim chiến tranh do Holliwood sản xuất. Cảnh quay đẹp với màu đỏ rực của máu rải trên nền trắng tinh khôi của tuyết, không nhiễm bụi bẩn chiến tranh, giống như cảnh tượng trong giấc mơ của những cô gái về người hùng của mình.

Tình yêu giữa Vassili và Tania chính là như thế, giữa khoảnh khắc chiến tranh ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một tấm màn mỏng manh, tình yêu của họ như một bản nhạc trữ tình làm dịu đi máu tanh và khói lửa xung quanh. Để niềm tin, hy vọng xua đi bóng tối chết chóc và sợ hãi . 

Họ yêu nhau chỉ thông qua ánh mắt và những câu chuyện phiếm không hề mang tính chất tán tỉnh hứa hẹn. Nếu có cũng chỉ là lời nói: Nếu chúng ta còn sống sót...Một câu hứa mơ hồ. Nhưng Tania lại muốn nắm bắt hiện tại vì điều đó đêm xuống Tania đã đến chỗ ngủ của Vassili. Cảnh vụng trộm của họ là một trong những cảnh đẹp nhất trong phim, không ai nói gì nhưng hành động và ánh mắt đã chứng minh tất cả. Khi Vassili từ biệt Tania, lần đầu tiên họ thổ lộ tình yêu với nhau. 

Phim không kết thúc ở hình ảnh Vassili ngồi nhìn mặt trời nước Nga, dù đó là dấu hiệu của một sự khởi đầu mới nhưng người yêu anh đã chết thì chiến thắng của dân tộc không thể làm vơi đi nỗi đau trong lòng anh. Chính vì điều đó, đạo diễn đã để cảnh kết phim là Vassili tìm được Tania đang điều dưỡng trong bệnh viện. Và chắc chắn họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau.
 
Tình yêu của họ đến rất tự nhiên và chân thành

 
Ánh mắt của Vassili khi biết tin Tania đã chết

Vassili sau khi bắn hạ đối thủ, ngồi bên cạnh xác Danilov

Khánh Sơn


kyanh

Cùng chuyên mục
XEM